Phóng sự dự thi

Vợ lính nhà giàn

NDO -

"Chỉ bên em ít ngày rồi anh lại đi xa/Em trải dài nỗi nhớ theo tháng năm chờ đợi. Ai cũng bảo em yêu lính là dại khờ nông nổi/Vì gia tài vẻn vẹn chiếc ba lô". Câu thơ của một người vợ lính gửi ra giàn, được anh em truyền đọc, như nói hộ tâm trạng của Kiều Xinh lúc này. Nhưng, như Xinh nói: "Ðã là vợ lính phải biết chấp nhận vất vả, thiệt thòi. Huống hồ là lính nhà giàn thì càng không nên so bì sướng khổ...".

Thương con dâu mới cưới đã phải xa chồng, mẹ chồng chị Xinh lặn lội cả nghìn cây số từ Hà Tĩnh vào Vũng Tàu ở cùng.
Thương con dâu mới cưới đã phải xa chồng, mẹ chồng chị Xinh lặn lội cả nghìn cây số từ Hà Tĩnh vào Vũng Tàu ở cùng.

1-Tôi đến thăm Xinh vào một ngày đầu hạ. Ngôi nhà Xinh thuê nằm sâu trong hẻm nhỏ, còn thưa thớt người ở phường 12, TP Vũng Tàu. Con đường cấp phối, đỏ quạch, bụi mù, dẫn vào ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, chừng 30 m2, nhưng xem ra nó quá rộng đối với hai mẹ con em. Xinh tâm sự: "Mẹ chồng thấy em ở một mình nên bà vào với em từ trước Tết. Nhà chỉ có hai mẹ con. Em đi làm, mẹ lủi thủi một mình. Em về, hai mẹ con cùng phụ nhau làm bếp, sắp đặt công việc lặt vặt trong nhà. Có mẹ, em cũng bớt tủi thân, bớt buồn nhiều anh ạ".

Chuyện tình của cô gái trẻ Ðỗ Thị Kiều Xinh và Thượng úy Lê Ngọc Chung từ lâu đã trở thành câu chuyện tình "trong mơ" của đám lính trẻ nhà giàn. Ai cũng khen Chung khéo chọn cho mình người vợ hiền, đẹp người, đẹp nết, tuổi còn trẻ nhưng có sức chịu đựng kiên cường. Dù gặp Xinh nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy em than trách. Như thể, những vất vả lo toan để chồng yên tâm công tác ngoài nhà giàn là trách nhiệm và bổn phận của em, dù rất nhiều lần, em đã lặng lẽ rơi nước mắt.

Sinh năm 1991, khi vừa tròn 18 tuổi, Xinh theo người thân vào Vũng Tàu và thi đỗ vào Trường cao đẳng Du lịch. Còn Chung sinh năm 1985, đã có gần 10 năm gắn bó với nhà giàn. Xinh kể, cuối năm 2009, trước khi quen nhau, em không biết gì về nhà giàn, về cuộc sống của những người lính biển. Anh Chung lại ít nói. Quen nhau được mấy bữa, anh ấy đi biển biền biệt cả năm trời. Bọn em chỉ gặp nhau qua những cánh thư, tình cảm gói ghém vào con chữ. "Sau chuyến công tác dài cả năm ngoài nhà giàn, anh Chung được về phép. Bọn em đi chơi, rồi anh ấy ngỏ lời. Ðến lúc ấy em mới phần nào hiểu về cuộc sống gian khổ và sự hy sinh thầm lặng của những người lính biển. Thấm thía câu anh nói ngày đầu gặp mặt: Bọn anh là lính hải quân, sống thật thà, mộc mạc. Làm vợ lính hải quân là phải biết chấp nhận thiệt thòi".

Quen, rồi yêu, rồi cưới, đó không chỉ là ước mơ của riêng người lính biển mà của cả cô thôn nữ thật thà, giản dị, vừa bước qua tuổi đôi mươi. Xinh tâm sự: "Kể từ khi quen anh Chung, em đã tự mình tìm hiểu về cuộc sống của những người lính nhà giàn. Về những hiểm nguy mà họ đang hằng ngày phải đối mặt để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng và rất đỗi tự hào. Về chủ quyền biển, đảo của dân tộc. Chính từ sự hiểu biết ấy, em càng thêm yêu và cảm phục các anh".

Trước ngày cưới, Chung rất bận, phải đi dự Ðại hội Ðoàn toàn quốc ngoài Hà Nội. Về được hai hôm lại đi dự Hội thi chính trị viên giỏi Vùng 2 Hải quân. Hôm cầm tấm giấy khen đoạt giải nhì cuộc thi trên tay cũng là lúc mọi khâu tổ chức đã hoàn tất. Xinh nói trong xúc động: "Nếu không có bạn bè, đồng đội của anh ấy hỗ trợ, chắc em không thể vượt qua".

