Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho biết, đây là sự kiện quan trọng để Ngân hàng Phát triển Việt Nam giới thiệu cơ chế cho vay theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, ngày 7/11/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước; nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp về vốn vay, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc phục hồi, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng phát biểu tại hội nghị. |
Các doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt một số điều kiện, quy định việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để được hỗ trợ tăng thêm nguồn vốn đầu tư những dự án lớn, quan trọng của tỉnh, góp phần thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2025 ở mức 13-14% và đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ 2020-2025.
![]() |
Các doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận thảo luận, trao đổi, nắm bắt các quy định được tiếp cận vốn đầu tư của nhà nước tại hội nghị. |
Năm 2025, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Ninh Thuận khoảng 22.500 tỷ đồng, địa phương đang kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm về năng lượng, năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đến năm 2030. Cụ thể, điện mặt trời là 1.974MW, điện gió 1.039MW; LNG Cà Ná 1.500MW; hydrogen; Dự án Khu Công nghiệp Cà Ná; Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2…
Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cho biết, trong thời gian vừa qua, tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế trên cả nước hơn 200.000 tỷ đồng, đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A).
![]() |
Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam, giới thiệu cơ chế cho vay theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, ngày 7/11/2023 của Chính phủ tại hội nghị. |
Tại tỉnh Ninh Thuận, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Nam Trung Bộ đang tiếp nhận hồ sơ để thẩm định cho vay 3 dự án với tổng số vốn vay hơn 2.000 tỷ đồng.

Trụ cột trong giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Năm 2025 và những năm tiếp theo, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Nam Trung Bộ tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng đầu tư cho các dự án mới đủ điều kiện triển khai, đặc biệt là các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo, nhà ở xã hội, sản xuất chế biến công nghiệp, nông nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ cao... có thể cho vay tối đa khoảng 12.000 tỷ đồng/khách hàng và khoảng 20.000 tỷ đồng/nhóm khách hàng; lãi suất cho vay được áp dụng theo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí và không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ. Lãi suất cho vay năm 2025 là 6,9%/năm.
Tại hội nghị, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với 5 doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM, Công ty Cổ phần Tập đoàn K-MS, Công ty TNHH SEAGULL ADC Ninh Thuận và Công ty TNHH Phú An Thành Gia Lai, với tổng vốn cam kết hơn 35,5 nghìn tỷ đồng.
![]() |
Các doanh nghiệp tại Ninh Thuận ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác-tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. |
Dịp này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng đã trao tặng 600 triệu đồng hỗ trợ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Ninh Thuận.
![]() |
Ngân hàng Phát triển Việt Nam trao tặng số tiền 600 triệu đồng hỗ trợ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Ninh Thuận. |