Nói về thế mạnh, Tây Ninh có sông Vàm Cỏ Ðông và sông Sài Gòn bao bọc và địa phương đang có bốn hồ chứa nước. Trong đó, hồ Dầu Tiếng có dung tích 1,58 tỷ m3 nước, là hồ nhân tạo lớn nhất Ðông Nam Á, có vai trò rất lớn về nông nghiệp trong vùng Ðông Nam Bộ.
Cùng với đó, hệ thống thủy lợi của tỉnh có 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao… phục vụ nhu cầu cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.270 ha (chiếm khoảng 75% diện tích sản xuất nông nghiệp).
Chính nhờ hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh, trong hơn 15 năm qua, người nông dân địa phương gặp rất nhiều thuận lợi trong việc bơm tưới, cải tạo đất trồng cây ăn trái, đặc biệt là loại "trái cây tỷ phú" sầu riêng.
Về thăm Bàu Ðồn trong những ngày xuân mới, đi đâu cũng nghe người dân bàn bạc, chia vui từ các thông tin sầu riêng được mùa, được giá. Vùng đất ven sông Sài Gòn năm nay rộn rã và sung túc hơn với nhiều nhà mới xây, xe hơi đậu dài trên các con đường vào xã.
Ghé vào Hợp tác xã Cây ăn trái Bàu Ðồn do ông Phan Hoài Thịnh làm giám đốc, được ông chia sẻ rằng, hợp tác xã được thành lập năm 2020 với 62 thành viên, tổng diện tích sản xuất 127 ha sầu riêng (khi mới thành lập năm 2020 chỉ có 32 thành viên, diện tích sản xuất hơn 40 ha). Niềm vui là việc doanh thu của hợp tác xã năm 2024 ước đạt 132 tỷ đồng.
Ðạt được điều này, chính là nhờ nguồn nước dồi dào, và nhờ Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi. Thí dụ, Tây Ninh có nhiều chính sách như hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản… cho nên các hợp tác xã và nhà nông luôn thuận lợi trong chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng.
Tại vườn của mình, xã viên Nguyễn Văn Long chia sẻ, ông đã bán 25 tấn trái sầu riêng, thương lái vào tận nơi mua. Sau khi trừ chi phí, vườn sầu riêng 1,5 ha cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.
Sau 15 năm trồng sầu riêng, ông thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Sầu riêng Ri6 cơm vàng, hạt lép và sầu riêng Monthong là loại cây khó trồng, kén đất, đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, đầu tư dài hạn nên không phải ai cũng trồng được. Mặc dù vậy, cây sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Với giá bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, người dân trồng sầu riêng vẫn có thể thu lãi từ 250 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, mỗi héc-ta cây mì, mía, cây lúa… chỉ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Sản phẩm sầu riêng Bàu Ðồn đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao; hợp tác xã đã đăng ký vùng trồng, mã QR nhãn hiệu sầu riêng.
Nhờ có tem nhãn, mã QR, người tiêu dùng có thể nhận biết được trái sầu riêng này là sản phẩm do hợp tác xã phân phối, cũng như biết được loại trái cây này có xuất xứ từ xã Bàu Ðồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
Hiện tại, trái sầu riêng của hợp tác xã đã có mặt tại các cửa hàng, hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Ðến nay, Hợp tác xã Cây ăn trái Bàu Ðồn đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp để xuất khẩu sầu riêng với giá ổn định, thuận tiện hơn trong quá trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh có 3.000 ha sầu riêng thì xã Bàu Ðồn đã chiếm tới 1.500 ha, nên đây được xem là thủ phủ trồng sầu riêng của Tây Ninh. Hiện nhiều vườn sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Riêng Hợp tác xã Cây ăn trái Bàu Ðồn đã được cấp ba mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc và hướng đến xuất khẩu ở châu Âu. Xã viên Phạm Thị Nga (Ấp 1) tự hào cho biết: "Không chỉ ngon, sạch mà nhờ chăm sóc tốt và áp dụng kỹ thuật hiệu quả nên các vườn sầu riêng đều cho trái đạt yêu cầu, kích cỡ đều, chất lượng không thua nơi nào. Giá bán khá ổn định, riêng năm 2024 giá rất cao nên người dân phấn khởi lắm!".
Trên bình diện rộng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ðình Xuân thông tin, toàn tỉnh đã cấp 51 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu. Trong số đó, 19 mã số đã được nước nhập khẩu phê duyệt để xuất khẩu trên các loại trái cây: Chuối, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, chanh không hạt; 32 mã số vùng trồng đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt. Toàn tỉnh cũng có năm cơ sở được cấp mã số xuất khẩu, trong đó bốn mã số đã được nước nhập khẩu (Trung Quốc) phê duyệt. Việc quản lý chặt mã số vùng trồng trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng đang là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay để bảo đảm việc xuất khẩu bền vững. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch là cơ hội tốt cho sầu riêng Tây Ninh nói riêng và cả nước. "
Sở sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để người dân nhanh chóng có được mã số vùng trồng và được bên phía đối tác công nhận. Mặt khác, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, bảo đảm những người được cấp mã phải làm đúng theo những quy định của Nhà nước cũng như của phía đối tác. Việc cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng không chỉ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm"- ông Xuân cho biết.