Tưng bừng lễ hội Thạt Luổng trên đất Triệu Voi

NDO - NDĐT - Nghe lời một người bạn Lào nói rằng nên đi xem lễ hội Thạt Luổng ( tiếng Lào có nghĩa là Tháp Lớn) chúng tôi đã bị quyến rũ bởi nét tín ngưỡng và văn hoá Lào đặc biệt trong ba ngày cuối lễ hội.

Nhưng tại sao chỉ có ba ngày cuối trong khi lễ hội diễn ra suốt một tuần lễ?

Anh bạn giải thích: Hằng năm lễ hội Thạt Luổng diễn ra khoảng một tuần để kết thúc đúng đêm rằm tháng 12 theo Phật lịch Lào. Trong ba ngày cuối, các hoạt động, nghi thức chính của lễ hội diễn ra từ sáng cho đến tận khuya, từ lễ tắm Phật, lễ dâng cơm cầu phúc, nghe giảng giải kinh Phật, lễ rước và dâng Phạ-xạt-phơng, lễ tắc-bạt (dâng lễ vật cho các sư bao gồm bánh trái, hoa quả, tiền bạc và các vật dụng khac mà nhà sư dùng được ...), lễ dâng hương và bắn pháo hoa.

Năm nay, lễ hội Thạt Luổng diễn ra từ ngày 4-11 cho đến khuya 10-11, tức là từ ngày 9-12 đến ngày 15-12 năm 2554 theo Phật lịch Lào và được khởi động bằng việc khai mạc hội chợ – triển lãm hoành tráng tổ chức trên Quảng trường Thạt Luổng và Hội chợ thương mại quốc tế “Lao ITECC”.

(Mấy năm nay, người Lào rất chú trọng phát triển thương mại – dịch vụ nên việc tổ chức hội chợ – triển lãm tại hai nơi trên trong không gian lễ hội Thạt Luổng đã có từ năm 2005 và luôn có các quan chức cấp cao dự. Năm nay có Thủ tướng Lào dự).

Người ta có thể mua sắm ở đây nhiều loại hàng hoá là sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Lào; cũng không mấy khó tìm các loại hàng hóa đến từ Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và cũng có cả các mặt hàng điện tử mang thương hiệu của các nước phát triển. Bên cạnh đó là vô số các gian hàng thức ăn, có đủ các món nướng truyền thống của người Lào ăn kèm với cơm nếp, rau cải, ...và nhiều loại thức ăn khác. Đặc biệt, bia Lào là thức uống phổ biến ưu thích của người Lào tràn ngập mọi nơi.

Những ngày chính của lễ hội Thạt Luổng năm nay bắt đầu từ 8-11 và kéo dài đến khuya 10-11. Một trong những nghi thức chính là lễ rước Phạ-xạt-phơng từ chùa mẹ Xỉ-mương. Phạ-xạt-phơng là một đền thờ được làm bằng vật liệu nhẹ, gắn nhiều hoa làm bằng sáp ong màu vàng. Dưới ánh nắng chói chang trưa 8-11, chúng tôi hòa vào dòng người đông đúc đi theo từng nhóm, có thể phân biệt nghề nghiệp, xuất xứ qua trang phục. Có nhóm đến từ các trường học, từ các tỉnh Bắc Lào như Luông-pha- bang, Xiêng-khoảng hay các tỉnh Nam Lào như Chăm-pa-xắc, Sa-van-na-khẹt, cũng có những người từ các tỉnh đông-bắc Thái Lan. Và có đông đảo khách du lịch là người châu Âu. Các Phạ-xạt-phơng đủ kích cỡ được khiêng vòng quanh Thạt Luổng ba lần trong tiếng reo hò hòa với tiềng kèn, trống thúc giục trước khi được các nhà sư tiếp nhận một cách trân trọng.

Ngày cuối cùng của lễ hội, chúng tôi có mặt từ sáng sớm, có lẽ khoảng hơn 5 giờ, thế mà đã có hàng chục nghìn người ngồi xếp thành từng dãy dài kín cả Quảng trường Thạt Luổng rộng có đến vài mẫu tây. Ai nấy đều cầm trên tay hay đặt trước mặt bánh trái và hoa quả, lòng thành kính hiện rõ trên từng khuôn mặt. Chúng tôi nhận thấy có nhiều người Âu, Mỹ cũng xếp hàng ngồi ngay ngắn.

