Viếng Bác trên đảo tiền tiêu Cô Tô

NDO - Đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác, chúng tôi có may mắn và vinh dự được viếng thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Theo lãnh đạo huyện đảo Cô Tô, đây là di tích mang giá trị riêng có, không trùng lặp với di tích nào trong hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo Cô Tô dâng hương, dâng hoa kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo Cô Tô dâng hương, dâng hoa kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giờ đây, quãng đường khoảng 260km từ Thủ đô Hà Nội tới đảo tiền tiêu Cô Tô không còn xa xôi cách trở như xưa mà trở nên rất thuận tiện. Chỉ mất hơn 2 giờ bon xe trên đường cao tốc, chúng tôi đã có mặt tại Cảng tàu Quốc tế Ao Tiên (huyện Vân Đồn) và chừng 1 tiếng rưỡi lướt trên biển bằng tàu cao tốc, chúng tôi đã cập bến Cô Tô.

Dọc cầu tàu nối từ bến cảng vào bờ là rực rỡ cờ hoa được trang hoàng từ dịp 30/4 vừa qua.

Xuống tàu, chúng tôi theo chân đồng chí Lê Ngọc Hân, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô đến ngay quần thể Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cách bến tàu không xa.

Viếng Bác trên đảo tiền tiêu Cô Tô ảnh 1

Dọc theo cầu tàu nối từ bến cảng vào đảo là rực rỡ cờ hoa chào đón du khách.

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có quy mô hơn 2.200m2, nằm ở phía tây nam của đảo, gồm nhiều hạng mục như điểm di tích tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền thờ, nhà trưng bày lưu niệm, Dốc Khoai,… Năm 2003, huyện Cô Tô đã đầu tư tôn tạo di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây mới Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm phía sau tượng đài Bác.

“Đây là di sản quốc gia, là “cột mốc văn hóa”, “cột mốc chủ quyền” trường tồn của Tổ quốc trên vùng biển Đông Bắc. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo coi đây là tài sản đặc biệt, điểm nhấn có ý nghĩa lớn lao về chính trị, cùng giá trị nhiều mặt về cảnh quan, văn hóa-lịch sử, giúp huyện đảo chuyển mình, hướng đến trở thành một vùng kinh tế biển năng động, phát triển dịch vụ-du lịch…” - đồng chí Lê Ngọc Hân nhấn mạnh.

Cách đây khoảng 1 tháng, tại khu di tích này, Báo Nhân Dân đã hoàn thành dự án “Yêu lắm Việt Nam”, kết hợp công nghệ kết nối không dây (NFC) và dữ liệu số. Du khách có thể mở ra một không gian số với nhiều tính năng được tích hợp, chỉ bằng một chạm với điện thoại kết nối không dây. Trang web www.yeulamvietnam.vn giao diện thiết kế hiện đại, dễ tương tác với song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, giúp du khách dễ dàng tiếp cận các thông tin chính thống về địa danh.

Viếng Bác trên đảo tiền tiêu Cô Tô ảnh 3

Trao tặng ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng chí Lê Ngọc Hân, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô.

Trong chuyến đi này, chúng tôi đem ra đảo một số phụ san đặc biệt trong đợt tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của Báo Nhân Dân còn tươi màu mực. Đây là ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần số 1890 (trùng khớp năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh), gồm nhiều bài viết chuyên sâu của các học giả, nhà nghiên cứu uy tín, cùng 2 trang phụ san đặc biệt giới thiệu hình ảnh Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân; trích dẫn những câu nói bất hủ của Người.

Trước bàn thờ Bác, chúng tôi thắp nén hương thơm, nghiêm trang và thành kính tri ân, dâng lên Người những ấn phẩm tâm huyết của cán bộ, phóng viên báo Đảng, nguyện “tiếp tục đi trên con đường mà Bác đã khai sáng - con đường của chân lý, của niềm tin, của nhân văn để phụng sự đất nước bằng nghề báo cách mạng”, như lời khẳng định của đồng chí Tổng Biên tập Lê Quốc Minh tại lễ khai mạc triển lãm, ra mắt ấn phẩm đặc biệt này. Chúng tôi được biết, các cán bộ của huyện mỗi buổi sáng đều dâng hương hoa, trà thuốc và một tờ Báo Nhân Dân trước bàn thờ Bác để Người được xem báo Đảng hằng ngày.

Viếng Bác trên đảo tiền tiêu Cô Tô ảnh 4

Dâng ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân trước bàn thờ Bác.

