Tiếp tục hạn chế xe ô-tô trên 16 chỗ hoạt động tại khu vực phố cổ

Sau một tháng thí điểm, phương án hạn chế xe ô-tô trên 16 chỗ hoạt động trên một số tuyến phố trong khu vực phố cổ Hà Nội đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong các khung giờ cao điểm đã được cải thiện. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đánh giá, điều chỉnh phương án cho phù hợp với thực tiễn.

0:00 / 0:00
0:00
Khu vực Nhà hát Lớn trở thành điểm trung chuyển du khách, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Khu vực Nhà hát Lớn trở thành điểm trung chuyển du khách, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Vào khung giờ cao điểm, tại các tuyến phố tập trung nhiều khách sạn như: Hàng Trống, Nhà Chung, Hàng Ngang, Gia Ngư, Lý Quốc Sư... đã giảm hẳn tình trạng xe cộ chen chúc, giúp khách du lịch có những trải nghiệm trọn vẹn hơn khi ghé thăm Hà Nội.

Bà Lê Thu Hương (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) phấn khởi nói: “Từ khi cấm xe to, các tuyến đường này đỡ tắc hơn. Vào giờ cao điểm, chúng tôi di chuyển thuận lợi hơn nhiều, không phải chờ đợi vì ùn ứ, tắc đường”.

Đội Cảnh sát giao thông số 1 đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Trong một tháng qua, đơn vị đã xử lý 63 trường hợp, chủ yếu là dừng, đỗ sai quy định trong khu vực phố cổ, trong đó có hai xe ô-tô trên 16 chỗ đi vào giờ cao điểm.

Để thuận tiện cho việc đi lại của du khách và các đơn vị lữ hành, thành phố đã bố trí sáu điểm trung chuyển, đặt tại các tuyến phố: Bà Triệu (đoạn từ Hàng Khay đến Hai Bà Trưng); Trần Nhật Duật (đoạn từ Cao Thắng đến Ô Quan Chưởng); Trần Quang Khải (đoạn trước Công ty in Báo Nhân Dân Hà Nội, từ Hàng Mắm đến Hàng Thùng); Trần Khánh Dư (đoạn trước Bảo tàng Lịch sử quốc gia); khu vực chợ Đồng Xuân; Phùng Hưng (đoạn phố tranh bích họa).

Ghi nhận thực tế tại các điểm trung chuyển, các đơn vị lữ hành chấp hành khá nghiêm túc, đỗ đúng điểm theo quy định. Tuy nhiên, tại một số khu vực dù không được bố trí làm điểm trung chuyển như khu vực Nhà hát Lớn - Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, đầu phố Chợ Gạo lại đang dần trở thành nơi đón trả khách du lịch ra, vào khu vực phố cổ gây nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự đô thị.

Trước tình trạng nêu trên, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, nhắc nhở, nhưng sau đó lại tái diễn vi phạm khi lượng xe taxi, grab, người bán hàng rong tập trung để mời chào khách du lịch. Các khách sạn, công ty lữ hành đã chủ động thích ứng, điều chỉnh thời gian, phương tiện đưa đón du khách cho phù hợp.Cơ quan chức năng thống kê, trong phạm vi thí điểm cấm xe ô-tô trên 16 chỗ tại khu vực phố cổ và các tuyến phố chung quanh hồ Gươm, tổng cộng khoảng 138 khách sạn bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm Dương Thị Thanh Tâm cho biết: "Mỗi công ty lữ hành có cách hỗ trợ khách riêng. Chúng tôi hướng dẫn khách đi bộ hoặc sử dụng các phương tiện công cộng khác đến điểm đón. Điều này giúp giảm bớt áp lực giao thông và bảo vệ môi trường”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Wonder tour Lê Công Năng cho rằng, việc hạn chế xe ô-tô cỡ lớn di chuyển trong phố cổ sẽ tạo điều kiện cho du khách đi bộ, xe đạp khám phá từng góc phố của phố cổ, hòa mình vào cuộc sống của người dân. Đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp lữ hành thay đổi tư duy làm du lịch, hướng đến các sản phẩm xanh, bền vững và mang đậm tính trải nghiệm.

Bên cạnh việc cố gắng thích ứng với quy định mới, các doanh nghiệp lữ hành cũng mong muốn thành phố tăng thêm số điểm trung chuyển, điểm tập kết thay vì chỉ có sáu điểm như hiện nay. Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Lalago Dương Văn Tiến đề xuất, Hà Nội nên nhanh chóng xây dựng thêm các điểm trung chuyển ở phạm vi ngoài phố cổ, nơi các xe ô-tô lớn có thể dừng lại và chuyển hành khách sang xe điện nhỏ hoặc xe buýt mini vào khu vực trong phố cổ. Theo ông Lê Văn Hùng (phố Hàng Đào), việc cấm xe ô-tô trên 16 chỗ đã giúp phố phường thông thoáng hơn. Tuy nhiên, do xe to không vào được nên các khách sạn đã huy động nhiều xe ô-tô cỡ nhỏ vận chuyển khách dẫn đến tình trạng khá lộn xộn và gây ùn tắc tại một số thời điểm.

Do đó, các cơ quan chức năng cần tính toán cho phù hợp, tránh tình trạng cấm loại này, lại “phình” loại kia. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, rà soát, phát hiện các tồn tại, bất cập trong thời gian thí điểm để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Công an thành phố phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, dừng, đỗ sai quy định trên tuyến đường, nút giao thuộc phạm vi cấm, khu vực lân cận và các vị trí bố trí điểm trung chuyển. Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cần nghiên cứu các giải pháp để cải tạo, chỉnh trang các điểm trung chuyển bảo đảm phát triển bền vững, hướng đến quy hoạch các điểm trung chuyển chính thức sau khi kết thúc thí điểm.