Trái ngọt miền cửa ngõ biên giới

Huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), nhiều năm qua là địa phương đi đầu phát triển nông sản hàng hóa gắn với xây dựng chuỗi giá trị. Từ quả na Chi Lăng nổi tiếng đến các sản phẩm đặc trưng như rau củ, dược liệu…, nhiều mô hình liên kết ngày càng được mở rộng, đưa nông sản vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch na được trồng theo tiêu chuẩn VietGap tại hộ nông dân Hoàng Văn Chức, tổ sản xuất na VietGap Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng.
Thu hoạch na được trồng theo tiêu chuẩn VietGap tại hộ nông dân Hoàng Văn Chức, tổ sản xuất na VietGap Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng.

Huyện Chi Lăng hiện có diện tích trồng na ước đạt gần 2.700 ha, diện tích cho quả khoảng 2.300 ha, năng suất đạt 104 tạ/ha, sản lượng đạt 23.900 tấn, doanh thu ước đạt hơn 800 tỷ đồng; riêng sản xuất na trái vụ giá trị tăng thêm ước đạt hơn 50 tỷ đồng.

Chi Lăng chủ động chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, coi trọng yếu tố thị trường và giá trị gia tăng. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã hình thành và tham gia vào các chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, có hợp đồng rõ ràng với các siêu thị, sàn thương mại điện tử và thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Không chỉ tập trung vào cây na, huyện Chi Lăng mạnh dạn mở rộng mô hình chuỗi giá trị ra nhiều loại nông sản khác như (đào, hồi, ớt, khoai tây, lạc…), chăn nuôi ngựa bạch, dê, thỏ… và các loại gia súc gia cầm khác. Tính đến hết quý I/2025, toàn huyện có 38 hợp tác xã nông nghiệp có các chuỗi liên kết đang hoạt động hiệu quả, trong đó một số sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao như trà nụ vối Liên Sơn, lúa nếp thơm Bằng Mạc, trà ổi Lụa Vy, khâu nhục Mai Sao…đã được giới thiệu, bán ra thị trường cả nước. Cùng với áp dụng công nghệ số, huyện khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng truy xuất nguồn gốc, tem QR code, kết nối tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee... Nhờ đó, giá trị nông sản tăng từ 15-30% so với bán lẻ truyền thống.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng, Lương Thành Chung cho biết: Huyện xác định, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi lâu dài, lấy nông dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực. Mục tiêu đến năm 2030, Chi Lăng hình thành vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao gắn với du lịch nông nghiệp và chuyển đổi số.Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng, địa phương tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm tính ổn định, bền vững và nâng cao được thu nhập cho người dân.

Khi triển khai mô hình này, các hộ dân tham gia được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồi giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm. Số liệu tính đến hết năm 2024, toàn huyện đã cấp giấy chứng nhận sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 581,58 ha. Nhờ có đầu ra ổn định và được hỗ trợ sơ chế, đóng gói, sản phẩm hồi khô của địa phương đã được xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài. Riêng quả na Chi Lăng, sản phẩm nông nghiệp nổi bật của địa phương, đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Không chỉ với cây trồng, huyện Chi Lăng còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Tại xã Vân An mô hình chăn nuôi ngựa bạch liên kết với quy mô 18 hộ gia đình đã giúp người dân tăng thu nhập từ hai đến ba lần so với trước. Để hỗ trợ các hộ dân, huyện đã có chính sách hỗ trợ xây dựng chuồng trại, cung cấp con giống và chuyển giao kỹ thuật, đồng thời kết nối với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra…

Đồng chí Long Văn Nhân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chi Lăng cho biết: Việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản là bước đi cần thiết, góp phần cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện. Đặc biệt, huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.Với hướng đi đúng và sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp, huyện Chi Lăng đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lạng Sơn và vùng trung du miền núi Bắc Bộ.