Những tưởng niềm vui của đôi bạn trẻ được nhân thêm khi gia đình hai bên quyết định trước Tết sẽ tổ chức báo hỷ ở Nam Ðịnh, quê Xinh và Hà Tĩnh, quê Chung. Dự đám cưới của con ở Vũng Tàu, bố mẹ Xinh đã về quê để lo ngày báo hỷ. Thiệp mời đã gửi đi. Tiệc tùng đã chuẩn bị. Mọi thứ đâu vào đấy, thì Chung bất ngờ thông báo: "Anh phải ra giàn làm nhiệm vụ". Khỏi phải nói Xinh đã "sốc" thế nào. "Lúc đầu em cứ nghĩ anh ấy đùa, bởi anh ấy vừa đi biển, theo lịch công tác sẽ được ở lại ăn Tết với gia đình. Nhưng khi nghe anh nhắc lại lần nữa thì em òa khóc, dù khi ấy đang ở cơ quan, có rất đông người", Xinh kể.

Lật cuốn an-bum ảnh cưới mới hôm nào cho tôi xem mà hai hàng nước mắt của em cứ chảy dài trên mặt. Xinh vừa khóc, vừa nói: "Lúc đầu em không dám thông báo cho bố mẹ. Em chỉ gọi điện cho em gái thôi. Nó bảo, chị ơi, bố mẹ đã chuẩn bị hết rồi. Thiếp mời đã gửi đi. Rượu, bia bố mua về chất đống ở nhà. Bây giờ biết làm sao? Anh Chung không thể hoãn chuyến đi được hả chị?". Nghe câu hỏi vô tư của em gái, em lại khóc. "Nhưng thật bất ngờ, chính bố mẹ là những người động viên em nhiều nhất. Bố em đùa, con cố gắng lên để thằng Chung yên tâm công tác, chỗ rượu, bia ngoài này bố sẽ "tự giải quyết". Bố em bảo, bố đã thông báo cho từng khách mời. Mọi người ở quê hiểu và rất thông cảm. Rồi các anh ở đơn vị chồng em cũng đến động viên. Có anh kể, hết chiến tranh rồi, người ta nói đi bộ đội bây giờ là sướng nhất. Nhưng em đừng nghĩ vậy. Ðã vào quân đội, ở đâu cũng gian khổ như nhau. Hôm tiễn Chung đi, anh ấy cứ nắm tay em nói lời xin lỗi. Em đã trả lời, anh ơi, bọn mình không có lỗi gì cả. Ðã là vợ lính phải chấp nhận vất vả, thiệt thòi. Huống hồ là lính nhà giàn. Nói xong, cả em và anh ấy đều khóc".

2- Khỏi phải nói niềm hân hoan của cô giáo Bùi Thị Huệ khi cậu con trai kháu khỉnh mới sinh được các bác sĩ và người thân ẵm xuống bên giường. Ước muốn giản dị, tự nhiên, như bao người con gái khác, bỗng chốc trào lên trong suy nghĩ. Ước gì anh ấy có mặt lúc này để được ngắm nhìn giây phút đầu đời của đứa con trai mà cả hai cùng mơ ước. Nhưng, như Huệ nói, nó chỉ thoáng bay như sợi khói mỏng manh trước cơn gió thoảng, rồi nhanh chóng nhường chỗ cho niềm hạnh phúc lớn lao của phụ nữ vừa vượt qua cuộc tử sinh vuông tròn viên mãn.

Huệ vượt cạn một mình. Bởi chồng Huệ, bố của cậu con trai em mang nặng, đẻ đau suốt chín tháng qua, Thiếu tá Hoàng Văn Quảng, đang công tác ngoài nhà giàn. Huệ tâm sự: "Không như những người phụ nữ khác, dù vượt cạn một mình nhưng em không buồn bởi anh ấy đang làm nhiệm vụ ngoài biển, một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng. Xét cho cùng, anh ấy thiệt thòi hơn em nhiều ấy chứ".

Vợ lính nhà giàn ảnh 1

Cô giáo Bùi Thị Huệ khoe: Dù chưa biết mặt bố Quảng, nhưng mỗi lần nghe bố điện thoại từ nhà giàn về

là cậu nhóc lại dỏng tai hóng chuyện.

Chuyện tình của cô giáo Bùi Thị Huệ và người lính nhà giàn Hoàng Văn Quảng cũng mang đậm dấu ấn của sự hy sinh như rất nhiều những gia đình người lính khác. Bác Bùi Ngọc Lan, bố của Huệ, tâm sự: "Tôi có bốn người con gái. Cả bốn đứa đều lấy chồng bộ đội. Hôm con Huệ dẫn thằng Quảng về nhà giới thiệu, tôi đã có cảm tình. Tôi tâm sự với con, bố cũng từng là lính, bố hiểu. Nếu đã yêu và chấp nhận lấy Quảng, con phải biết hy sinh. Bởi làm vợ lính, nghĩa là con đã chọn con đường gian khổ để đi".

