Tinh gọn bộ máy, tích cực phục vụ nhân dân

Việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn hoặc Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn được tỉnh Kon Tum triển khai quyết liệt, bài bản nhiều năm qua; mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và tạo chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị tại các khu dân cư.
0:00 / 0:00
0:00
Triển khai chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn hoặc Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn đạt hiệu quả cao tại cơ sở.
Triển khai chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn hoặc Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn đạt hiệu quả cao tại cơ sở.

Theo thống kê, đến hết năm 2024 toàn tỉnh Kon Tum có 706/756 Thôn trưởng, Tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, chiếm tỷ lệ 93,39%, đạt 99,35% kế hoạch. Trong đó, 441/756 Bí thư chi bộ kiêm Thôn trưởng, Tổ trưởng dân phố, đạt tỷ lệ 58,33%, tương đương 83,33% so với kế hoạch. Ngoài ra, có 459 Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, đạt 60,71%. Những con số này không chỉ phản ánh quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc thực hiện chủ trương mà còn góp phần khẳng định vai trò, hiệu quả ở cơ sở.

Những chuyển biến rõ nét

Xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) từng gặp không ít trở ngại khi triển khai chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn hoặc Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Những ngày đầu, do nguồn cán bộ hạn chế, không ít người đảm nhận vị trí kiêm nhiệm còn bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng cũng khiến công tác tạo nguồn cán bộ gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Đảng ủy xã Đăk Trăm đã chủ động vào cuộc. Xã tập trung rà soát đội ngũ cán bộ, kịp thời đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, kỹ năng quản lý, điều hành. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Đến nay, nhờ kiên trì thực hiện, xã đã có 6/7 thôn bố trí chức danh kiêm nhiệm. Trong đó có 3 thôn thực hiện nhất thể hóa Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn và 3 thôn bố trí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn.

Bí thư Đảng ủy xã Đăk Trăm Nông Thị Thiệp cho biết: Chủ trương nhất thể hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cán bộ kiêm nhiệm đa phần còn trẻ, có tinh thần trách nhiệm, được nhân dân tín nhiệm. Công tác lãnh đạo của chi bộ có chuyển biến tích cực, địa bàn được quản lý chặt chẽ hơn, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương. Đồng chí A Hnar, Bí thư chi bộ kiêm Thôn trưởng Đăk Mông, xã Đăk Trăm bày tỏ: "Tôi nhận thấy mô hình này giúp phát huy sức mạnh tập trung của chi bộ. Với vai trò vừa là người đứng đầu chi bộ, vừa là Thôn trưởng, tôi thuận lợi hơn trong việc nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời định hướng cho các hoạt động của thôn”.

Không chỉ Đăk Trăm, xã biên giới Ia Dom, huyện Ia H'Drai cũng là một trong những địa phương cho thấy hiệu quả chủ trương nhất thể hóa chức danh. Tính đến nay, Ia Dom đã có 4/5 thôn áp dụng chủ trương này và đang phấn đấu thực hiện đồng bộ ở tất cả các thôn trong thời gian tới. Theo Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom Y Giang Ly, qua thời gian triển khai, xã đã ghi nhận những kết quả rất khả quan. Các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên được truyền đạt nhanh chóng, thống nhất đến từng người dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ cũng được thực hiện hiệu quả khi vai trò người đứng đầu được gắn với trách nhiệm cụ thể ở thôn.

Dù vậy, theo lãnh đạo xã Ia Dom, để chủ trương này tiếp tục nhân rộng, cần chú trọng hơn đến công tác tạo nguồn cán bộ. Việc lựa chọn người đảm nhiệm vị trí kiêm nhiệm không chỉ dựa vào năng lực, kinh nghiệm mà còn phải có uy tín, được nhân dân tin tưởng. Vì vậy công tác bồi dưỡng, đánh giá cán bộ luôn được xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Người dân đồng thuận, tin tưởng

Bà Y Thái, thôn Đăk Rò, xã Đăk Trăm chia sẻ: "Trước đây tôi chưa hiểu rõ về những chính sách, định hướng của địa phương, của Đảng và Nhà nước. Nhờ có ông A Viện tích cực tuyên truyền, tôi dần nhận thức rõ vai trò của bản thân, cùng với mọi người xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống gia đình ổn định. Nhờ địa phương vận động, tôi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực vươn lên phát triển kinh tế".

Đến các thôn, làng, có thể thấy sự phát triển về kinh tế hộ gia đình, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc và chia sẻ, ghi nhận của đồng bào về sự đúng đắn, chuyển biến tích cực từ mô hình nhất thể hóa. Thực tế chứng minh, khi cán bộ gần dân, hiểu dân và làm việc vì dân sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao từ cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Đó là yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm cả về trình độ, kỹ năng, bản lĩnh chính trị lẫn uy tín trong cộng đồng. Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với cán bộ kiêm nhiệm cũng cần tiếp tục được hoàn thiện, nhằm tạo động lực để họ yên tâm gắn bó lâu dài.

Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương nhất thể hóa tại các địa phương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đồng bộ. Cùng với đó là quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tạo nguồn kế cận cho nhiệm kỳ sau. Những tín hiệu tích cực từ cơ sở đang mở ra hướng đi mới, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương nhất thể hóa, đồng thời góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.