Dẫu cuộc sống ngoài đảo còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng không vì thế mà người chiến sĩ nơi “đầu sóng ngọn gió” lơ là nhiệm vụ canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Một mùa xuân đang về trên khắp nẻo quê hương. Mọi người đang hoàn tất công việc của mình để bước sang năm mới. Tết đến, xuân về cũng là lúc mọi người quây quần, đầm ấm bên gia đình và nhận những lời chúc tốt đẹp từ người thân. Nhưng đối với những người lính ở quần đảo Trường Sa, mùa xuân đến với họ thật bình dị. Gạt qua nỗi nhớ nhà và người thân, họ đang đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió để giữ gìn từng tấc đất quê hương.
Các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa có đặc điểm chung là có diện tích nhỏ, khoảng chừng vài chục km2 trở lại nằm trơ trọi giữa mênh mông sóng nước, chung quanh là những bãi san hô. Để bảo đảm cuộc sống cho các cuộc sống và yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chìm, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146 đã khẩn trương tập trung, triển khai hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đá Lát là một trong những đảo chìm được xây dựng nhà cao chân sớm nhất do đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ đoàn trưởng chỉ huy tàu HQ 611, HQ 712 triển khai công binh thực hiện và hoàn thành vào ngày 20-02-1988. Đảo Đá Lát là đảo trấn giữa cửa ngỏ Tây Nam của quần đảo Trường Sa hiện nay cũng như các đảo chìm khác đã được xây dựng nhà ở kiên cố, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao đời sống, đưa cán bộ, chiến sĩ trên đảo về gần đất liền thân yêu hơn nữa.
Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi được lên đảo Đá Lát ở lại một đêm nên có cơ hội trao đổi, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ trên đảo về cuộc sống, sinh hoạt và tâm tư tình cảm trên đảo. Mặc dù sóng gió trên biển Đông ở khu vực xung quanh đảo Đá Lát lên đến cấp 5,6 nhưng chiến sĩ xuồng CQ của tàu Trường Sa 22 vẫn hoàn thành nhiệm vụ đưa cả đoàn lên đảo an toàn. Trong buổi chiều trên trên đảo, trong lúc giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo chuẩn bị bữa cơm chiều, tôi được gặp trung úy Nguyễn Huỳnh Bảo Vân, phó đảo trưởng đảo Đá Lát là người quê ở huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã ra công tác trên đảo từ năm 2010 đến nay. Sinh năm 1984, tốt nghiệp Trường Lục quân II (Đồng Nai) vào năm 2007, Vân về công tác tại Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân đến nay. Trong cuộc trò chuyện hàn huyên đến tận khuya sau buổi cơm chiều trên đảo, trung úy Vân cho biết: Ngày đầu tiên ra đảo, vì không đi biển, anh cũng như anh em khác say sóng đến nỗi chỉ nằm miết tại chỗ cho đến khi lên đảo. Khi lên đảo thì lại bị say đảo, đầu cứ quay quay cho đến cả tuần sau mới bình thường.
Cuộc sống và sinh hoạt của lính đảo chìm trên quần đảo Trường Sa gặp hai khó khăn lớn nhất là về nước ngọt và rau xanh và nhân tố này tồn tại hoàn toàn nghịch lý với nhau. Mùa khô, trồng rau rất tốt vì ít có sóng biển nên các loại mồng tơi, rau muống, cải bẹ xanh, rau dền, sâm đất… được trồng trong khay nhựa composite cùng đất mang từ đất liền ra, phát triển rất tốt. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo có đủ rau xanh để luộc, nấu canh và ăn lẩu cá nhưng lại thiếu nước ngọt để sinh hoạt. Phần lớn nước sinh hoạt cho cả đảo đều trông cậy vào nước mưa; lượng nước ngọt tàu từ đất liền ra cấp rất hạn chế vì khoảng 3-4 tháng ra đảo một lần, nếu thời tiết xấu có thể là 6 tháng. Ngược lại, vào mùa mưa, bộ đội có đầy đủ nước ngọt thì sóng to và gió lớn sẽ tạt nước biển vào rau xanh làm cháy rụi hết. Muốn trồng được rau phải dời vườn rau đến chỗ tránh sóng và gió biển, đồng thời phải che chắn cẩn thận. Khổ nhất là biển động hay áp thấp nhiệt đới, sóng biển tung bọt nước mặn lên tận nóc nhà đảo chìm là rau cứ rụi hết. “Trong tháng vừa qua, cả đảo chăm sóc một vườn rau mọc được một tuần thì bị sóng to hất nước mặn lên vườn rau, nhìn những cây rau xanh cứ rụi dần dần mà anh em trên đảo rớt nước mắt! Xót xa lắm anh ạ!”, thiếu úy Nguyễn Hữu Có (đảo Đá Lát) chia sẻ. Còn trung úy Dương Văn Nam (đảo Thuyền Chài) tâm sự: “Rau xanh được lính trên đảo quý lắm, khi trồng được một khay rau xanh tươi tốt, chúng tôi mừng lắm!” Vào mùa này, cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm có sáng kiến là ủ giá sống và rau mầm từ hạt cải củ để thay thế rau xanh đồng thời cũng tìm cách để trồng rau. Nhìn những mầm xanh của rau mồng tơi, hành tím, rau muống và lá rau mơ… đang xanh mơn mởn như khẳng định một ý chí vươn lên mạnh mẽ của những chiến sĩ trên đảo.
