Các học sinh Trường trung học cơ sở Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội).
Các học sinh Trường trung học cơ sở Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội).

Triển lãm "Rạng rỡ tên Người" của Báo Nhân Dân: Nhớ về Người, lòng ta trong sáng hơn

NDO - Không chỉ là một triển lãm ảnh, "Rạng rỡ tên Người" còn khơi dậy nỗi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, đối với Tổ quốc.

Lễ kết nạp Đoàn đặc biệt

Sáng sớm ngày cuối tuần, nhóm học sinh của Trường trung học cơ sở Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) đã tập hợp ngay ngắn ở cổng trường. Khoác lên mình màu áo xanh của Đoàn Thanh niên, dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, các em cùng nhau di chuyển đến hai địa điểm đặc biệt.

Trước hết, chuyến xe chở các học sinh đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tại đây, 42 học sinh xuất sắc của Trường trung học cơ sở Ngọc Thụy đã được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Sau khi tham quan những hiện vật, tư liệu quý từ thời tiền sử đến thời hiện đại ở bảo tàng, các tân đoàn viên lại tiếp tục di chuyển tới trụ sở Báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm để tham quan triển lãm ảnh "Rạng rỡ tên Người".

Triển lãm như một bảo tàng thu nhỏ về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nguồn tư liệu sâu rộng và bổ ích. Những hình ảnh trưng bày đã được chọn lọc một cách kỹ càng, thể hiện từng dấu mốc quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Qua đây, chúng em hiểu hơn về công lao ấy, thấu rõ thêm về tinh thần và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước.

Nguyễn Huy Hoàng, lớp 9A6, Trường trung học cơ sở Ngọc Thụy

Là một trong những đội viên xuất sắc của khối 9 được kết nạp Đoàn đợt này, Nguyễn Huy Hoàng, học sinh lớp 9A6, Trường trung học cơ sở Ngọc Thụy, bày tỏ niềm tự hào và xúc động khi có cơ hội nhìn thấy những hình ảnh quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Khi còn bập bẹ đọc những vần chữ 'a', 'o', chúng em đã được học về 5 điều Bác Hồ dạy. Thông qua các môn Ngữ văn và Lịch sử, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một người đã dành trọn cuộc đời mình cho đất nước - luôn hiện diện trong trái tim em. Với riêng em, Lễ kết nạp Đoàn hôm nay thật đặc biệt!", Huy Hoàng bộc bạch.

Triển lãm "Rạng rỡ tên Người" của Báo Nhân Dân: Nhớ về Người, lòng ta trong sáng hơn ảnh 1

Em Nguyễn Huy Hoàng tự hào khi được kết nạp Đoàn vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Yêu thích các môn khoa học xã hội, Hoàng luôn dành thời gian tự học để đào sâu, tìm hiểu về Lịch sử, Địa lý và Ngữ văn. Em cũng dành nhiều giờ để tìm hiểu các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Triển lãm như một bảo tàng thu nhỏ về Người với nguồn tư liệu sâu rộng và bổ ích. Những hình ảnh trưng bày đã được chọn lọc một cách kỹ càng, thể hiện từng dấu mốc quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Qua đây, chúng em hiểu hơn về công lao ấy, thấu rõ thêm về tinh thần và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước", Huy Hoàng nói.

Thầy Nguyễn Đình Vinh, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường trung học cơ sở Ngọc Thụy, chia sẻ: "Theo kế hoạch, hằng năm, nhà trường sẽ tổ chức kết nạp Đoàn vào 2 đợt là ngày 26/3 và ngày 19/5. Năm nay, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 42 học sinh vinh dự được kết nạp Đoàn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia". Được biết, đây là một trong những địa chỉ đỏ mà các thầy, cô Trường trung học cơ sở Ngọc Thụy thường triển khai cho học sinh tham quan.

"Ngay khi nắm được thông tin Báo Nhân Dân đang tổ chức triển lãm ảnh 'Rạng rỡ tên Người', chúng tôi đã nhanh chóng bổ sung hoạt động quan trọng này vào hành trình của học sinh. Sự thay đổi trên xuất phát từ việc nhà trường luôn chú trọng giáo dục cho các bạn về lòng yêu nước, về sự hy sinh của ông cha", thầy Nguyễn Đình Vinh thông tin thêm.

