Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và quảng bá khu di tích ở Hải Dương

NDO - Hoàn thành và đưa vào vận hành hơn 1 năm qua, công trình số hóa bản đồ quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn, Hải Dương) đã phát huy hiệu quả trong quản lý, bảo vệ và quảng bá di tích lịch sử, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Công nghệ số đã mang đến một sức sống mới cho quần thể di tích.
Công nghệ số đã mang đến một sức sống mới cho quần thể di tích.

Nằm ở phía đông bắc của tỉnh Hải Dương, Kinh Môn là một trong những điểm đến ấn tượng với dày đặc di tích văn hóa lịch sử. Nơi đây sở hữu số lượng lớn hệ thống hang động, công trình, kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, tín ngưỡng cùng những phong tục truyền thống mang giá trị lịch sử, văn hóa và là niềm tự hào của tỉnh nhà.

Trong những năm gần đây, bắt nhịp với xu hướng phát triển du lịch thông minh, cùng với cả nước, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá, quản lý và khai thác giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Những nỗ lực này đang từng bước mang lại hiệu quả rõ nét, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương.

Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và quảng bá khu di tích ở Hải Dương ảnh 1

Chùa Nhẫm Dương thuộc quần thể di tích.

Trong hành trình tham quan di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương, chị Kim Liên (Hà Nội) không khỏi bất ngờ trước sự hiện diện của hệ thống mã QR giới thiệu về công trình số hóa di tích quốc gia đặc biệt. Với sự tò mò, chị đã thử quét mã và lập tức được tiếp cận một kho tư liệu điện tử phong phú, được ví như một "hướng dẫn viên du lịch thông minh", cung cấp thông tin chi tiết, dễ hiểu và trực quan.

Công trình số hóa Di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương là sản phẩm phối hợp giữa Ban Tuyên giáo, Đoàn Thanh niên và Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn, được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2024.

Chia sẻ về trải nghiệm của mình, chị Kim Liên cho biết: "Đây là lần thứ hai tôi trở lại tham quan khu di tích này, tuy nhiên cảm nhận giữa hai lần hoàn toàn khác biệt. Trước kia, thông tin chủ yếu được truyền tải qua các tấm biển, bia đá, khá giới hạn và khô cứng. Nay, chỉ cần một thao tác đơn giản là quét mã QR, tôi có thể tra cứu mọi thông tin về lịch sử hình thành, các mốc thời gian quan trọng, thậm chí cả những hình ảnh, tư liệu quý. Nhờ đó, chuyến tham quan không chỉ trở nên sinh động hơn mà còn mang lại nhiều kiến thức giá trị".

Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách, hệ thống số hóa di tích còn đóng vai trò là nguồn tư liệu giá trị, hỗ trợ thiết thực cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

Văn Thanh (sinh viên ngành lịch sử tại Hà Nội) chia sẻ rằng, việc tiếp cận bản đồ số hóa các điểm di tích, như: Chùa Gạo, chùa Nhẫm Dương đã mang lại cho em nhiều kiến thức bổ ích.

Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và quảng bá khu di tích ở Hải Dương ảnh 2

Quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2016.

"Ứng dụng được thiết kế rất khoa học, dễ sử dụng và có hệ thống tìm kiếm tiện lợi. Nhờ đó, em có thể tra cứu sâu hơn về các di vật, cổ vật và những thông tin liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của ngôi chùa Nhẫm Dương, chùa Gạo. Đây thực sự là nguồn tài liệu quý giá, hữu ích đối với sinh viên chuyên ngành lịch sử như chúng em thay vì chỉ tiếp cận qua sách vở", Văn Thanh cho biết.

Công trình số hóa Di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương là sản phẩm phối hợp giữa Ban Tuyên giáo, Đoàn Thanh niên và Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn, được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2024. Đây là một trong những mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, giới thiệu và quảng bá di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương.

Được biết, công trình gồm 27 biển mã QR chứa tệp tài liệu với nội dung đầy đủ, phong phú, trình bày trực quan, dễ hiểu. Khi đến tham quan, du khách chỉ cần quét mã QR để đọc tài liệu song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Bên cạnh đó, cuốn cẩm nang số còn tích hợp sơ đồ chỉ đường giúp du khách di chuyển thuận tiện hơn.

Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và quảng bá khu di tích ở Hải Dương ảnh 3
Người dân khi đến di tích chỉ cần quét mã QR để tìm hiểu thông tin.

Ông Nguyễn Văn Học, Trưởng ban quản lý di tích thị xã Kinh Môn cho biết, nhiều năm qua Ban quản lý di tích luôn tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo trong việc kiểm tra, đề xuất và chủ động triển khai công tác bảo tồn, trùng tu các hạng mục đã xuống cấp. Song song với đó, việc ứng dụng chuyển đổi số với các bộ mã QR cũng được thực hiện nhanh chóng nhằm quảng bá văn hóa, du lịch địa phương.

"Ngoài ra, việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị của di tích cũng được thực hiện. Từ năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với các nhà trường tổ chức gần 50 chương trình với trên 3.000 lượt học sinh, sinh viên tham gia. Qua đó, bộ mã QR cũng được giới thiệu, quảng bá và nhận được sự hưởng ứng tích cực của thế hệ trẻ", ông nói.

Trong thời gian tới, công trình số hóa Di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương sẽ tiếp tục được nâng cấp với nhiều hạng mục nội dung phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tra cứu, trải nghiệm của du khách.

Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và quảng bá khu di tích ở Hải Dương ảnh 4
Mã QR được đặt tại động Kính Chủ.

Bên cạnh việc cung cấp hình ảnh tĩnh và tư liệu văn bản, hệ thống dự kiến sẽ được tích hợp thêm các video sinh động, mở rộng thêm chức năng, xây dựng lộ trình tham quan kết nối giữa quần thể di tích quốc gia đặc biệt với các điểm đến khác trên địa bàn thị xã Kinh Môn, như các làng nghề truyền thống, vùng sản xuất nông sản, cũng như mở rộng tuyến du lịch liên vùng đến danh thắng nổi tiếng như Côn Sơn-Kiếp Bạc (Chí Linh), Yên Tử, Ngọa Vân, khu lăng mộ nhà Trần (Quảng Ninh), Bạch Đằng Giang (Hải Phòng)...

Tính đến nay, tỉnh Hải Dương đã thực hiện số hóa thông tin 170 di tích trong tỉnh. Trong đó, các di tích quốc gia đặc biệt như Côn Sơn-Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh), quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) đi đầu trong công tác này.

Trước đó, để đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã xây dựng và hoàn thiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2025-2030. Người dân và du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể nắm bắt được đầy đủ các thông tin chi tiết từ lịch sử, kiến trúc, lễ hội đến tín ngưỡng.

Có thể khẳng định, những nỗ lực không ngừng của tỉnh Hải Dương nói chung và Ban quản lý di tích thị xã Kinh Môn nói riêng trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, gắn với ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa và du lịch đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

Việc xây dựng và triển khai các "cẩm nang du lịch số" vừa góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, đồng thời tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, đây cũng là công cụ thiết thực trong công tác giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.