Năm 2024 là năm Tây Ninh triển khai nhiều giải pháp, tạo bước đột phá để hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp kịp thời, đúng hướng, thống nhất từ Chính phủ, đến chính quyền các cấp ở địa phương, sự đồng thuận và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh khởi sắc tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. Kết quả kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm, duy trì đà tăng trưởng khá xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước và dẫn đầu các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Theo Quyết định số 134/QĐ-BLĐTBXH ngày 31/01/2024 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tây Ninh còn 2.083 hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ nghèo đa chiều: 0,65%, trong đó hộ nghèo còn 512 hộ, tỷ lệ hộ nghèo: 0,16% và hộ cận nghèo còn 1.571 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo: 0,49%. Qua đó, tỉnh Tây Ninh có tỷ lệ hộ nghèo thấp đứng thứ 5 trên 63 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh: 0%; Bà Rịa-Vũng Tàu: 0%; Quảng Ninh: 0%; Hà Nội: 0,01%).
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024 trong triển khai công tác giảm nghèo, theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã phê duyệt 77 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, cho 614 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người khuyết tật không có sinh kế ổn định, với kinh phí hỗ trợ trên 13,18 tỷ đồng để mua sắm cây con giống, trang thiết bị phục vụ sản xuất cho các đối tượng.
Đồng thời, tổ chức được 6 phiên giao dịch việc làm với 37 doanh nghiệp tham gia và 2.016 lượt người tham dự, có 1.585 người được tư vấn và 510 người được các doanh nghiệp tiếp nhận trực tiếp tại các phiên. Qua các phiên giao dịch việc làm và ngày hội việc làm đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo nghề dưới 3 tháng cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được 11 lớp/336 người.
Tỉnh cũng tổ chức triển khai thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 -2025.
Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh cũng triển khai đầy đủ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội như: Hỗ trợ cấp 17.497 thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định; Hỗ trợ tiền nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho 4.068 đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ không khả năng thoát nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, với số tiền trên 3,1 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho 693 đối tượng thuộc 567 hộ nghèo không khả năng thoát nghèo, với kinh phí trên 5,5 tỷ đồng (Mỗi đối tượng thuộc hộ gia đình không khả năng thoát nghèo được hỗ trợ 2.010.000 đồng/tháng ở khu vực thành thị và 1.510.000 đồng/tháng ở khu vực nông thôn).
Ngoài ra, ngân hàng chính sách xã hội đã cho vay 594 đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo với kinh phí 23.967 triệu đồng; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong tỉnh Tây Ninh đã phối hợp vận động các nguồn lực, tổ chức các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên 245 tỷ đồng, trong đó có xây mới 168 căn nhà Đại đoàn kết (mỗi căn trị 90 triệu đồng) và sửa 47 căn nhà…
Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh đề ra một số giải pháp trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, toàn diện, phối hợp giữa các cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội đối với các chính sách, dự án về thực hiện công tác giảm nghèo.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ động, phối hợp các sở ngành liên quan và các địa phương kịp thời hỗ trợ các chính sách của Trung ương và các chính sách đặc thù của tỉnh dành cho hộ nghèo, người nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát toàn bộ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được phê duyệt và hỗ trợ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm nếu có theo quy định; Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, đảm bảo tính chính xác theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ; kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực tế tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đời sống của nhân dân; tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu, thành tích, phản ảnh sai lệch thực tế về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc thoát nghèo…