Xanh hóa dòng vốn ngân hàng

Từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 16%, các sản phẩm, dịch vụ liên quan lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các dự án xanh, năng lượng tái tạo hay công nghệ sạch,… được dự báo nhiều khả năng sẽ được các ngân hàng thương mại “tung” ra cho vay ngay từ các tháng đầu năm.
0:00 / 0:00
0:00
Agribank ưu tiên nguồn vốn tài trợ các dự án “xanh hóa dệt may”. (Ảnh Thủy Anh)
Agribank ưu tiên nguồn vốn tài trợ các dự án “xanh hóa dệt may”. (Ảnh Thủy Anh)

Trong những năm gần đây, trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh đã phát triển nhanh chóng qua việc huy động vốn cho các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sạch cùng các dự án có gắn các mục tiêu môi trường nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tại Việt Nam mới đây, khi đề cập tới một số giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Chuyển đổi xanh-yêu cầu tất yếu

Những năm qua, chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từng bước xanh hóa sản xuất là một xu thế tất yếu của nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này khi mô hình kinh tế xanh hiện đã và đang được triển khai trong một số lĩnh vực như đô thị xanh, năng lượng mặt trời, thị trường tín chỉ carbon hay nổi bật là thị trường tín dụng. Cùng với xu thế chung của nền kinh tế, ngành ngân hàng đã tiên phong xanh hóa dòng vốn đầu tư, gắn mục tiêu tăng trưởng xanh vào chiến lược phát triển ngành đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trong khoảng tám năm (từ năm 2017 đến 2024), dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực kinh tế xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 20%/năm. Đáng chú ý, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang, số lượng tổ chức tín dụng tham gia tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể, nếu năm 2017 mới chỉ có năm tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh, thì đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Dư nợ tín dụng xanh hiện đạt khoảng 680 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh.

Gần đây nhất, cuối năm 2024, Vietcombank phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để tài trợ các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích về môi trường. Đây là lần đầu tiên Vietcombank phát hành trái phiếu xanh, là cột mốc quan trọng trong chiến lược quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp của ngân hàng. Tính đến hết năm 2024, dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank đạt gần 48 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2023.

Còn với Agribank, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Đến nay, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt khoảng hơn 27,8 nghìn tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank, trong 42.485 khách hàng của Agribank còn dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh, 96% số khách hàng (40.736 khách hàng) là ở lĩnh vực lâm nghiệp bền vững. Giá trị lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt 6.805 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng dư nợ tín dụng xanh và đứng thứ 2 về tỷ trọng. Dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đứng đầu với giá trị cho vay 15.330 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh. Đứng thứ 3 là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ 5.540 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV Phan Đức Tú cũng khẳng định, BIDV luôn kiên định mục tiêu phát triển tài chính xanh, xây dựng ngân hàng xanh với tầm nhìn dài hạn, xác định mục tiêu “xây dựng BIDV trở thành ngân hàng xanh, hướng tới sự phát triển bền vững” trong chiến lược phát triển hệ thống đến 2025, định hướng 2030; các chương trình hành động, các kế hoạch hằng năm luôn ưu tiên nguồn lực phát triển xanh. Hiện BIDV cũng là ngân hàng có mức dư nợ tín dụng xanh cao nhất toàn ngành với tổng dư nợ hơn 75,5 nghìn tỷ đồng tương đương gần 12% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế, tập trung vào nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nước sạch, chống biến đổi khí hậu, vận tải bền vững, dệt may, cao su, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường…

Xanh hóa dòng vốn ngân hàng ảnh 1

Agribank triển khai cho vay lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh Thủy Anh)

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, xanh hóa tín dụng là một trong những hoạt động được ưu tiên hàng đầu. Dù vậy, với dư nợ khoảng 680 nghìn tỷ đồng, tín dụng xanh mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế-một quy mô còn khá nhỏ. Nguyên nhân khiến thị trường tín dụng xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh, theo giới chuyên gia, là do còn tồn tại một số vướng mắc. Cụ thể, theo bà Hà, do chưa có bộ tiêu chí xanh cụ thể khiến việc thẩm định, cấp tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, với những dự án xanh thường có thời hạn dài, nguồn vốn lớn trong khi rủi ro cao, do đó quá trình thẩm định, cho vay của các ngân hàng phải rất kỹ lưỡng.

Nhiều đại diện các tổ chức tín dụng có ý kiến cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành cần có cơ chế, chính sách về phối hợp giữa các bộ, ngành, liên minh giữa các tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng, nhằm xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực phát triển xanh. Cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045;…

Thời gian tới, để thúc đẩy xanh hóa hoạt động ngân hàng hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, bà Giang cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và hướng dẫn kịp thời, cũng như tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình các tổ chức tín dụng thực hiện Thông tư số 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai cấp tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận vốn tín dụng xanh cho doanh nghiệp như: Cần xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận làm cơ sở để các tổ chức tín dụng có thể tra cứu thông tin nhằm đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội; hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp dần tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế;… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về tiêu chí môi trường đối với các dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh ■