Việt Nam và ASEAN viết tiếp câu chuyện thành công

Năm 2025 là mốc son đầy ý nghĩa với Việt Nam khi đánh dấu tròn 30 năm nước ta gia nhập “mái nhà chung” ASEAN.

Đoàn Việt Nam dự Hội nghị ASEAN-Anh diễn ra tháng 7/2025 ở Malaysia. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO )
Đoàn Việt Nam dự Hội nghị ASEAN-Anh diễn ra tháng 7/2025 ở Malaysia. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO )

Hành trình 30 năm qua là minh chứng sống động cho khát vọng hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng, cùng tinh thần tiên phong, trách nhiệm, chủ động của Việt Nam vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và tự cường.

30 năm gắn bó cùng ASEAN đã ghi đậm dấu ấn Việt Nam, với nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực. Nhìn lại chặng đường này, Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN nhấn mạnh: Với tinh thần từng bước học hỏi, thích nghi và tham gia với tâm thế chủ động, tích cực, trách nhiệm, Việt Nam đã vươn lên cùng các nước thành viên đóng góp định hướng con đường phát triển của ASEAN, định hình các tiến trình hợp tác của ASEAN.

Việt Nam không chỉ lắng nghe, mà kết nối; không chỉ đồng hành, mà góp phần dung hòa khác biệt giữa các quốc gia thành viên và giữa ASEAN với các đối tác, qua đó đóng góp duy trì đoàn kết, thống nhất, củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong thế giới đầy biến động.

Dấu ấn đậm nét trên chặng đường 30 năm

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN vào năm 1995, song quá trình hội nhập khu vực đã được khởi động từ nhiều năm trước đó bằng những cột mốc đáng nhớ, như tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), trở thành quan sát viên của ASEAN năm 1992, tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) hằng năm. Tháng 7/1994, Việt Nam tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập diễn đàn.

Gia nhập ASEAN không chỉ là một bước quan trọng để hội nhập khu vực và thế giới, mà còn gắn liền với quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam. Đây cũng là mốc son trên hành trình thắt chặt quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng khu vực, nhất là các nước thành viên ASEAN - vốn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Sau thời kỳ chiến tranh gian khổ và bị cô lập về chính trị, kinh tế trong những năm 80 của thế kỷ 20, việc Việt Nam gia nhập ASEAN là bước đi đầu tiên và quan trọng để phá vỡ thế bị bao vây, từng bước hội nhập khu vực và thế giới. ASEAN mở ra cánh cửa để Việt Nam xây dựng môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Hiện nay, ASEAN là đối tác xuất khẩu lớn thứ tư và nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác lớn là đòn bẩy để Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Người dân cũng được hưởng lợi từ các chương trình hợp tác giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, lao động, việc làm, văn hóa, thể thao của Hiệp hội... Những thành quả nêu trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của Việt Nam trong 30 năm qua.

Đối với ASEAN, sự tham gia của Việt Nam là một bước ngoặt lớn trong quá trình hình thành và phát triển của Hiệp hội, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của những người sáng lập ASEAN về gắn kết các quốc gia thành viên bằng khát vọng hòa bình, thịnh vượng và tinh thần đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau.

Vượt qua những bỡ ngỡ và thận trọng ban đầu, Việt Nam tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, từ đó đóng góp quan trọng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN. Với nỗ lực tích cực của Việt Nam, ý tưởng ASEAN-10 quy tụ toàn bộ các quốc gia thành viên ở Đông Nam Á đã được hoàn tất vào năm 1999.

Theo Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương, từ đây, ASEAN có được thế đứng mới, các nước cùng gác lại những rào cản, chung tay hợp tác, mở rộng quan hệ với bên ngoài, đưa ASEAN trở thành một hạt nhân trong các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực.

Các nghĩa vụ luân phiên trong ASEAN đã được Việt Nam hoàn thành xuất sắc. Theo đó, với vai trò nước chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ sáu (năm 1998) chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên chèo lái, đưa ASEAN vững vàng vượt qua các thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính năm 1997, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, duy trì đà hợp tác và liên kết khu vực, hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2020. Những trọng trách mà ASEAN giao phó như Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN khóa 34, Chủ tịch ASEAN các năm 2010, 2020... đã gặt hái những thành quả đáng tự hào.

Đáng chú ý, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã nhanh chóng, linh hoạt thúc đẩy cách tiếp cận hiệu quả của ASEAN trước làn sóng bùng phát của đại dịch Covid-19, đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai... Vượt lên mọi thách thức, Việt Nam phát huy thành công vai trò dẫn dắt, đưa con thuyền ASEAN bình yên đi qua sóng gió, căng buồm vươn xa.

Đại sứ Malaysia (nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025) tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai nhận định, là một trong những nền kinh tế năng động nhất của ASEAN, Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế thương mại toàn cầu của ASEAN, khi đóng vai trò then chốt trong việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy thương mại nội khối; tích cực hỗ trợ các mục tiêu hội nhập kinh tế của ASEAN, bao gồm thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các sáng kiến như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Công.

Đại sứ cho biết, từ một quốc gia mới gia nhập ASEAN, sau 30 năm miệt mài nỗ lực, Việt Nam giờ đây là một thành viên đáng tin cậy, có những đóng góp mang tính xây dựng đối với sự đồng thuận của “mái nhà chung”.

Là một trong những nền kinh tế năng động nhất của ASEAN, Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế thương mại toàn cầu của ASEAN, khi đóng vai trò then chốt trong việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy thương mại nội khối; tích cực hỗ trợ các mục tiêu hội nhập kinh tế của ASEAN, bao gồm thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các sáng kiến như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Công.

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai

Định hình tương lai tươi sáng

Là khu vực giao thoa nhiều lợi ích địa chính trị và địa kinh tế, ASEAN đang đối mặt áp lực ngày càng gia tăng từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Trong bối cảnh đó, việc tăng cường tình đoàn kết, phát huy tiếng nói mạnh mẽ chung, kiên định với con đường “đối thoại thay cho đối đầu, đoàn kết thay cho chia rẽ” là chìa khóa để khu vực vượt qua thách thức.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) diễn ra tháng 7/2025 ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Thủ tướng nước chủ nhà Anwar Ibrahim nêu rõ, vượt qua chặng đường đầy khó khăn, ASEAN đã bảo vệ được hòa bình và phát triển thịnh vượng theo cách mà ít khu vực nào có thể sánh bằng. Để làm được điều này, ASEAN đã “nuôi dưỡng” thói quen hợp tác để vượt qua thách thức.

Thực tế chứng minh rằng, giữa một thế giới đầy rối ren, căng thẳng, với xung đột đẫm máu ở Trung Đông hay khói lửa giao tranh ở Ukraine, thì tinh thần đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau của ASEAN càng tỏa sáng, như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng khẳng định, ASEAN đóng vai trò là “một ngọn hải đăng hòa bình”.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, gia nhập ASEAN là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa lịch sử và chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển của ASEAN tiếp tục là một trong những trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương Việt Nam.

Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương cho biết, trên cơ sở những thành quả đã đạt được, Việt Nam sẽ tiếp tục tư duy chủ động, hành động trách nhiệm, đóng góp tích cực củng cố đoàn kết, thống nhất, đề cao các nguyên tắc cơ bản, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nâng cao năng lực tự chủ, tự cường và khả năng thích ứng của ASEAN trong môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động.

Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là cùng các nước thành viên nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, năng động, lấy người dân làm trung tâm, được đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2045.

Có thể bạn quan tâm

back to top