Vào Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1999, Huệ có hơn 12 năm làm giáo viên tiểu học ở Xuân Sơn, xã vùng sâu của huyện Châu Ðức. Em mới được chuyển về dạy học tại Trường Nguyễn Viết Xuân, TP Vũng Tàu. Vất vả, gian khổ là vậy, nhưng như Huệ nói, chưa thấm gì so với "anh ấy nhà em". Huệ kể: "Anh Quảng lấy vợ muộn. Phần vì suốt ngày lênh đênh ngoài biển, phần vì cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ngoài 40 tuổi mới lập gia đình. Anh ấy là chỉ huy nhà giàn cho nên càng phải gương mẫu. Trước khi lấy nhau, anh tâm sự, anh em nhà giàn vất vả lắm. Phải nhường nhau từng bát nước, cọng rau. Khi biển động, không có tàu ra tiếp tế, phải ăn mỳ gói, lương khô cả tháng trời. Mình là chỉ huy trên giàn, là chỗ dựa tinh thần cho anh em, lại càng phải chịu khó, chịu khổ để anh em yên tâm công tác. Em đừng nghĩ làm chỉ huy mà sướng đâu nhé".

Vẫn biết ngoài nhà giàn nhiều gian khổ, nhưng mỗi lần nghe chồng kể về cuộc sống của đồng đội ngoài ấy, Huệ vẫn rơi nước mắt: "Bây giờ đang mùa mưa, anh em trên giàn cũng đỡ cực. Khổ nhất là mấy tháng mùa khô. Không có nước dùng, mọi người phải hứng nước tắm để giặt quần áo, lấy nước giặt quần áo để tưới rau. Tiết kiệm, chi li từng chút một mà vẫn thiếu".

Lấy chồng lính biển nghĩa là phải chấp nhận xa nhau. Có không ít người vợ trẻ, canh mấy ngày phép của chồng, tất tả ngược xuôi cả nghìn cây số từ bắc vào nam, gặp mặt đôi hôm, lại bịn rịn tiễn chồng đi biển. Sau những cái vẫy tay là nước mắt, là những lời hẹn tính bằng tháng, bằng năm. Huệ bảo: "Càng nghĩ em càng thấy thương các anh. Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, Quân đội, đời sống người lính nhà giàn được cải thiện nhiều hơn. Chứ như trước thì vất vả lắm".

Lấy chồng lính biển đồng nghĩa với việc ngày 8-3 không có quà, sinh nhật không thắp nến. Lấy chồng lính biển nghĩa là tối thứ bảy không có đôi, giỗ chạp phải tự lo và giao thừa không có chồng bên cạnh. Huệ vừa nói, vừa trầm tư suy nghĩ: "Như anh Quảng nhà em đến giờ vẫn chưa có nhà riêng, vẫn ở nhờ nhà vợ, tháng 8 sinh con không có mặt, tháng 11 mẹ mất không được về. Ðầu tháng 12 năm rồi tính về thắp hương cho mẹ và ăn Tết với gia đình cuối cùng cũng không thành hiện thực".

Hai mươi tư năm đã đi qua kể từ ngày nhà giàn đầu tiên: Tư Chính A, thuộc Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân, chính thức đi vào hoạt động. Ít ai biết, nhiều thế hệ lính nhà giàn đã gắn bó đời binh nghiệp của mình trên những căn nhà chênh vênh giữa biển.

Vợ lính nhà giàn ảnh 2

Lính nhà giàn DK1 chăm sóc rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày.

Họ thể hiện ý chí kiên cường, quyết tâm bám trụ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ thật sự là những cột mốc chủ quyền sống của cả dân tộc. Lịch sử mãi mãi không quên chiến công của người lính nhà giàn, không quên sự hy sinh thầm lặng của những người vợ lính. Ðúng như lời tâm sự của Kiều Xinh sau lần đầu tiễn chồng đi biển: "Hạnh phúc là sự hy sinh. Nếu không có hy sinh, nó đơn thuần chỉ là sự ích kỷ". Và, cũng đúng như lời thơ của người lính trẻ Ngọc Chung gửi về cho vợ: Lá thư đầu anh viết tặng em/Là lá thư anh kể về đơn vị/Cuộc sống nơi đây, tháng ngày dài thế kỷ/Sáng, trưa, chiều, tối chỉ chừng ấy bước chân. Ðồng đội anh, những đứa mình trần/ Chân không dép vẫn vui cười sớm tối/ Họ là những anh hùng trong thời kỳ đổi mới/ Nhận hy sinh cho Tổ quốc thanh bình...

------

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ: Ban Thư ký - Biên tập, Báo Nhân Dân, 71 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Email: [email protected]