Từng bước khẳng định thương hiệu
Từ những ngày đầu khởi nghiệp, công ty luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Thành ủy, UBND thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội. Sau 20 năm đầu sản xuất, kinh doanh trong chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH, vì miền Nam ruột thịt, vì Thủ đô yêu dấu, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty San nền và Xí nghiệp Cơ giới xây dựng đã đoàn kết vượt qua bao khó khăn gian khổ để lập nên những thành tích đáng tự hào, đó là một thời để nhớ, một thời để yêu, gừng cay muối mặn mà anh hùng, cao thượng và vô tư trong sáng. Ðầu những năm 80 của thế kỷ trước, cùng với nhiệm vụ chính là san nền, công ty được giao thêm chức năng làm đường giao thông nội bộ, phương tiện thiết bị xe, máy được bổ sung ngày càng nhiều. Ðến năm 1986, tổng số thiết bị của công ty đã lên tới con số 216 ô-tô, xe máy, đồng thời công ty cũng tiếp nhận 200 cán bộ, công nhân viên từ Công ty Xây dựng cầu đường. Tháng 7-1987, Xí nghiệp Cơ giới xây dựng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội được sáp nhập với Công ty San nền theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Năng lực sản xuất của công ty do vậy được nâng cao và tổng số cán bộ, công nhân viên thời kỳ này gần 900 người, biên chế thành bảy phòng ban và chín đơn vị sản xuất trực thuộc.
Giai đoạn 1991-2000 là giai đoạn công ty tự khẳng định mình với sức vươn mạnh mẽ, giành thế chủ động, đứng vững và phát triển trong kinh tế thị trường. Ngày 13-4-1990, UBND thành phố đổi tên Công ty San nền thành Công ty Xây dựng công trình kỹ thuật hạ tầng. Sáu năm sau, ngày 5-1-1996, UBND thành phố cho phép đổi tên thành Công ty Ðầu tư phát triển hạ tầng đô thị và bổ sung nhiều ngành nghề mới. Từ đó đến nay, cái tên này đã gắn liền với những giai đoạn phát triển đột phá và trở thành thương hiệu có tiếng trong thị trường đầu tư xây dựng.
Ðây là khoảng thời gian công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách lớn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Bộ Xây dựng và trực tiếp là Sở Xây dựng Hà Nội, cùng sự giúp đỡ hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và các khách hàng, toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty Ðầu tư phát triển hạ tầng đô thị đã đoàn kết cùng Ðảng ủy, Ban Giám đốc công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trên ba ngành nghề chính: tư vấn đầu tư, đầu tư xây dựng và thi công xây lắp. Hàng loạt dự án lớn, hiện đại bậc nhất thời điểm này đã được công ty hoàn thành như: Khu A Nam Thành Công, khu nhà bán Yên Hòa, khu đô thị Trung Yên, tòa nhà 21 tầng 27 Huỳnh Thúc Kháng, KCN Hà Nội - Ðài Tư, khu siêu thị Bourbon... Ðặc biệt là việc liên doanh với Tập đoàn Ciputra (In-đô-nê-xi-a) đầu tư xây dựng khu đô thị Nam Thăng Long với diện tích 392 ha với tổng mức đầu tư 2,1 tỷ USD đã tạo nên một bước chuyển, nâng vị thế công ty lên một tầm cao mới.