Lúc sinh thời, dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác vẫn dành cho Quảng Ninh sự quan tâm hiếm thấy, với 9 lần Người về thăm; trong đó đặc biệt có một lần Bác ra thăm đảo Cô Tô. Theo tư liệu lịch sử ghi lại, khoảng 8 giờ sáng ngày 9/5/1961, từ Trà Cổ, Người đáp trực thăng ra thăm đồng bào và chiến sĩ trên đảo Cô Tô. Bước xuống máy bay, Người ân cần thăm hỏi sức khỏe cụ già, động viên cán bộ, chiến sĩ, phát quà cho các cháu học sinh,…

Viếng Bác trên đảo tiền tiêu Cô Tô ảnh 5

Máy bay trực thăng số hiệu VN-51D đưa Bác ra với đồng bào trên đảo Cô Tô ngày 9/5/1961. (ảnh tư liệu)

Người căn dặn: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, tiến bộ”. Đi qua ruộng khoai lang gần đó, Người hỏi năng suất, chất lượng giống khoai trồng trên đảo, đồng chí Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh (trước đây) đã nhổ một khóm lên cho Bác xem. Thấy có nhiều củ to, Bác tỏ vẻ hài lòng, khen khoai năng suất cao. Rồi Bác ra cánh đồng muối, đích thân ngồi lên đạp guồng bơm nước mặn lên ruộng,...

Thời gian Bác ở lại trên đảo tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại xiết bao tình cảm sâu nặng trong mỗi người dân, cán bộ và chiến sĩ trên đảo. Năm 1962, khi Bác trở lại thăm Vùng mỏ, đồng chí Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh ủy đã thưa với Bác nguyện vọng của nhân dân muốn được dựng tượng Người trên đảo Cô Tô. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Bác đã đồng ý cho tỉnh Hải Ninh được dựng tượng.

Viếng Bác trên đảo tiền tiêu Cô Tô ảnh 7

Bác đi thăm đồng muối, đến một số hộ dân sống trên đảo.

Cần phải nói thêm rằng, Cô Tô là mảnh đất “đi trước về sau”. Tháng 8/1945, khi cả nước giành độc lập, thì Cô Tô vẫn nằm trong trong “xứ Nùng tự trị”, chịu sự kiểm soát của thực dân Pháp. Đến năm 1954, hòa bình được lập lại trên toàn miền bắc, lá cờ đỏ sao vàng mới tung bay trên đảo. Và có lẽ bởi địa thế trọng yếu đó, mà Cô Tô trở thành nơi duy nhất ở Việt Nam được Bác đồng ý cho phép dựng tượng của Người lúc sinh thời. Người được giao thiết kế tượng bán thân của Bác là nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế, cán bộ Ty Văn hóa Quảng Ninh.

Giai đoạn 1964-1967, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền bắc, Vùng mỏ là một trong những trọng điểm bắn phá nên việc xây dựng tượng đài Bác trên đảo chưa thể thực hiện ngay được. Phải đến năm 1968, các hạng mục công trình mới được thi công và ngày 22/5/1968 hoàn thành. Bức tượng bán thân của Bác cao 1,8m, cả bệ cao 4m, được dựng tại vị trí Bác đứng nói chuyện với cán bộ và nhân dân trên đảo.

Viếng Bác trên đảo tiền tiêu Cô Tô ảnh 8

Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô ngày 22/5/1968. (Ảnh tư liệu)

Năm 1974, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa-Thông tin, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh quyết định đầu tư tôn tạo Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo, dựng tượng đài toàn thân Bác Hồ bằng bê-tông cốt thép, hoàn thành trong tháng 5/1976, đúng dịp kỷ niệm 15 năm Bác ra thăm đảo và 86 năm ngày sinh nhật của Người. Tác giả thiết kế là nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh, Trưởng khoa Điêu khắc Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (sau trở thành Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh). Pho tượng bán thân Bác được đưa về đặt tại trung tâm huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn).

