Huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ

Với sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của thành phố Hải Phòng, huyện Vĩnh Bảo chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cử tri xã Thanh Lương xem danh sách cử tri lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Cử tri xã Thanh Lương xem danh sách cử tri lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Vào cuộc chủ động, quyết liệt

UBND huyện Vĩnh Bảo đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền tới đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về chủ trương, phương án và các nội dung liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, từ đó tạo đồng thuận; chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh, tiếp nhận, tổng hợp, xử lý các vấn đề liên quan, kịp thời hướng dẫn, giải đáp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các địa phương và chủ động xin ý kiến cấp trên những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ban Chỉ đạo Huyện ủy về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND huyện Vĩnh Bảo thường xuyên chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, kịp thời phản ánh, tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề phát sinh. Lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tại các đơn vị địa phương. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp như qua hệ thống loa truyền thanh, họp dân, lan tỏa qua mạng xã hội…, qua đó tạo thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong quá trình triển khai thực hiện, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, khách quan, xuất phát từ yêu cầu cấp bách của cuộc sống.

Thời gian triển khai gấp, các xã nỗ lực vào cuộc để bảo đảm tiến độ. Những ngày đầu, cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng còn nhiều tâm tư, băn khoăn. Bí thư Đảng ủy xã Nhân Hòa Trần Văn Tiến chia sẻ, người dân lo lắng sáp nhập 3 xã quy mô lớn, dân đông, bộ máy chính quyền quản lý hành chính trên địa bàn xã mới có đủ sức đảm đương, khi cần làm thủ tục hành chính phải đi xa hơn vài cây số trong khi các cụ già cao tuổi thường đi bộ.

Người dân bày tỏ lo lắng, đang sinh sống ổn định nhiều năm trên địa bàn với nét văn hóa truyền thống đặc thù, khi sáp nhập địa bàn rộng, an ninh trật tự có bảo đảm, số đảng viên đông thì bố trí hội trường họp ra sao…

Chủ tịch HĐND xã Thanh Lương Nguyễn Văn Khanh

Thế nên, cán bộ khéo léo tuyên truyền, giải thích rõ xã không đủ điều kiện về dân số, diện tích thuộc diện phải sáp nhập, chủ trương chỉ đạo từ Trung ương triển khai trong toàn quốc, sáp nhập nhằm mở rộng không gian, có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết thủ tục hành chính hiện đã có công nghệ thông tin hỗ trợ, nộp hồ sơ trực tuyến đỡ phải đi xa. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con thấu hiểu, đồng thuận, đề đạt mong muốn trước mắt dùng trụ sở cũ của 1 xã, sau này xây trụ sở mới ở trung tâm 3 xã để tới giao dịch thuận tiện.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Lương Nguyễn Văn Khanh cho biết, người dân bày tỏ lo lắng, đang sinh sống ổn định nhiều năm trên địa bàn với nét văn hóa truyền thống đặc thù, khi sáp nhập địa bàn rộng, an ninh trật tự có bảo đảm, số đảng viên đông thì bố trí hội trường họp ra sao… Đảng bộ xã tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương để đảng viên lĩnh hội, lan tỏa, cán bộ tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục để bà con thấu hiểu lợi thế sau sáp nhập mở rộng không gian phát triển, phát huy được nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế thuận lợi, có điều kiện thu hút đầu tư, nếu có khu công nghiệp, vùng sản xuất lớn cần nhiều nhân công thì con em đỡ phải đi làm ăn xa.

Lúc đầu không ít ý kiến cho rằng, xã Nhân Hòa có nhiều di tích văn hóa lịch sử và đặc biệt có nghệ thuật múa nước truyền thống, tên xã vốn hay, hàm ý con người hiền hòa, gần gũi, nay sáp nhập lại đổi tên. Lãnh đạo 3 xã Nhân Hòa, Tam Đa và Vinh Quang đều muốn giữ lại tên xã mình, phương án ghép tên 3 xã dài mà lại không hay, cuối cùng thống nhất chọn tên mới gồm 2 chữ, lấy chữ Vĩnh là chữ đầu của tên huyện và ghép thêm một chữ bảo đảm vừa súc tích vừa có ý nghĩa thành Vĩnh Hưng, hàm ý vĩnh cửu trường tồn và hưng thịnh.