Khắc ghi lời căn dặn của Người

Trong khuôn khổ diễn ra triển lãm ảnh "Rạng rỡ tên Người", mỗi ngày, Báo Nhân Dân đã trao tặng hàng nghìn bản phụ san đặc biệt của ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần cho khách tham quan.

Cầm bản phụ san "Lời Người - Lời của nước non" trên tay, cô Nguyễn Thanh Bình, trú tại quận Đống Đa, không giấu nổi sự xúc động khi đọc lại từng lời Người căn dặn. Trước khi về hưu, cô Bình từng công tác tại Phòng đọc, Thư viện Quốc gia. Những cuốn sách viết về Người luôn nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ độc giả.

"Hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trên ấn phẩm Nhân Dân số 1890 vô cùng sống động. Người mặc chiếc áo nâu trầm, tay cầm Báo Nhân Dân - tờ báo Đảng uy tín từ xưa đến nay. Nội dung tờ báo đề cập đến cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Đọng lại nhiều nhất trong tôi có lẽ là cái nhíu mày của Người, dường như, Người đang trăn trở khi nghĩ về nhân dân, về đất nước", cô Nguyễn Thanh Bình phân tích.

Theo cô Bình, từ màu sắc đến kiểu chữ, cỡ chữ của tập phụ san cũng rất đặc sắc, bắt mắt và thu hút độc giả. "Nội dung trích dẫn đều là những lời đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, xã hội và cả những đức tính cao đẹp mà mỗi người cần rèn luyện", cô Bình cho hay.

Triển lãm "Rạng rỡ tên Người" của Báo Nhân Dân: Nhớ về Người, lòng ta trong sáng hơn ảnh 2

Triển lãm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Đến Hà Nội du lịch vào những ngày giữa tháng 5, chị Trần Thị Hường, trú tại thành phố Nha Trang, tình cờ ghé thăm không gian triển lãm "Rạng rỡ tên Người" khi đang dạo bước quanh Hồ Gươm. Đi cùng chị là chồng và con gái.

Bế cô con gái nhỏ đến trước chân dung Bác Hồ, chị Hường xúc động: "Mỗi lần ngắm nhìn những hình ảnh, đọc những câu chuyện về Người là tôi lại nghẹn ngào. Đây cũng là cơ hội để tôi dạy con hiểu hơn về lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hy vọng rằng, những sự kiện ý nghĩa thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn nữa".

"Triển lãm rất thú vị, trước đó, tôi đã biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các tư liệu lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều học giả nước ngoài đánh giá cao và dành sự kính trọng", Ronen, đến từ Israel, chồng chị Hường, nói với phóng viên.

Còn trong suy nghĩ của Thu Trang, sinh viên năm 2, Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), mỗi trích dẫn được đề cập đến trong phụ san là một bài học, kinh nghiệm đắt giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền lại cho thế hệ sau.

"Em nhớ mãi lời căn dặn của Người: 'Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em'. Mỗi khi đọc lên những lời ấy, em đều cảm nhận rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước. Đó là động lực thôi thúc chúng em cố gắng học tập, rèn luyện từng ngày", Thu Trang chia sẻ.

Triển lãm "Rạng rỡ tên Người" khai thác tối đa công nghệ hiện đại để tạo nên trải nghiệm số hóa hấp dẫn. Thông qua mã QR, người xem có thể truy cập chuyên trang "Hồ Chí Minh và tư tưởng 'Lấy dân làm gốc'", tiếp cận Bảo tàng ảo Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên, thưởng thức podcast âm nhạc gồm những bài hát bất hủ đã đi cùng năm tháng, ngợi ca công lao, nhân cách, đức hy sinh của Bác.

Người xem có thể “chạm” vào những hiện vật vô giá về Bác Hồ gắn liền với công tác thanh niên, như một hình thức tiếp lửa truyền thống để thế hệ trẻ ngày nay học tập và làm theo tấm gương của Bác, xây dựng đất nước hùng cường trong kỷ nguyên mới như di nguyện của Người.

back to top