Hai nghị quyết vừa được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua tại kỳ họp thứ 22 gồm: Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố (thực hiện Khoản 1, Điều 33 của Luật Thủ đô) và Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố (thực hiện Khoản 1, Điều 33 của Luật Thủ đô).
Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố đưa ra quy định áp dụng với 219 hành vi. Với cùng một hành vi vi phạm thì mức tiền phạt đối với tổ chức sẽ áp dụng ở mức gấp hai lần so với cá nhân vi phạm.
Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, mức phạt đề xuất cũng tăng không quá hai lần so với quy định hiện hành. Có 71 hành vi được xem xét để nâng mức tiền phạt.
Trước khi Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp thu ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo của hai nghị quyết. Đây là một trong nhiều chính sách mang tính đặc thù được quy định tại Luật Thủ đô năm 2024. Ông Vũ Thành Vĩnh, Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đánh giá, môi trường là vấn đề rất nóng tại các địa bàn. Dù đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng thực trạng vẫn chưa được cải thiện.
Việc xử lý vi phạm tại các phường vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như hành vi đổ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, thì việc tổ chức thực hiện quan trọng hơn mức phạt. Giải pháp hữu hiệu là đẩy mạnh công nghệ số, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), lắp hệ thống giám sát tự động, phần mềm phân tích dữ liệu… để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm. Tán thành với quy định tăng mức xử phạt vi phạm tối đa gấp hai lần so với quy định hiện hành, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý, cần phân tích cụ thể hơn, làm rõ về căn cứ pháp lý.
Bà Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế-Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, sau khi áp dụng chế tài mới, thành phố cần có số liệu, luận chứng khoa học để đánh giá về mối quan hệ, tác động giữa việc tăng mức xử phạt và giảm hành vi vi phạm, đồng thời cần minh bạch các vấn đề như: số tiền thu được từ xử phạt, việc sử dụng tiền xử phạt, người cung cấp thông tin, người tiếp nhận, thời gian xử lý...
Theo đánh giá của các chuyên gia tham gia phản biện, việc ban hành hai nghị quyết là kịp thời, cần thiết trước tình hình bảo vệ môi trường, quản lý đất đai đều rất phức tạp. Những quy định mới nhằm ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh trong tình hình hiện nay nhiều địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, giá bất động sản tăng nhanh khiến các vi phạm về đất đai càng diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương đang thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng phát triển đô thị. Theo tình hình thực tế, việc khắc phục hậu quả do các vi phạm về đất đai rất khó và với nhiều trường hợp là không thể. Tăng mức xử phạt sẽ góp phần nâng cao tính răn đe, ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh trên địa bàn thành phố.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, tại tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố đã lưu ý đến hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép, thực hiện các hành vi hủy hoại đất nông nghiệp, vi phạm trên các diện tích đất giao cho cấp xã quản lý. Bên cạnh đó, tình trạng các tổ chức được Nhà nước giao, cho thuê đất nhưng sử dụng không đúng, không làm thủ tục đăng ký đất đai hoặc cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trên đất khi chưa đủ điều kiện theo quy định còn xảy ra tại các địa phương.
Ông Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội lưu ý, nguyên nhân hàng nghìn dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố còn trong tình trạng “đắp chiếu” do chủ đầu tư, doanh nghiệp không đủ năng lực, nhưng vẫn “ôm” đất. Cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý, biết vi phạm mà không xử lý kịp thời. Do đó quy định rõ trách nhiệm đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vi phạm. Đây là giải pháp quan trọng đối với việc chấn chỉnh hoạt động quản lý đất đai.