Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế-xã hội

Năng lượng nguyên tử đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, với nhiều ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân đa dạng. Tại Việt Nam, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành và điều kiện địa phương, vùng và quốc gia, xu hướng phát triển khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Trung ương và chuyên gia tham quan lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Lãnh đạo Trung ương và chuyên gia tham quan lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Tiến sĩ Cao Đông Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Viện Nghiên cứu hạt nhân (tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã thành công trong các hướng nghiên cứu, như: Vật lý hạt nhân, công nghệ và sản xuất các chất đồng vị phóng xạ, phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân và liên quan; nghiên cứu, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị; nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ bức xạ và sinh học; quản lý và xử lý thải phóng xạ… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tỉnh Lâm Đồng.

Công nghệ sản xuất thuốc phóng xạ đã được nghiên cứu, phát triển thành công tại viện. Nhiều loại kit đánh dấu phóng xạ dùng trong chẩn đoán bệnh cũng được nghiên cứu, sản xuất thành công; 9 loại sản phẩm của viện được đưa vào danh mục thuốc của Việt Nam. “Trong hơn 40 năm qua, viện đã cung cấp khoảng 17.500 Ci thuốc phóng xạ các loại cho 23 bệnh viện trong cả nước với tần suất hằng tuần, kịp thời phục vụ chẩn đoán, chữa trị cho khoảng 500 nghìn lượt bệnh nhân mỗi năm”, Tiến sĩ Cao Đông Vũ thông tin.

Viện đã nghiên cứu, phát triển thành công các quy trình phân tích kích hoạt notron và các kỹ thuật phân tích hóa lý hiện đại khác, góp phần phục vụ đắc lực cho việc tìm kiếm khoáng sản và tài nguyên nước, nghiên cứu khảo cổ, đánh giá thổ nhưỡng; kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, đánh giá và chứng nhận VietGAP. Đồng thời nghiên cứu và ứng dụng thành công một số kỹ thuật hạt nhân và đồng vị để giải quyết các vấn đề trong thực tế như xác định nguyên nhân, cơ chế bồi lấp luồng tàu trong vùng cửa sông; xác định tốc độ xói mòn, suy thoái đất nông nghiệp…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu hạt nhân, nguyên Phó Viện trưởng Năng lượng nguyên tử Việt Nam khái quát: Tại viện đã ứng dụng rộng rãi các công nghệ thuộc lĩnh vực hạt nhân trong nhiều lĩnh vực như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường… nhằm phát triển kinh tế-xã hội địa phương và cả nước. Đặc biệt, điện hạt nhân là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của năng lượng nguyên tử; đồng thời rất tiên tiến và an toàn, có vai trò quan trọng chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam cũng như của thế giới.

Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định năng lượng là yếu tố then chốt cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, năng lượng nguyên tử ngày càng thể hiện vai trò chiến lược là nguồn năng lượng xanh, sạch góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động môi trường, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tiến tới Net Zero vào năm 2050. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc phát triển năng lượng, nhất là năng lượng nguyên tử được xác định là một trong những lĩnh vực công nghệ chiến lược cần ưu tiên.

Ngày 5/2/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt “Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Qua đó đẩy mạnh, mở rộng ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và dịch vụ; chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân. Với quan điểm, đầu tư cho tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân phải được ưu tiên đi trước; đồng thời tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Quan điểm phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong quy hoạch cũng nêu rõ, đầu tư của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào cơ sở hạ tầng nền tảng, bảo đảm đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật với phát triển nhân lực; đồng thời khuyến khích đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài vào các ứng dụng năng lượng nguyên tử để phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm các nguồn lực cần thiết cho việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: Điện hạt nhân là một trong những ứng dụng quan trọng của năng lượng nguyên tử. Công nghệ điện hạt nhân hiện nay tiên tiến và an toàn, có vai trò quan trọng chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam cũng như thế giới. Thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cơ hội tốt để ngành năng lượng nguyên tử có những đóng góp thiết thực hơn cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.

Theo đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án tuyên truyền về chủ trương và nhiệm vụ phát triển điện hạt nhân, trong bối cảnh kỷ nguyên mới của dân tộc với những yêu cầu ngày càng cao về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, năng lượng hạt nhân đang trở lại mạnh mẽ và được xem là nguồn năng lượng nền, ổn định, sạch và hiệu quả. Vấn đề hiện nay là cần tuyên truyền đầy đủ, rõ ràng về lợi ích, tính an toàn và vai trò của năng lượng nguyên tử để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.