Giai đoạn 2001-2005, công ty có bước phát triển nhảy vọt. Từ một doanh nghiệp chủ yếu làm thuê đã vươn lên làm chủ, trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Liên tục trong năm năm (2001-2005), doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững (bình quân 42,3%/năm); nộp ngân sách 78,66 tỷ đồng (tăng bình quân 34%/năm); lợi nhuận đạt 346,5 tỷ đồng (tăng bình quân 32,9%/năm); thu nhập và đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt đạt mức 3,6 triệu đồng/người/tháng. Vốn chủ sở hữu tăng nhanh, năm 1995, công ty có vốn chủ sở hữu hơn ba tỷ đồng, đến tháng 7-2004, vốn chủ sở hữu gần 300 tỷ đồng, tăng gần 100 lần và đến nay không chỉ bảo toàn mà còn phát triển vốn chủ sở hữu lên 1.677 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong sản xuất, kinh doanh đã tạo nên sự đột biến trong phát triển, thương hiệu UDIC đã được khẳng định trên thị trường đầu tư xây dựng. Vì vậy công ty đã được Thành ủy, HÐND, UBND thành phố chọn làm Công ty mẹ để hình thành Tổng công ty Ðầu tư phát triển hạ tầng đô thị ngày hôm nay. Năm 2005 là năm đầu Tổng công ty Ðầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) chính thức đi vào hoạt động thí điểm theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con và từ đó đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của Tổng công ty. Tuy nhiên, với quyết tâm và sự phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, đảng viên và người lao động, toàn Tổng công ty đã vượt qua khó khăn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 2005-2010, tỷ trọng giá trị sản lượng từ hoạt động đầu tư trong tổng giá trị sản lượng của toàn Tổng công ty đạt 29,7%, từ hoạt động đầu tư trong tổng giá trị sản lượng của khối đầu tư - xây lắp 41,6%, trong đó Công ty mẹ đạt tương ứng 34% và 38,7%...
Ngày 13-7-2010, UBND thành phố đã có quyết định chuyển Tổng công ty Ðầu tư phát triển hạ tầng đô thị thành Công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Việc chuyển đổi này đã tạo được sự độc lập về tư cách pháp nhân, đồng thời cũng tạo thêm sự chủ động, linh hoạt cho công ty trong quá trình hoạt động. Các công trình nối tiếp nhau ra đời với số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, tiêu biểu như: dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp 900 tỷ đồng, các công trình của Tổng công ty Thương mại Hà Nội
365 tỷ đồng, Shopping Mall Nam Thăng Long 217 tỷ đồng, CT1 Nam Thăng Long 712 tỷ đồng, các khối nhà cao tầng do Tổng công ty làm Chủ đầu tư 1.048 tỷ đồng, phần ngầm chung cư N04 373 tỷ đồng. Ðặc biệt, Công ty mẹ đã hoàn thành và bàn giao đúng kế hoạch cho thành phố 11 công trình nhân dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó tám công trình được gắn biển chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và hai công trình được Bộ Xây dựng trao Cúp vàng tiêu biểu năm 2010 góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang bộ mặt đô thị, cải tạo môi trường sống, mang lại bộ mặt mới cho Thủ đô, được chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Có thể kể đến dự án xây dựng Công viên Hòa Bình, công viên hiện đại nhất của Thủ đô Hà Nội, lần đầu được triển khai đồng bộ trên diện tích hơn 20 ha với hàng chục đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát thi công khác nhau mà vẫn bảo đảm tiến độ và chất lượng. Hay dự án cải tạo Công viên Thống Nhất mà đỉnh cao là bài ca lao động gần 300 ngày đêm "đào đất, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" để nạo vét gần một triệu m3 đem lại sự trong lành, đẹp đẽ cho một biểu tượng gắn kết cộng đồng của Thủ đô Hà Nội hơn nửa thế kỷ qua. Việc vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành khối lượng khổng lồ của hai công viên ấy và nhiều công trình tiêu biểu khác là niềm vinh dự, tự hào to lớn, không những đem lại hiệu quả kinh tế mà thương hiệu UDIC cũng được nâng cao.
Phát triển toàn diện mọi mặt
Xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng, trong năm năm, Công ty mẹ đã tạo điều kiện cho nhiều cán bộ chủ chốt nâng cao trình độ với việc hoàn thành các chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong nước và quốc tế. UDIC có lẽ là một trong số không nhiều doanh nghiệp có cơ chế đưa cán bộ, công nhân viên đi học đại học tại chức, học nâng cao tay nghề trong giờ hành chính, nhưng vẫn giữ nguyên lương và khi tốt nghiệp được trả lương theo bằng được cấp. Riêng cán bộ học đại học được Tổng công ty cấp 50% học phí, còn học nghề được cấp 100% học phí. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã ký hợp đồng tuyển dụng 700 lao động, trong đó gồm 262 người có trình độ đại học, trên đại học và 338 người có trình độ cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật.
