Khi mang thai ở tuần 30, siêu âm tiền sản tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện các quai ruột và dạ dày của thai nhi nằm cao hơn ngực trái, cho thấy các cơ quan trong ổ bụng di chuyển lên lồng ngực. Bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị thoát vị hoành bẩm sinh bên trái.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Trọng, Khoa Ngoại Nhi, khi cơ hoành thoát vị lên trên sẽ chèn vào phổi gây thiểu sản phổi (phổi kém phát triển) và tăng áp động mạch phổi. Đây chính là 2 nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nên với thai nhi này, các bác sĩ đã lên kế hoạch theo dõi và điều trị sau sinh để cứu mạng sống.
Đến tuần thai 39, sản phụ N.TT. sinh mổ. Ê-kíp bác sĩ Trung tâm Sơ sinh túc trực sẵn ở phòng mổ để hỗ trợ thở cho bé ngay sau khi chào đời. Bệnh nhi được chuyển về phòng chăm sóc đặc biệt (NICU) thở ôxy, truyền nội khí quản để ổn định hô hấp.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Trọng, thời điểm phẫu thuật cho bệnh nhi cần tính toán chính xác, bởi nếu sai lệch có thể gây suy hô hấp và phụ thuộc máy thở kéo dài. Nếu phẫu thuật muộn có nguy cơ nghẹt tạng thoát vị dẫn đến hoại tử ruột, bác sĩ phải cắt bỏ đoạn ruột đã chết, gây hội chứng ruột ngắn, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của trẻ suốt đời.
Thậm chí khiến dịch tiêu hóa và phân tràn vào lồng ngực và ổ bụng, gây viêm phúc mạc, viêm mủ màng phổi, nhiễm trùng huyết và tử vong.
Bác sĩ quyết định can thiệp cho bệnh nhi sau 48 giờ chào đời. Ê-kíp bác sĩ rạch một đường ngang ngay bên sườn, xác định các tạng bị thoát vị (ruột, dạ dày…), kéo xuống và sắp xếp lại vào đúng vị trí trong ổ bụng mà không làm tổn thương tạng hoặc các mạch máu nuôi.
Sau đó khâu hai mép cơ hoành lại với nhau và đóng vết mổ. Sau 40 phút ca mổ thành công, bệnh nhi tiếp tục được đưa về phòng chăm sóc đặc biệt NICU theo dõi và hỗ trợ hô hấp, sau 7 ngày bé cai máy thở, được xuất viện.
Thông tin thêm về trường hợp này bác sĩ Trọng cho biết, trẻ sơ sinh bị thoát vị hoành trái thể có túi, tức giữa hai mầm của cơ hoành có một túi màng mỏng của mô. Thoát vị hoành bẩm sinh thường gặp thể không túi, các tạng chèn ép trực tiếp và tự do vào phổi, gây tổn thương phổi, vì thế trường hợp thoát vị hoành có túi tương đối ít gặp.
Cơ hoành có vai trò ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng, khi bị thoát vị sẽ để lại một lỗ hổng khiến các cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, ruột, gan có thể di chuyển lên lồng ngực, chèn ép khiến phổi không thể phát triển bình thường, gây huyết áp trong động mạch phổi.
Hiện nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định, song có thể do yếu tố di truyền và môi trường. Một số trường hợp bệnh có thể đi kèm với các dị tật bẩm sinh khác về tim hoặc các bất thường nhiễm sắc thể.
Hầu hết trẻ bị thoát vị hoành bẩm sinh sẽ được phát hiện trong quá trình siêu âm thai định kỳ (thường vào khoảng tuần thứ 18-20 của thai kỳ). Ngay sau khi phẫu thuật thành công, trẻ vẫn có thể đối mặt với một số vấn đề sức khỏe khi lớn lên như hen suyễn, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản, chậm tăng cân, chậm phát triển…
Bác sĩ Trọng khuyến cáo phụ nữ mang thai cần đi khám và siêu âm định kỳ để phát hiện sớm thoát vị hoành và các dị tật bẩm sinh khác. Nếu có con bị bệnh cần lựa chọn điều trị tại các bệnh viện có sự phối hợp của các chuyên khoa Y học bào thai, Sản, Sơ sinh, Ngoại Nhi, Hồi sức Nhi… để tăng cơ hội thành công và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.