Pháo hoa rực sáng bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh đêm 30/4, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Pháo hoa rực sáng bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh đêm 30/4, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025)

Tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Nhiều năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người “đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”[1], thành nguồn lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam dù có những lúc đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Niềm tin đó dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng, phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước nhà. Người đặt niềm tin vững chắc vào sức mạnh Việt Nam, một dân tộc có bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng, nhân dân sẵn sàng đi theo Đảng để đấu tranh thắng lợi cho dân tộc được độc lập, mọi người được tự do, hạnh phúc.

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với khát vọng trở thành một nước hùng cường, đạt được “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[2]. Đó còn là khát vọng trong đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phải biến khát vọng, niềm tin phát triển thành hiện thực với quyết tâm thật lớn thì mới có thể đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra cho năm 2030 và năm 2045. Quyết tâm đó phải dựa trên cơ sở đồng lòng, đồng sức, đồng tâm của hệ thống chính trị và toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Nếu không quyết tâm biến khát vọng thành hiện thực, nếu không quyết tâm biến niềm tin thành kết quả tốt trong hành động thì khát vọng và niềm tin chỉ là sự viển vông, duy ý chí.

Do vậy, phải khắc phục 4 hiện tượng: Nói nhiều làm ít; nói hay làm dở; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo - điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý về “tư cách của người cách mạng” trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927): “Nói thì phải làm”[3]; cũng như Người nói với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa ngày 20/2/1947: Hãy “xắn tay áo làm đi”[4].

Ý chí và hành động trong kỷ nguyên mới phải là sự tiếp nối quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người đã thể hiện trong cách mạng giải phóng dân tộc: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[5].

Đó là quyết tâm: “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên”[6]. Đó là quyết tâm giải phóng miền nam: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”[7]. Đó là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[8], v.v...

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam càng phải quyết tâm tiến nhanh hơn nữa và vững chắc hơn nữa, khắc phục một cách tích cực nhất, mạnh mẽ nhất nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam càng phải quyết tâm tiến nhanh hơn nữa và vững chắc hơn nữa, khắc phục một cách tích cực nhất, mạnh mẽ nhất nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước đang khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sắp xếp tổ chức bộ máy tất yếu đi liền với giảm đầu mối, biên chế và số “ghế” lãnh đạo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân, từng đơn vị về địa vị, quyền hành, trong đó nổi rõ nhất là lợi ích vật chất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh rằng, phải đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết. Người coi chủ nghĩa cá nhân là thứ vi trùng rất độc; chúng thực sự nguy hiểm đến mức là: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[9].

Yêu cầu đặt ra trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy là tốc độ phải nhanh, nhịp độ phải khẩn trương, nhưng phải bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực; tinh, gọn, mạnh; phải “vừa chạy vừa xếp hàng”, kiên trì, bền bỉ. Cái đích phải là: Làm cho bộ máy, tổ chức thanh thoát thì mới tiến mạnh hơn; làm cho hoạt động của hệ thống chính trị có hiệu lực, hiệu quả hơn; làm cho các thành viên của hệ thống chính trị có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo. Đây thực sự là cuộc cách mạng, là mệnh lệnh của cuộc sống. Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mong muốn Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Đại hội 18 Đảng Xã hội Pháp và là người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp từ cuối năm 1920; là người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng ta đầu năm 1930; là người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945; là chiến lược gia trong việc tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất các thời kỳ cách mạng Việt Nam; là người sáng lập lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam; là chiến sĩ kiên cường đầy bản lĩnh của Quốc tế Cộng sản và của phong trào cộng sản, công nhân, phong trào giải phóng dân tộc thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận bất cứ một tấm huân chương nào của đất nước, nhưng là người truyền cảm hứng cho cả một dân tộc phấn đấu vì sự phát triển, góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu. Cuộc đời, sự nghiệp của Người đã trở thành giá trị văn hóa của dân tộc, hướng con người Việt Nam vào cuộc trường chinh vì sự tiến bộ xã hội, yêu điều thiện, ghét điều ác và giá trị đó của Người đã được tôn vinh trong không gian UNESCO.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mong muốn Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn chỉ dẫn cho tư duy và hành động của Đảng trong kỷ nguyên mới. Đảng phải đề ra đúng và lãnh đạo thực hiện thắng lợi cương lĩnh, chủ trương, đường lối, các quyết định phát triển của dân tộc. Muốn thế, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tự bản thân Đảng phải luôn luôn trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu, vượt qua nhiều lực cản, thậm chí có nhiều lực cản nằm ngay trong nội bộ (chẳng hạn như “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”).

Đảng phải thực hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh đối với các nguyên tắc xây dựng Đảng về chính trị; tư tưởng; đạo đức; tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng và chống tham nhũng/tham ô, lãng phí, quan liêu, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi “bộ ba” này là “giặc nội xâm”; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với điều kiện mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn đi cùng thời cuộc, mãi là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp đổi mới, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.176-177.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.624.

[3] Hồ Chí Minh: sđd, t.2, tr.280.

[4] Hồ Chí Minh: sđd, t.5, tr.77.

[5] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t.2, tr.225.

[6] Hồ Chí Minh: sđd, t.6, tr.440.

[7] Hồ Chí Minh: sđd, t.15, tr.512.

[8] Hồ Chí Minh: sđd, t.15, tr.131.

[9] Hồ Chí Minh: sđd. t.15, tr.672.

back to top