Mỹ thúc đẩy chính sách thương mại mạnh mẽ
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay, từ khi trở thành Tổng thống Mỹ đến nay, ông Donald Trump vẫn duy trì động lực mạnh mẽ để thúc đẩy chính sách thương mại cứng rắn nhằm thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử, với những tác động đến thuế, đầu tư và quyết sách tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, Mỹ đã khởi động quy trình lấy ý kiến công chúng về những lo ngại liên quan các biện pháp thương mại không công bằng hoặc không có tính đối ứng từ các đối tác toàn cầu, nhằm xây dựng chính sách thuế quan đối ứng. Hiện đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đang rà soát và thống kê theo từng quốc gia về các biện pháp thương mại phi thị trường hoặc không công bằng, gây rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, để có cơ sở điều chỉnh chính sách thương mại nhằm khắc phục những bất lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ. Đặc biệt, trọng tâm là những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất. Hạn chót để gửi ý kiến là ngày 11/3/2025.
Ông Trump cũng ban hành chỉ đạo "Bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ ứng phó với các rào cản thương mại", có thể dẫn đến việc tái khởi động các cuộc điều tra thương mại về tác động của thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) do Pháp, Áo, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh áp đặt. Chỉ đạo trên cũng mở đường cho việc điều tra thêm các loại thuế và chính sách kinh tế khác.
Ngoài ra, theo ông Hưng, Tổng thống Donald Trump cũng chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại xem xét các chính sách và quy định liên quan đến việc áp dụng luật chống bán phá giá và thuế đối kháng (AD/CVD), bao gồm cả vấn đề liên quan đến các khía cạnh trong điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại…
Việt Nam chịu tác động ra sao?
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay, các đối tác thương mại của Mỹ đang tiếp cận chính quyền Trump với tinh thần thỏa hiệp, nhưng nguy cơ trả đũa vẫn rất cao.
Đối với Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng: "Sự khác biệt về trình độ phát triển cũng như cơ cấu ngoại thương giữa Việt Nam và Mỹ mang tính bổ trợ, chứ không phải là yếu tố cạnh tranh trực tiếp. Vì thế, hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Mỹ, trong khi giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận với hàng hóa chất lượng và giá cả hợp lý, góp phần giảm lạm phát trong nước". Thống kê gần nhất cho thấy, trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tức là, những biến động nêu trên phản ánh sự gia tăng trong nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, trong khi nhập khẩu từ Mỹ có xu hướng giảm nhẹ.
Tuy nhiên, đại diện thương vụ nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là Việt Nam chưa được coi là nền kinh tế thị trường đầy đủ dẫn đến bất lợi trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ, quan ngại về xu hướng chuyển dịch sản xuất đầu tư từ một số nước sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về chi phí lao động và môi trường cạnh tranh.
Ngoài ra, Tham tán thương mại, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai lại bày tỏ lo lắng hơn khi Mỹ bổ sung áp thuế 10% với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn cung hàng hóa, đặc biệt nguyên liệu sản xuất lớn nhất của Việt Nam.
Ở mặt tích cực, theo ông Lai, các doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế đã tìm cách đa dạng hóa sản xuất để tránh thuế quan từ Mỹ, dẫn đến việc mở rộng đầu tư vào các quốc gia như Việt Nam. Điều này gián tiếp thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ chi phí lao động cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi. Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.
Việt Nam cũng có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc khi nước này hạn chế nhập hàng từ Mỹ và kích cầu tiêu dùng trong nước.
Song, về mặt hạn chế, khi hàng hóa Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu sang thị trường Mỹ, buộc doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước của ta. Đồng thời, hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại thị trường này do dư thừa vì hạn chế xuất khẩu. Bên cạnh đó, trước những tác động từ chính sách thương mại của Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục thả đồng nhân dân tệ mất giá so với USD để thúc đẩy xuất khẩu. Như vậy, áp lực hàng hóa Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ càng lớn hơn.
![]() |
Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam hiện nay. Ảnh: HẢI NAM |
Tìm giải pháp ứng phó
Trước thực tế trên, ông Lai lưu ý, doanh nghiệp cần đánh giá, đưa ra dự báo và có chính sách ứng phó kịp thời, hiệu quả. Qua đó, xây dựng kế hoạch dự phòng cho các kịch bản như tăng thuế quan hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, cần mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường truyền thống như ASEAN, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, khai thác tiềm năng thị trường Trung Đông, châu Phi thay vì chỉ tập trung, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP) để giảm phụ thuộc vào một thị trường.
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ kiến nghị, khẩn trương xây dựng một lộ trình cụ thể để Việt Nam bảo vệ lợi ích thương mại trước các biện pháp thuế quan tiềm tàng từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Trong bối cảnh đó, để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa năm 2025 đạt hơn 12% và thặng dư thương mại hàng hóa 30 tỷ USD, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu.
Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài theo dõi ảnh hưởng của sự biến động tỷ giá tới các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là các mặt hàng có cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam của nước sở tại và chính sách điều hành tỷ giá của các nước (trong đó bao gồm khả năng phá giá tiền tệ); kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu khi cần thiết.
Vụ Phát triển thị trường nước ngoài theo dõi sát, kịp thời cập nhật thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, các thay đổi trong chính sách kinh tế, thương mại tại các khu vực thị trường phụ trách, đặc biệt là các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.
Vụ Phát triển thị trường nước ngoài thông qua các cơ chế ủy ban liên chính phủ, ủy ban hỗn hợp, hội đồng thương mại và đầu tư và các cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại khác giữa Việt Nam với các nước, đẩy mạnh hoạt động đối thoại chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, rào cản đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, tăng cường công tác vận động, tập trung vào nhóm đối tượng là các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nước ngoài có lợi ích ở Việt Nam…
Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt 149,7 tỷ USD, tăng 20,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Việt Nam đạt 13,1 tỷ USD, tăng mạnh 33% so với năm trước. Nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ đạt 136,6 tỷ USD, tăng 19,3%. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Việt Nam đạt 123,463 tỷ USD, sau Trung Quốc và Mexico.