Ông Nguyễn Duy Hà, Bí thư Chi bộ thôn An Trì 1, xã Thanh Lương chia sẻ, các tổ lấy ý kiến cử tri đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền sâu rộng, kiên trì phân tích, cử tri nhất trí cao phương án sáp nhập 3 xã và đặt tên xã mới là Vĩnh Hải (hàm ý vĩnh cửu trường tồn và khát khao phát triển để vươn ra biển lớn). Ông Đoàn Hữu Cao, Trưởng thôn An Quý, xã Cộng Hiền bộc bạch, ban đầu bà con băn khoăn tên xã đã gắn bó lâu đời, nay sáp nhập mất tên, sau khi được tuyên truyền, giải thích thấu đáo nhất trí phương án sáp nhập, lấy tên xã mới là Tiền Phong, mong muốn được tạo điều kiện giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi, đội ngũ cán bộ phục vụ dân tốt hơn.

Xã Cổ Am là đất học, địa danh đã đi vào thơ ca, nay sáp nhập không còn tên nên nhiều người dân bày tỏ áy náy, tâm tư, ông Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Chi bộ thôn 5, bộc bạch. Được tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, nhân dân chia sẻ, đồng thuận vì lợi ích chung, nhất trí phương án sáp nhập lấy tên xã mới là Tam Cường bởi xã có dân đông, diện tích lớn hơn 2 xã còn lại, nên gần một nửa số dân của 3 xã sáp nhập không phải thay đổi giấy tờ. Cán bộ cơ sở gặp gỡ trao đổi, tranh thủ tiếng nói của cán bộ nghỉ hưu, người có uy tín các dòng họ, họp cấp ủy, chi bộ bàn bạc kỹ lưỡng đi đến thống nhất, sau đó họp tổ đảng, họp từng cụm dân cư…từng bước triển khai thuận lợi.

Do làm tốt công tác chuẩn bị, từ công tác tuyên truyền đến triển khai, thực hiện, tỷ lệ cử tri các xã thực hiện sắp xếp nhất trí với phương án sắp xếp đơn vị hành chính đạt rất cao, trung bình toàn huyện là 99,1% (xã cao nhất 99,82%, thấp nhất 97,68%), đồng ý tên gọi xã mới là 99,06%.

Triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ ảnh 1
Đảng ủy, UBND xã Cộng Hiền tổ chức giao ban triển khai Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Quan tâm bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư phù hợp

Việc giảm các đơn vị hành chính đặt ra thách thức đối với hệ thống chính trị cơ sở trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư, giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ không được tiếp tục bố trí đảm nhiệm công tác sau sáp nhập.

Qua rà soát, đánh giá, thực tế số lượng cán bộ, công chức trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, nhiều người còn có tuổi đời trẻ, còn nhiều năm công tác, thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc ngắn nên việc giải quyết các chế độ chính sách đối với số lượng dôi dư không những cần lộ trình thời gian mà còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách của Thành phố, Trung ương.

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, có một số cán bộ cấp trưởng dự kiến sẽ bố trí đảm nhận chức danh cấp phó (nhưng sẽ có một số chức danh từ cán bộ chuyên trách cấp xã trở thành người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) hoặc điều động luân chuyển làm công tác khác, hoặc tuyển dụng công chức xã phù hợp với trình độ chuyên môn nếu các địa phương, đơn vị còn khuyết vị trí việc làm.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, sắp xếp sáp nhập 15 xã của huyện Vĩnh Bảo thành 5 xã.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, sắp xếp sáp nhập 15 xã của huyện Vĩnh Bảo thành 5 xã.

Theo tính toán, số cán bộ công chức dôi dư của huyện Vĩnh Bảo khoảng hơn 140 người. Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nguyễn Trọng Tuệ cho biết, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về việc luân chuyển điều động cán bộ lãnh đạo quản lý nhằm bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả gắn liền với đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

HĐND thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối tượng tinh giản biên chế, đối tượng tự nguyện nghỉ công tác trước tuổi tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tinh giản biên chế.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều cán bộ, lãnh đạo xã chủ động xin nghỉ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có năng lực tiếp tục cống hiến, tinh gọn bộ máy thuận lợi.

Sau khi sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức ở 5 xã mới sau sáp nhập, số cán bộ, công chức dôi dư còn lại tiếp tục thực hiện tinh giản theo lộ trình từng năm, bảo đảm chậm nhất là 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, số lượng cán bộ, công chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp bảo đảm đúng theo quy định. Phương án bố trí, giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp cũng được tính toán phù hợp, bảo đảm tránh lãng phí.

Chủ trương của thành phố Hải Phòng và huyện Vĩnh Bảo là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính. Trên cơ sở chỉ đạo của thành phố, huyện sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.

Cùng với đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, UBND huyện Vĩnh Bảo sẽ chỉ đạo các phòng ban, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể cả về nội dung và thời gian làm việc để hướng dẫn UBND các xã trong việc giải quyết các vấn đề cần thiết nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, hoạt động kinh doanh…