Mặc dù sống trong điều kiện khó khăn về vật chất như vậy nhưng cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chìm đều cố gắng vượt qua, thiếu tá Tạ Quang Hải, chính trị viên đảo Đá Lát khẳng định như vậy. Đối với nước ngọt, bộ đội sẽ tận dụng các phương tiện sẵn có để trữ nước mưa và dè sẻn khi sinh hoạt. Lúc khó khăn, bộ đội tắm và giặt bằng nước biển, sau đó xả lại bằng nước ngọt; nước ngọt này dùng để tưới rau tăng gia sản xuất. Để cải thiện đời sống, bộ đội trên đảo còn nuôi thêm chó, gà, vịt và tăng cường đánh bắt cá biển, ốc biển cho bữa ăn thêm đa dạng. Cá biển ở các đảo chìm như Đá Lát, Thuyền Chài, An Bang mà chúng tôi ghé thăm đều có rất nhiều loại đặc sản như: cá hồng, cá chốt, cá tráp, cá mú… được bộ đội xẻ phơi khô, kho mặn hoặc bỏ tủ lạnh để ăn dần. Có lẽ nhờ vậy mà bộ đội trên các đảo chìm đều rắn chắc, khỏe mạnh, ít có bệnh tật. Thời gian gần đây, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chìm từng bước được cải thiện. Các đảo được trang bị TV thu nhận tín hiệu vệ tinh của VTC, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại… giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo giải trí và nắm bắt những thông tin trong nước và thế giới. Trên đảo có tủ sách, báo với các thể loại pháp luật, chính trị, văn học... góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Mặc dù sống và làm việc trong điều kiện khó khăn rất nhiều so với các đồng đội khác ở các đảo nỗi nhưng cán bộ, chiến sĩ ở các đảo chìm vẫn bảo đảm tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trung úy Vân (đảo phó quân sự đảo Đá Lát) cho biết: “Sẵn sàng trong mọi tình huống là nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Những dấu hiệu bất thường trên biển đều được ghi nhận, theo dõi và báo cáo kịp thời chỉ huy để có phương án xử lý kịp thời và chuẩn xác”. Ngoài nhiệm vụ, bộ đội ở các đảo chìm còn giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển quê hương. Chính vì vậy, các đảo chìm đã trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con ngư dân chúng ta giữa biển khơi. Thuyền bè của bà con ngư dân ta ra đánh cá, khai thác hải sản đều được lính đảo chìm tạo điều kiện và hỗ trợ thuận lợi nhất. “Có khi chỉ là ít nước ngọt, gạo, dầu chạy máy hoặc sơ cấp cứu tai nạn lao động trên biển nhưng đảo chìm luôn là nơi tìm đến của bà con ngư dân mỗi khi gặp khó khăn”, thượng úy Đỗ Văn Nguyên (người đã 3 lần công tác ở đảo Thuyền Chài) cho biết. Những đảo chìm như Đá Tây, Tiên Nữ… nhờ cấu tạo địa chất có “hồ lớn”, ít sóng gió hơn thường được bà con ngư dân tìm về neo đậu mỗi khi biển động.
Trong chuyến đi lần này, chúng tôi cũng được gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ ra thay đảo làm nhiệm vụ ở các đảo chìm thay cho những cán bộ, chiến sĩ hết thời gian công tác tại đảo. Có những cán bộ hải quân lần đầu ra đảo chìm và có cán bộ đã hai, ba lần ra đảo chìm công tác cũng như các chiến sĩ mới nhưng đều có chung một tư tưởng lạc quan, vững tâm nhận nhiệm vụ mới. Trung úy trẻ Bùi Văn Việt (Nam Định) vừa tốt nghiệp Trường Lục quân II năm 2010, là con một trong gia đình, ra nhận nhiệm vụ ở Đảo Đá Lát khẳng định: Em đã xác định rõ tư tưởng của người chiến sĩ Hải quân là phải hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh nào nên tâm lý rất thoải mái! Còn ở đảo Thuyền Chài và An Bang, có hai cán bộ là y sĩ Phan Hà Dũng (26 tuổi) và Nguyễn Văn Thiệu (25 tuổi) đã xếp hành trang lên đường ra đảo chìm nhận nhiệm vụ sau khi tổ chức lễ cưới vợ vừa được 3 ngày. Thiếu úy Dũng tâm sự: Vợ tôi đã hiểu rõ, thông cảm cho nghề nghiệp của mình là bộ đội Hải quân và động viên tôi lên đường làm nhiệm vụ tốt để sớm về đất liền theo quy định của đơn vị.
Chia tay với cán bộ, chiến sĩ ở các đảo đá chìm Đá Lát, Thuyền Chài, Đá Tây … trên quần đảo Trường Sa, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ anh dũng, kiên cường ở đầu sóng, ngọn gió trên đảo đã để lại ấn tượng không thể phai mờ cho chúng tôi! Khi nghĩ về họ, tôi bỗng nhớ đến lời hát “… xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân…”