Vững bước đi lên, ngang tầm khu vực

Qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng lớn mạnh, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và khẳng định vai trò là một trong những trung tâm y tế hàng đầu cả nước và khu vực. Kiên cường vươn lên từ gian khó.
0:00 / 0:00
0:00
Khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân tại các trạm y tế phường, xã (tháng 7/1975). (Ảnh Tư liệu)
Khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân tại các trạm y tế phường, xã (tháng 7/1975). (Ảnh Tư liệu)

Ngay sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ngành y tế thành phố phải đối mặt muôn vàn khó khăn, thách thức. Di chứng nặng nề của chiến tranh khiến nhiều cơ sở y tế bị hư hại nghiêm trọng, trang thiết bị thiếu thốn, đội ngũ cán bộ vừa mỏng về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn.

Đại tá Lê Hồng Thủy, nguyên Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Quân y 7A chia sẻ: Những ngày đầu sau giải phóng thuốc men khan hiếm, sản xuất dược phẩm còn thô sơ. Dụng cụ y tế được tận dụng từ các vật liệu có sẵn, kể cả những viên đạn sót lại cũng được tái sử dụng để pha chế thuốc.

Bà Phan Thị Thu Hồng, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 3 nhớ lại thời điểm tiếp quản y tế quận: Dịch bệnh bùng phát, số ca tử vong tăng cao, thuốc chữa bệnh hầu như không có nhưng đội ngũ cán bộ y tế vẫn ngày đêm bám trụ, tận tụy chăm sóc người bệnh không quản ngại gian khổ, hiểm nguy.

Những năm sau đó, ngành y tế thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm vượt qua khó khăn. Với phương châm “y tế gần dân, thuận lợi cho dân”, lấy “phòng bệnh là chính”, thành phố đã thành lập hệ thống trạm y tế phường, xã, đội vệ sinh phòng dịch tại các quận, huyện. Nhờ đó, nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, dịch tả, dịch hạch, thương hàn… từng bước được kiểm soát.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng, mù lòa giảm mạnh; việc sử dụng thuốc y học cổ truyền cũng được khuyến khích nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc. Đến năm 2000, cơ bản đã loại trừ bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh; nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, bạch hầu, sởi, uốn ván giảm rõ rệt cho thấy hiệu quả của công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bứt phá mạnh mẽ, hướng tới tương lai

Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước phát triển vượt bậc, đồng bộ về nhiều mặt. Hệ thống cơ sở y tế được đầu tư hiện đại, nhiều bệnh viện quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng và đưa vào hoạt động, như: Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, 115, Nhi đồng Thành phố, Ung bướu cơ sở 2; cụm Y tế Chuyên sâu Tân Kiên…

Đây không chỉ là những thiết chế y tế hiện đại, mà còn là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư bài bản của thành phố.Trong giai đoạn 2021- 2025, thành phố ưu tiên lĩnh vực y tế với 42 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 20.426 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã có 21 bác sĩ và 43 giường bệnh/10.000 dân, 27 bệnh viện mới được đưa vào hoạt động, hàng trăm trạm y tế được nâng cấp, cải tạo, hướng đến mục tiêu phát triển đồng đều và bền vững.

Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, thành phố đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch liên tục đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường thực hành lâm sàng, cập nhật kiến thức y học tiên tiến, góp phần cung cấp hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng cho hệ thống y tế thành phố và cả nước.

Thầy thuốc Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, nguyên Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã đào tạo hơn 7.500 bác sĩ đa khoa chính quy, 2.500 bác sĩ liên thông, 11.000 điều dưỡng và hàng nghìn học viên sau đại học. Cơ sở 2 tại Tân Kiên sẽ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.Tại các bệnh viện đầu ngành, nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu được triển khai hiệu quả.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, nhiều năm qua, bệnh viện đã giảm tỷ lệ tử vong xuống mức đáng kinh ngạc, từ 10% xuống dưới 0,3%. Bệnh viện cũng tiên phong áp dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu như tiêm nội nhãn, mổ laser, ghép thận, tim và kỹ thuật ECMO mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhi...

Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố thông tin, bệnh viện đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân ung thư đầu và cổ. AI cũng được ứng dụng trong việc phát hiện tổn thương trên phim X-quang kỹ thuật số, hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh một cách nhanh chóng và chính xác. Không dừng lại ở đó, bệnh viện còn mạnh dạn đầu tư vào trang thiết bị phẫu thuật nội soi bằng robot, cho phép thực hiện các ca phẫu thuật với độ chính xác cao và giảm xâm lấn.

Định hướng phát triển thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu đưa ngành y tế trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của khu vực Đông Nam Á. Theo Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, thành phố đang triển khai Đề án “Phát triển hệ thống y tế Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực Đông Nam Á đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

Đề án nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, như: Đầu tư đồng bộ hạ tầng y tế, phát triển cụm bệnh viện chuyên sâu, chuẩn hóa đào tạo nhân lực, đẩy mạnh y học mũi nhọn, ứng dụng công nghệ hiện đại...

Với nền tảng được xây dựng vững chắc, tinh thần đổi mới sáng tạo cùng sự quan tâm, chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang vững bước tiến lên, tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật và y tế của cả nước và khu vực.