Tiền Giang tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức

Tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu trong năm nay hợp nhất Ðảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Ðảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh thành Ðảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; sớm hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó.

Cán bộ Văn phòng Công chứng số 1 tỉnh Tiền Giang giải quyết hồ sơ cho người dân.
Cán bộ Văn phòng Công chứng số 1 tỉnh Tiền Giang giải quyết hồ sơ cho người dân.

Thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đến nay, tỉnh đã giảm được bốn đầu mối cấp sở; 52 đầu mối cấp phòng trực thuộc sở; 193 phòng, trạm thuộc trung tâm, chi cục, ban quản lý trực thuộc sở và cấp huyện; 27 trường tiểu học và trường mẫu giáo. Tỉnh cũng thực hiện kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu đối với 27 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Qua đó, giảm ba lãnh đạo cấp trưởng, một cấp phó cấp sở; 52 trưởng phòng, bốn phó trưởng phòng trực thuộc cấp sở; 207 trưởng phòng, 53 phó trưởng phòng, trạm thuộc trung tâm, chi cục, ban quản lý thuộc sở và cấp huyện; 27 hiệu trưởng, 23 phó hiệu trưởng trường tiểu học; bảy hiệu trưởng, bốn phó hiệu trưởng trường mẫu giáo. Ngoài ra, tỉnh chuyển chín đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo hướng tự bảo đảm chi thường xuyên; giảm 1.608 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Toàn tỉnh có 24 trong số 173 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND; 385 trong số 3.343 người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm thêm một chức danh; bố trí 708 trong số 1.025 bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố; đồng thời điều động 253 công an chính quy về xã công tác. Các cơ quan khối Ðảng, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện đã thực hiện thí điểm việc bố trí, sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức theo danh mục vị trí việc làm do Tỉnh ủy ban hành.

* Thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị (ngày 24-1-2019) về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng xác định mục tiêu tăng tốc, bứt phá dựa trên nguồn lực ngân sách. Thành ủy, UBND thành phố đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP Hải Phòng trong năm 2020 để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị.

Ðể thực hiện mục tiêu, thành phố tập trung điều tiết các khoản thu ngân sách giữa Trung ương, địa phương và có cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị. Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển với các biện pháp áp dụng hệ thống biên lai điện tử, thanh toán trực tuyến giúp các doanh nghiệp có thể nộp phí nhanh gọn. Thành phố sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm bảo đảm việc sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, đúng luật, đúng dự toán, thực hiện kỷ luật, kỷ cương ngân sách; đẩy mạnh việc giao tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp để giảm mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách. Cùng với đó là rà soát, phân loại, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư để có biện pháp xử lý phù hợp; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong đầu tư công.