Thực hiện chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, công tác quản lý chất lượng kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, UDIC đã không ngừng đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng lực thiết bị đáp ứng việc thi công các công trình có quy mô lớn, năng suất cao. Những công nghệ thi công xử lý nền móng công trình nhiều tầng hầm, thi công phần thân nhà cao tầng, thi công công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp đã được hoàn toàn làm chủ. Hơn nữa, việc đầu tư các thiết bị hiện đại, đồng bộ, giới thiệu các vật liệu xây dựng mới vào công trình đã phát huy hiệu quả đầu tư, tạo ra năng lực thi công đa đạng, mạnh mẽ và thương hiệu mạnh, tạo thế chủ động trong lĩnh vực đấu thầu và thi công những công trình lớn, có độ phức tạp cao. Ðồng thời, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc từ khâu thiết kế biện pháp tổ chức thi công và trong suốt quá trình thi công; công tác an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường được quan tâm và duy trì tốt nên các công trình do Công ty mẹ thi công đều đạt chất lượng từ khá trở lên, trong sáu năm Công ty mẹ không xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào.
Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, Ðại hội đại biểu thành phố lần thứ XV, Ðại hội đại biểu Tổng công ty lần thứ II và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2011-2015). Do vậy, việc thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty - Công ty mẹ sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Phương hướng phát triển chủ yếu của Tổng công ty và Công ty mẹ thời gian tới tập trung vào các vấn đề như sau:
Phát huy mạnh mẽ thế và lực của Tổng công ty và Công ty mẹ, tập trung mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ phát triển SXKD, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh tiếp tục khẳng định vị thế UDIC, phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 12-15%.
Tiếp tục chủ trương đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, trong đó định hướng cơ cấu ngành nghề và sản phẩm chủ yếu là đầu tư - xây lắp - sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng - tư vấn - kinh doanh dịch vụ và xuất nhập khẩu. Hoạt động đầu tư vẫn là nghề SXKD mũi nhọn, tạo động lực và tiền đề để các ngành nghề khác phát triển. Tăng cường các mối liên kết, mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động của Tổng công ty và Công ty mẹ ra các vùng, miền khác trong cả nước và từng bước ra quốc tế.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất và quản lý, quan tâm đến việc bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người lao động. Tích cực tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo, hoạt động từ thiện, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp UDIC.
Xây dựng bộ máy quản lý và điều hành của Tổng công ty và Công ty mẹ mạnh và có hiệu lực, phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động SXKD, bảo vệ môi trường, làm tốt công tác an ninh - quốc phòng, đấu tranh có hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và năng lực lãnh đạo của Ðảng bộ; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng, xây dựng Ðảng bộ Tổng công ty và Công ty mẹ trong sạch, vững mạnh.
Ðến thời điểm này có thể khẳng định, hoạt động của Tổng công ty theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con đã phát huy hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường. Sau hơn sáu năm hoạt động, thương hiệu của Tổng công ty, nhất là Công ty mẹ đã được khẳng định tạo điều kiện cho các công ty con, công ty liên kết có thể phát huy hiệu quả tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống của người lao động. Ðó là một trong những nguyên nhân chính để nhiều doanh nghiệp bên ngoài tự nguyện trở thành công ty con, công ty liên kết của Công ty mẹ, đưa con số 25 đơn vị khi chính thức đi vào hoạt động, ngày 1-1-2005 lên đến 42 đơn vị như hiện nay. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần năng động, dám nghĩ dám làm, luôn đổi mới tư duy để bắt kịp xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô, Tổng công ty Ðầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC đang dần vươn mình lớn mạnh, khẳng định vai trò, thương hiệu trên thị trường xây dựng trong nước, từng bước vươn lên sánh ngang với các doanh nghiệp trong khu vực, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, giàu đẹp, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
MINH THÀNH