Ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững

NDO - Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, vai trò kinh tế tư nhân trong tạo việc làm chưa được nhấn mạnh tương xứng. Dù có chính sách vay vốn, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) chưa nêu rõ khu vực tư nhân là động lực chính của tăng trưởng việc làm.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại hội trường. (Ảnh: BÙI GIANG)
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại hội trường. (Ảnh: BÙI GIANG)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ

Góp ý vào dự thảo, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh: Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là cơ hội để cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.

Qua nghiên cứu, đại biểu đánh giá cao dự thảo luật đã cơ bản thể chế hoá các Chủ trương của Đảng tại các nghị quyết trên. Tuy nhiên, theo đại biểu việc thể chế hóa các nghị quyết của Đảng trong dự thảo luật cần phải tiếp tục rà soát, bổ sung để bảo đảm thể chế hoá đầy đủ nhất chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 18.

“Nếu luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng hơn cho kinh tế tư nhân, chúng ta khó đạt mục tiêu; tốc độ tạo việc làm mới sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”, đại biểu nhận định.

Nếu luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng hơn cho kinh tế tư nhân, chúng ta khó đạt mục tiêu; tốc độ tạo việc làm mới sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam),
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Bên cạnh đó, dự thảo Luật thiếu quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Điều này có thể khiến Việt Nam tụt hậu, người lao động lỡ cơ hội việc làm mới và doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh. Đồng thời, chưa đề cập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trong triển khai chính sách việc làm.

Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất: Bổ sung tại Điều 4 khoản 1 nội dung sau: “Ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững”, nhằm nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững và khẳng định cam kết của Nhà nước về môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Đồng thời mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ tương ứng.

Ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững ảnh 1
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). (Ảnh: BÙI GIANG)

Bên cạnh đó, bổ sung thêm các quy định về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như: “Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm được vay vốn với lãi suất ưu đãi”; “Xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động đáp ứng chuyển đổi số”; “Phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc”, giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin tuyển dụng.

Mặt khác, cần quy định rõ cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện chính sách việc làm nhằm phân định trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương; đồng thời xây dựng lộ trình triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động, bảo đảm chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả.

Quy định rõ cơ chế hậu kiểm sau khi cấp vốn

Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng việc cập nhật xu hướng mới là tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), robot, tự động hóa chưa được phản ánh trong chính sách hỗ trợ lao động. Nhóm lao động bị mất việc vì chuyển đổi công nghệ là một dạng lao động dễ tổn thương mới.

Từ đó, kiến nghị bổ sung khoản riêng: “có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, nhằm bảo đảm khả năng thích ứng và chuyển đổi việc làm”.

Về vay vốn hỗ trợ tạo việc làm/đi làm việc ở nước ngoài (Điều 9 & 10), đại biểu Thạch Phước Bình nhận định, chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài là công cụ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy di cư lao động có tổ chức. Tuy nhiên, các điều khoản hiện tại mới chỉ dừng ở phần điều kiện vay, chưa đủ chặt chẽ ở khâu giám sát sử dụng vốn và xử lý rủi ro. Dự thảo luật không quy định rõ về cơ chế hậu kiểm sau khi cấp vốn. Điều này tạo khoảng trống pháp lý, dễ dẫn đến việc vốn vay bị sử dụng sai mục đích, không tạo ra việc làm thực chất, hoặc “nợ xấu” kéo dài.

Ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững ảnh 2

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề xuất cần quy định rõ cơ chế hậu kiểm sau khi cấp vốn. (Ảnh: BÙI GIANG)

Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất bổ sung: “Người vay vốn có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần về tình hình sử dụng vốn và kết quả tạo việc làm cho cơ quan quản lý địa phương hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp không sử dụng vốn đúng mục đích hoặc có dấu hiệu gian lận, tổ chức cho vay có quyền tạm dừng giải ngân, thu hồi vốn sớm hoặc xử lý theo quy định của pháp luật”. Mặt khác, nên quy định cụ thể vai trò giám sát của Ủy ban nhân dân cấp xã/phường, kết hợp ứng dụng nền tảng công nghệ số để cập nhật tiến độ thực hiện phương án sử dụng vốn.

Quan tâm đến đối tượng người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề nghị cần làm rõ, quy định cụ thể và chi tiết hơn đối với đối tượng này nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện giúp xác định cụ thể những ai được tiếp cận chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng hiểu nhầm, hiểu sai hoặc vận dụng thiếu thống nhất giữa các địa phương, cơ quan thực hiện. Trên thực tế, quy định thiếu chi tiết về đối tượng thụ hưởng đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những nhóm lao động có đặc thù khác biệt so với lao động truyền thống như: lao động tự do không có quan hệ lao động chính thức, lao động hoạt động trong khu vực phi chính thức và nhóm lao động trên các nền tảng số, nền tảng trực tuyến.

Theo đại biểu, các chương trình vay vốn chính sách trong thời gian qua đã cho thấy một rào cản lớn là việc xác định và chứng minh tình trạng lao động của các đối tượng này. Nguyên nhân chính là do họ không có các loại giấy tờ chứng minh quan hệ lao động chính thức như hợp đồng lao động, bảng lương, hoặc xác nhận của đơn vị sử dụng lao động.

Vì vậy, việc quy định chi tiết đối tượng thụ hưởng sẽ bảo đảm tính công bằng và bao trùm trong chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường lao động phi chính thức, vốn đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, phản ánh sự chuyển dịch của thị trường lao động theo hướng linh hoạt, phi truyền thống.