Trong những hàng người đông đúc ấy, có rất đông người Việt Nam trong trang phục Phật tử. Chị Ngô Hoàng Lan, tiểu thương chợ Đầm, là Phật tử thuộc chùa Phước Huệ, TP Nha Trang cho biết: Chị đi theo đoàn Phật tử Thành hội Phật giáo Nha Trang, có đến ba trăm người, đều có mặt ở đây để tham gia lễ tắc-bạt cầu phúc, cầu an. Cũng ngay từ sớm chúng tôi đã thấy sự hiện diện của rất đông đảo các nhà sư. Anh bạn người Lào đi cùng cho biết, lễ hội Thạt Luổng có hàng nghìn nhà sư trên khắp nước Lào đổ về đây để tham gia lễ tắc-bạt.

Theo trình tự, đến đầu giờ chiều là diễn ra trò đấu “Tị-khi”, dụng cụ và cách thức chơi giống giống như kiểu Hockey của người Mỹ. “Tị-khi” được chia thành hai phe đại diện cho giới quan chức và giới nông dân, trang phục khác màu nhau tùy ban tổ chức. Năm nay là màu xanh và màu vàng. Không thể xem hết trận đấu ví quá nắng và nóng nhưng cũng biết chắc rằng đội đại diện cho nông dân sẽ thắng vì theo tín ngưỡng dân gian người Lào nếu năm nào bên nông dân thua thì năm ấy mùa màng thất bác, cuộc sống nhân dân không an bình. Trong phần hội, còn có biểu diễn văn nghệ, một nội dung không thể thiếu trong các lễ hội người Lào, thường là biểu diễn ca nhạc truyền thống dân tộc, nhưng xem ra năm nay không làm hài lòng du khách lắm vì các nội dung biểu diễn có phần lai tạp.

Đêm 10-11, đêm cuối của lễ hội Thạt Luổng năm 2011, mới chặp tối mà dường như cả Viêng-chăn tràn ngập trong bầu không khí lễ hội. Các dòng xe và người nối đuôi nhau đổ về Thạt Luổng. Trên các trục đường lớn chạy về khu vực lễ hội như các trục đường Lạn Xang, Cay-xỏn Phôm-vi-hãn, Xinh-hạ. Nọong-bon, ..., xe và người chật như nêm. Công an giao thông chặn hết các lối vào lễ hội từ xa. Nhờ anh bạn quen biết, nên chúng tôi cũng len lõi vào tận nơi. Nhưng vẫn thật không dễ dàng đến được tận chân tháp vì phải vượt qua hàng trăm nghìn người chật như nêm trên quảng trường trước tháp. Phải có đến hơn nửa giờ chen lấn, chúng tôi mới đến được chân tháp. Dưới ánh trăng bao la huyền ảo và bên cạnh ánh sáng dọi ra từ Thạt Luổng, hàng nghìn người nối đuôi nhau trên tay cầm nến và hoa, miệng lâm râm khấn vái, hẳn là đang cầu mong những điều tốt đẹp đến với mình và người thân. Chúng tôi trôi theo dòng người đông đảo cũng thầm mong như thế.

Có thể nói lễ hội Thạt Luổng là lễ hội vào loại lớn nhất của người Lào, phản ánh đậm nét nhất tín ngưỡng, văn hoá Lào và cũng thu hút đông đảo nhất người dân Lào trên khắp đất nước và du khách quốc tế. Và cũng có thể nói ngay rằng tham gia lễ hội Thạt Luổng càng có cơ hội hiểu hơn tín ngưỡng và văn hoá Lào, hiểu hơn về cội nguồn một xứ sở hiền hoà, an bình. Hay nói như Phó Đô trưởng Viêng-chăn, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức lễ hội Xay-thong Kẹo-đoang-đi tại lễ khai mạc: Lễ hội Thạt Luổng thể hiện sự gắn bó của nhân dân các bộ tộc Lào đối với truyền thống, tôn giáo và văn hoá Lào. Đó là một trong những lễ hội quan trọng nhất của đất nước Lào; qua đó, có thể khám phá phong tục, tập quán nhân dân các bộ tộc Lào.