Ông chỉ đạo bà con tiến hành nạo vét hệ thống kênh, mương thủy lợi phục vụ sản xuất. Ông Ly cho biết: Thôn có 463 hộ với 2.013 khẩu, 98% trong số đó là người dân tộc thiểu số Raglay và Cơ Ho, trình độ nhận thức còn hạn chế. Mình phải luôn gương mẫu, đi đầu, nhất là phải biết vận động quần chúng tham gia các công việc chung của cộng đồng và xã hội.
Năm 2011, khi Nhà nước khởi công xây dựng đập dâng Tà Pao, công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, ông Ly cùng Ban điều hành thôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân di dời 555 ngôi mộ ra khỏi khu vực lòng hồ về địa điểm mới, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Bà con chấp hành nghiêm túc, không có trường hợp nào gây khó khăn cho việc thu hồi đất để thi công công trình. Riêng gia đình ông hiến hai ha đất rẫy để làm khu nghĩa trang mới cho thôn.
Nhận thức được ý nghĩa và vai trò của phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Ly vận động các gia đình thực hiện tốt các mô hình "Ba khóa, ba báo", "Ánh sáng an ninh" hay vận động chị em phụ nữ tham gia mô hình "Gia đình không có chồng, con vi phạm pháp luật". Ông trực tiếp chỉ đạo đội dân phòng thường xuyên tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Tình hình an ninh, trật tự ở địa phương được giữ vững. Cùng với đó, ông Ly đề xuất các cấp, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với những đóng góp nổi bật của mình, ông Trần Văn Ly được tuyên dương là quần chúng tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận; được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
THANH HỒNG (Bình Thuận)
Chị Mai "từ thiện"
Vốn là một giáo viên, cách đây hơn 10 năm, chị Vũ Thị Mai chuyển sang công tác tại Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Trên cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, chị đã nỗ lực xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thật sự là chỗ dựa cho người dân địa phương mỗi khi hoạn nạn, khó khăn.
Chị Mai bộc bạch, để kịp thời hỗ trợ người gặp thiên tai, hoạn nạn, thì phải xây dựng nguồn quỹ nhân đạo ngay từ các đơn vị, địa phương. Từ nhận thức đó, chị cùng các đồng chí trong Ban chấp hành phát động xây dựng quỹ từ thiện, nhân đạo bằng nhiều cách linh hoạt như lao động gây quỹ, hũ gạo tiết kiệm... Bản thân chị tranh thủ vận động tạo nguồn quỹ từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài huyện, từ con em quê hương Quảng Trạch ở mọi miền đất nước. Từ sự phát động của Hội Chữ thập đỏ huyện, nhiều địa phương, đơn vị đã xây dựng được nguồn quỹ từ thiện, nhân đạo từ 50 triệu đồng trở lên, có xã đạt hơn 600 triệu đồng.
Những năm gần đây, phong trào Chữ thập đỏ huyện Quảng Trạch ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động có ý nghĩa, như hỗ trợ vốn chăn nuôi cho gia đình nghèo, tặng xe lăn cho người khuyết tật, tặng xe đạp và trao học bổng cho con em các hộ nghèo, gia đình chính sách. Tết Nguyên đán năm nào, Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Trạch cũng tổ chức chương trình "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" với hàng trăm suất quà được trao cho các gia đình vui đón Tết. Chị Mai cùng các cán bộ của huyện Hội thường có mặt kịp thời để động viên, chia sẻ và giúp đỡ những gia đình hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống. Chẳng hạn, cuối năm 2012, nhận được tin một tàu cá của ngư dân xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, bị chìm, 14 ngư dân mất tích, chị Mai cùng lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ huyện là những người đầu tiên đến thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ nỗi đau với gia đình các ngư dân. Sự động viên kịp thời đó đã giúp các gia đình từng bước vượt qua mất mát, khó khăn để vươn lên ổn định cuộc sống.
Vừa qua, bão, lũ, lốc xoáy liên tục xảy ra tại tỉnh Quảng Bình gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Chị Mai cùng các cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Trạch cần mẫn chuyển hàng nghìn phần quà cứu trợ kịp thời cho các hộ bị thiệt hại, thăm hỏi động viên các gia đình có người bị nạn, lắp hệ thống lọc nước công cộng để cung cấp nước sạch cho người dân vùng lũ.
Với chị Mai, việc mang lại niềm tin, tiếp thêm nghị lực cho những người kém may mắn giúp họ vươn lên trong cuộc sống là niềm vui của những người làm công tác từ thiện, nhân đạo. Chính vì vậy, chị luôn cố gắng để kết nối thêm nhiều tấm lòng từ thiện đến với người nghèo. Người dân trìu mến gọi chị là chị Mai "từ thiện".
HOÀNG PHƯƠNG (Quảng Bình)