Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử, ông Phan Minh Ngân, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) huyện Phước Long cho biết: Toàn huyện hiện có gần 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác trong ngành giáo dục. Trong đó, hơn 160 giáo viên công tác tại Trường THPT Võ Văn Kiệt, Trường THPT Trần Văn Bảy và Trung tâm Giáo dục thường xuyên (do Sở GD-ĐT Bạc Liêu quản lý). Cán bộ, giáo viên còn lại do Phòng GD-ĐT huyện quản lý.
Ông Ngân thừa nhận, do ngân sách của huyện khó khăn, nên mấy tháng qua cán bộ, giáo viên của huyện chậm được chi trả lương. “Huyện đang cố gắng ưu tiên thanh toán dứt điểm lương tháng 7-2015 cho cán bộ, giáo viên, chỉ còn thiếu hơn hai tháng thôi, chứ không thiếu nợ nhiều tháng như nhiều người phản ánh đâu…” - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phước Long khẳng định.
Ngoài ra cán bộ, giáo viên và cán bộ, nhân viên, người lao động công tác tại các ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, đội ngũ cán bộ y tế tại huyện Phước Long cũng đang trong cảnh vô cùng khó khăn vì từ tháng 6-2015 đến nay chưa được chi trả lương.
Chị Nguyễn Hải Đăng, viên chức huyện bức xúc: “Cán bộ, nhân viên, người lao động của huyện hầu hết chỉ sống nhờ đồng lương. Đâu phải gia đình nào cũng dư giả. Vậy mà liên tiếp nhiều tháng nay huyện không chi trả lương kịp thời, nhất là thiếu nợ liên tiếp ba, bốn tháng liền như thế này, tụi tôi sống bằng gì. Ngày khai trường vào năm học mới đến rồi, vậy mà hầu hết các bậc cha mẹ là cán bộ, công chức của huyện “khô túi”, do chưa được lãnh lương…”(!?)
Theo giải thích của một số cán bộ ở huyện Phước Long, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do: Phước Long được Trung ương và tỉnh chọn là đơn vị điểm xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và Hội đồng nhân dân huyện, từ nhiều năm nay, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực cho phong trào xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm hoàn thành các tiêu chí, để đến cuối năm 2015 được trên công nhận “Huyện nông thôn mới” đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long và của tỉnh. Do “áp lực” phải đạt các chỉ tiêu của tỉnh giao, vì đã “hứa quyết tâm” với cấp trên, nên huyện tập trung mọi nguồn vốn; vận động, huy động toàn lực sự đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để thực hiện chương trình này…
“Chúng tôi là giáo viên, cán bộ y tế, nhân dân của huyện, hầu hết đều tích cực ủng hộ, hưởng ứng việc huyện phấn đấu sớm hoàn thành các tiêu chỉ để được trên công nhận là huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, xây dựng huyện nông thôn mới phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực. Không nên chạy nặng “bệnh thành tích”, làm cho có phong trào để “lấy tiếng, lấy lòng” cấp trên. Nhất là việc huy động sức dân, đầu tư xây dựng các công trình, dự án phải minh bạch, rõ ràng, việc gì ra việc đó. Không thể vịn vào lý do “quyết tâm để sớm công nhận huyện nông thôn mới” mà thiếu nợ lương cán bộ, nhân viên, giáo viên, người lao động kéo dài như huyện Phước Long là không chấp nhận được…”, nhiều cán bộ, viên chức bức xúc bày tỏ.
Trả lời vấn đề nêu trên của phóng viên Báo Nhân Dân điện tử, chiều 4-9, Chủ tịch UBND huyện Phước Long Phan Thành Đông khẳng định: Thực tế hiện nay huyện có chậm trả lương cán bộ, giáo viên hơn hai tháng, chứ không phải 4-5 tháng liền như một vài tờ báo đã đăng tải và dư luận trong tỉnh “đồn thổi”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc thu ngân sách của huyện trong thời gian qua khó khăn. Việc thu và chi có mất cân đối cục bộ, do nguồn thu ngân sách không kịp và không đáp ứng theo yêu cầu. Ngoài ra, huyện có kế hoạch hóa giá một số tài sản, nhất là bán hóa giá đất và một số tài sản công, nhưng do nhiều nguyên nhân chưa triển khai thực hiện được…
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Phước Long, huyện đang tập trung đẩy mạnh các nguồn thu, nhất là thu ngân sách; thực hiện hóa giá một số tài sản, tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời của cấp trên, nhằm đáp ứng nhu cầu chi. Trước hết, huyện sẽ tập trung giải quyết việc trả lương cho cán bộ, viên chức hết tháng 7, trung tuần tháng 9 sẽ thanh toán lương tháng 8 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong huyện…