Những dấu mốc đáng chú ý
Phóng viên: Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội. Đóng góp vào những thành tựu này có vai trò quan trọng của việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế phù hợp để tận dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội. Theo đồng chí, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam có những thành tựu, hạn chế gì?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và đã mang lại những thành tựu quan trọng.
Nổi bật nhất là trong gần 40 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì, ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bình quân mỗi năm, GDP tăng 6,67%, được xếp vào hàng các nước có tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Trong cơ cấu nền kinh tế, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm dần và giảm tương đối nhanh so với một số quốc gia trong khu vực, từ 36,76% GDP năm 1986 xuống 11,86% GDP năm 2024
Khu vực công nghiệp và xây dựng đến năm 2024 chiếm 37,64% GDP, sau gần 40 năm tăng 12,9 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ chiếm 42,36% GDP, tăng 13,18 điểm phần trăm so với năm 1986 và chiếm tỷ trọng cao nhất trong ba khu vực kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động nước ta theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng có lợi, tăng tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ năm 1986 đến nay còn một số hạn chế. Đó là, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng thấp.
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam còn khá lạc hậu so với một số quốc gia trong khu vực. Nếu xét theo tiêu chí tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP, cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay chỉ tương đương với cơ cấu kinh tế của Thái Lan năm 2011, Malaysia năm 1996, Trung Quốc năm 2005, Hàn Quốc năm 1984.
Bên cạnh đó, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn ở mức thấp trong GDP, đến năm 2024 chiếm 24,43%, chỉ tăng 5,46 điểm phần trăm so với năm 1986. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và thực hiện ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế
Phóng viên: Theo đồng chí, đâu là những dấu mốc đáng chú ý trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo khu vực kinh tế có thể chia thành bốn giai đoạn như sau:
Từ năm 1986-1990 là giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, nhiều cải cách quan trọng theo hướng thị trường đã đem lại những chuyển biến tích cực, đưa nền kinh tế Việt Nam dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế diễn ra chưa rõ nét, chưa đủ để thay đổi vị trí xếp hạng về tỷ trọng của các khu vực kinh tế; về cơ bản, nền kinh tế nước ta vẫn là một nền nông nghiệp lạc hậu, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế.
Giai đoạn 1991-2000, nền kinh tế vượt qua khủng hoảng nhờ thực hiện cải cách kinh tế năm 1986. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn này tuy còn chậm chạp nhưng xu hướng chuyển dịch tương đối rõ, khắc phục dần những bất hợp lý của cơ cấu ngành kinh tế nặng về nông nghiệp của giai đoạn trước.
Nhìn chung, đây là giai đoạn phát triển thành công của Việt Nam cả về quyết định chuyển sang nền kinh tế thị trường và đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, mở rộng quy mô GDP và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế mạnh mẽ.
Giai đoạn 2001-2010 là một trong những giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam với bước phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn sản xuất với thị trường. Giai đoạn này, tốc độ tăng GDP bình quân mỗi năm đạt 7,12%.
Giai đoạn 2011-2024, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp hơn với mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các khu vực kinh tế tăng trưởng tích cực.
Giai đoạn này, bình quân mỗi năm tốc độ tăng GDP đạt 6,09%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,85%; khu vực dịch vụ tăng 6,74%.
Thúc đẩy mạnh mẽ ngành dịch vụ
Phóng viên: Từ năm 2011-2024 là giai đoạn có cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp hơn so với các giai đoạn trước, nhưng tăng trưởng GDP bình quân chỉ tăng 6,09%, thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân 7,12% đạt được trong giai đoạn 2001-2010. Có thể lý giải điều này như thế nào, thưa đồng chí?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Giai đoạn 2001-2010, nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế từ mức thuần nông dần chuyển dịch thành cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, hướng tới trở thành một nước công nghiệp nhờ được thúc đẩy và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2002 về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010.
Dấu ấn quan trọng khác là nền kinh tế đã có những chuyển biến thực sự về tư duy kinh tế với việc ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2000; Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ được ký kết vào năm 2001 và nhiều chính sách phát triển kinh tế ngành. Qua đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thích ứng với quá trình phát triển sôi động của cơ chế thị trường.
Khu vực dịch vụ được cơ cấu, điều chỉnh và được triển khai tích cực theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ.
Kết quả là tăng trưởng GDP giai đoạn 2001-2010 đạt khá, bình quân mỗi năm tăng 7,12%. Quy mô GDP năm 2010 gấp gần 4,5 lần năm 2000.
Với những thành tựu đó, kinh tế-xã hội nước ta giai đoạn 2001-2010 đạt được thành công kép, vừa “đưa quy mô GDP năm 2010 lên ít nhất gấp đôi năm 2000”, vừa “đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Còn trong giai đoạn 2011-2024, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất.
Tuy nhiên, tỷ trọng các khu vực kinh tế không có sự biến động lớn qua các năm. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm, nhưng vẫn giữ vững vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột của nền kinh tế.
Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao, là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của khu vực và thế giới.
Khu vực dịch vụ chuyển dịch rõ rệt từ các ngành dịch vụ truyền thống sang các ngành dịch vụ hiện đại, phản ánh sự chuyển mình của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.
Phóng viên: Từ những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, Cục Thống kê đề xuất những giải pháp gì để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, trong giai đoạn tới, cần tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ, giảm mạnh tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2045 trở thành nước phát triển.
Do đó, cần ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đi nhanh vào hiện đại hóa ở những ngành, những lĩnh vực then chốt; đẩy mạnh phát triển những ngành công nghệ cao để thành những ngành mũi nhọn.
Thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ngành dịch vụ. Có chính sách ưu tiên cao để thu hút vốn đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ có nhiều lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, như du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế chất lượng cao; tiến tới hình thành những trung tâm dịch vụ, du lịch có đẳng cấp khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tăng cường điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư cho phù hợp; tập trung đổi mới công nghệ; gắn chiến lược phát triển nhân lực với phát triển kinh tế-xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!