Trà Vinh, Tiền Giang tích cực phòng, trừ sâu bệnh hại lúa

Nhân dân thôn miền núi Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) chăm sóc tiêu.
Nhân dân thôn miền núi Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) chăm sóc tiêu.

ND - Ðến nay, tỉnh Trà Vinh còn khoảng 45 nghìn ha lúa hè thu đang trong giai đoạn trổ bông đến chín và khoảng 15 nghìn ha lúa thu đông, mạ lúa mùa mới xuống giống 5 - 20 ngày tuổi; trong đó, khoảng 25 nghìn ha bị nhiễm rầy nâu, mật độ 1.000 con/m2 trở lên.

Tỉnh đang tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; vận động nông dân thường xuyên thăm đồng hằng ngày, phát hiện bệnh kịp thời để phòng, chống dịch; khi phun thuốc diệt rầy nâu phải thực hiện theo nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và phun rải đúng kỹ thuật); vận động nội bộ nông dân hỗ trợ lẫn nhau nhổ bỏ, tiêu hủy ngay những cây lúa nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá tránh lây lan trên diện rộng; chuyển những diện tích có kế hoạch xuống giống vụ lúa mùa sang gieo sạ trực tiếp bằng các giống lúa ngắn ngày hoặc trồng luân canh một vụ màu, nuôi trồng thủy sản.

Vụ hè thu chính vụ 2008, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã xuống giống 16.750 ha, dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 8. Huyện đang chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây lúa; khuyến khích nhân rộng những mô hình canh tác mới như dùng công cụ sạ hàng, bón phân tiết kiệm; mô hình cộng đồng tham gia quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, mô hình trồng lúa sạch chất lượng cao... Ðồng thời, khuyến khích nông dân đưa các loại cây màu kinh tế xuống chân ruộng thay cho trồng lúa vụ ba hoặc luân canh theo mô hình 2 lúa + 1 màu hoặc chuyên canh 3 - 4 vụ màu mỗi năm để cải tạo đất đai, tăng thêm độ màu mỡ phì nhiêu và tăng nhanh thu nhập.