Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt chống Mỹ, cứu nước, hòa cùng đội ngũ văn nghệ sĩ lên đường ra trận có nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc; trực tiếp chiến đấu và sáng tác trong bom đạn chiến trường, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Được “nhìn”, “chạm”, “nghe” và “sống lại” những khoảnh khắc lịch sử qua Triển lãm tương tác
Có thể gặp ở triển lãm này những tác phẩm của các thế hệ nghệ sĩ gạo cội với nhiều dấu ấn, đóng góp cho sự phát triển mỹ thuật Việt Nam, cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; trong số đó có những người từng tham gia cách mạng, như: họa sĩ Nguyễn Sáng, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật); cố họa sĩ, Đại tá Nguyễn Quang Thọ, họa sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Nghĩa Duyện (Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật)... Bên cạnh đó là các thế hệ tiếp nối với nhiều thành công được ghi nhận, như: các nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, Hoa Bích Đào, Nguyễn Phú Cường...; các họa sĩ Nguyễn Trường Linh,Đào Quốc Huy...
50 tác phẩm trưng bày gồm các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa với ngôn ngữ biểu đạt sinh động; giúp công chúng yêu nghệ thuật hồi tưởng về chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta trong kháng chiến cứu nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Đó là những hình ảnh về chiến trường ác liệt trong Quyết tử cho Hà Nội (chất liệu tổng hợp của Hoa Bích Đào), Khúc ca bi tráng (sơn dầu của Bùi Anh Hùng). Là khoảnh khắc vui tươi, bình yên và lãng mạn sau những trận đánh trong Kỷ niệm Trường Sơn (đồng gò của Nguyễn Xuân Thành), Đọc báo (sơn mài của Nguyễn Thế Vinh). Là cuộc hội ngộ xúc động của người lính thương binh với mẹ già trong Ngày gặp mẹ (màu nước của Ngô Quang Nam). Là vẻ đẹp bình yên, tươi sáng của cuộc sống hòa bình trong Thống nhất (sơn mài của Nguyễn Sáng), Sum họp bắc-trung-nam (sơn dầu của Trần Tuy)...
Một số tác phẩm khắc họa sinh động, giàu tình cảm về hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp như: Bác Hồ dừng chân bên suối (sơn khắc của Nguyễn Nghĩa Duyện), Miền nam trong trái tim tôi (sơn dầu của Đỗ Ngọc Dũng), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (gỗ của Nguyễn Văn Tuệ)...
Từ mùa Xuân đại thắng năm 1975, với tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, đổi mới sáng tạo và hội nhập, sau 50 năm đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Mảng đề tài về quê hương, đất nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện đầy cảm xúc, bay bổng trong nhiều tác phẩm, như: Bản mây 1 và Bản mây 2 (sơn dầu của Lê Anh Vân); Nông thôn (acrylic của Vi Kiến Thành), Trường Sa (đồng của Tạ Quang Bạo); Công trường xanh (sơn mài của Nguyễn Trường Linh), Bình minh trên công trường (sơn dầu của Bùi Anh Hùng)...
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: “Triển lãm là dịp để công chúng hồi tưởng lại chặng đường hào hùng của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do. Qua các tác phẩm nghệ thuật, thế hệ hôm nay càng hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, từ đó khơi dậy ý chí vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Góp mặt tại triển lãm với hai tác phẩm: Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (ảnh tượng đài) và Cội nguồn hạnh phúc (tượng đồng), nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Đây là triển lãm mỹ thuật rất có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm lớn và hết sức quan trọng này. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc được tham gia triển lãm cùng các nghệ sĩ thuộc thế hệ của hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, khi các tác phẩm của mình lại có dịp được lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc”.