Những ngày đó, khi đặt chân đến Cô Tô, nhà thơ Trần Anh Trang đã ngập tràn xúc cảm viết nên bài thơ: “Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô”, với những câu lay động lòng người:

“Nơi ngút mắt chỉ có trời với nước

Tưởng bồn chồn cả cánh hải âu

Bác đứng đó vô cùng thân thiết

Như cuộc đời, hạt gạo, cánh buồm nâu

Đất mẹ nghìn năm tự xé mình ra

Cho ta biển, cho ta trời, cho ta ngàn vạn đảo

Nơi đầu sóng trải qua nhiều giông bão

Mảnh bom thù còn cứa xót da chân

Hòn đảo xa nhưng lại rất gần

Bác Hồ đến giơ tay chào biển cả”

Năm 1997, tượng đài của Bác được thay thế bằng chất liệu đá granit nguyên khối, cao 4,18m, đặt trên khối bệ cao 2,8m ốp đá granit trên cơ sở giữ nguyên mẫu tượng của nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh để bảo đảm tính bền vững trường tồn và vẫn giữ nguyên đến nay. Phía sau tượng có bia ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đảo Cô Tô ngày 9/5/1961; khắc dòng chữ: “Nơi đây, lúc 8 giờ, ngày 9-5-1961, chiếc máy bay trực thăng đưa Bác Hồ đến thăm đảo Cô Tô, hạ cánh. Bác từ máy bay bước xuống, tươi cười vẫy chào cán bộ, bộ đội, nhân dân các dân tộc trên đảo vui mừng đến đón Bác”.

Viếng Bác trên đảo tiền tiêu Cô Tô ảnh 9

Tấm bia ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đảo Cô Tô ngày 9/5/1961.

Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ ngày Bác ra thăm đảo, nhưng trong tâm khảm những người dân sinh sống trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc này, từng dấu chân nơi Người đã đi qua trên mảnh đất Cô Tô vẫn còn lưu giữ, giọng nói ấm áp của Người dường như vẫn văng vẳng nơi đây. Mỗi người dân Cô Tô sẽ là một “cột mốc văn hóa”, kiên cường bám đảo, gìn giữ “viên ngọc” tiền tiêu phía đông bắc của Tổ quốc trở nên giàu đẹp, văn minh.

“Niềm thương nhớ tạc tượng Người kính mến

Như hải đăng chỉ hướng thuyền về”

(Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô-Trần Anh Trang).

Đứng dưới kỳ đài, lá cờ Tổ quốc đang tung bay trong nắng gió, Bí thư huyện ủy Lê Ngọc Hân cho biết, ngày 9/5 vừa qua, huyện đảo Cô Tô đã trang trọng tổ chức Lễ Thượng cờ, chào cờ và hát Quốc ca nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô (9/5/1961-9/5/2025), thực hiện ở cả 3 địa điểm gồm khuôn viên Quảng trường Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, khuôn viên Cột cờ Tổ quốc xã Thanh Lân và khuôn viên Cột cờ Tổ quốc đảo Trần.

Đây là Lễ Thượng cờ lớn nhất từ trước đến nay tại huyện đảo với hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, đông đảo nhân dân và du khách tham dự, cùng dâng hương tưởng nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tiếng hát Quốc ca hùng tráng, lá cờ Tổ quốc rộng 4,5m, dài 6,2m kéo lên tung bay phấp phới trên đỉnh cột cờ cao 29,7m (được lấy kích thước nguyên mẫu cả cột cờ và lá cờ từ Quảng trường Ba Đình).

Từ một huyện đảo nghèo, thiếu thốn đủ bề, đến nay Cô Tô đã có điện lưới quốc gia, nước ngọt, hệ thống tàu khách, tàu vận tải phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức 2 con số, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch mạnh mẽ sang dịch vụ-du lịch. Vừa qua, Hội đồng nhân dân huyện đã thông qua chủ trương sáp nhập toàn bộ 2 xã và 1 thị trấn hiện có, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân), hình thành Đặc khu Cô Tô, được kỳ vọng sẽ rộng mở cơ hội phát triển cho vùng đảo này. Khi thành lập, Đặc khu sẽ có diện tích 5.368ha, quy mô dân số 7.151 người, giữ nguyên phạm vi địa giới hành chính hiện tại của huyện.

Viếng Bác trên đảo tiền tiêu Cô Tô ảnh 11

Cô Tô - điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Năm 2025, Cô Tô đặt mục tiêu đón hơn 300.000 lượt khách, doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng. Trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, Cô Tô đã đón hơn 9.000 lượt khách du lịch, con số "kỷ lục” mở màn cho mùa du lịch hè thắng lợi. Bên cạnh phát triển du lịch, đảo cũng hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình du lịch xanh, sạch và bền vững, gắn liền với việc bảo tồn hệ sinh thái biển và gìn giữ giá trị văn hóa bản địa. Những hoạt động này được xem là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch biển đảo của Cô Tô theo hướng bền vững.