Luật Dân số lần đầu được ban hành
Sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri đã kiến nghị, hiện nay, có những thay đổi khác biệt về các vấn đề kinh tế - xã hội, dân số cần pháp luật điều chỉnh để giải quyết toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Do đó, cử tri đề nghị nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Dân số năm 2003 và Pháp lệnh Dân số sửa đổi, bổ sung năm 2008 theo hướng nâng lên thành Luật Dân số.
Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã hoàn thiện nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số và có tờ trình gửi Chính phủ về việc đề nghị xây dựng Luật Dân số. Theo đó, Dự thảo Luật Dân số tập trung vào ba nhóm chính sách: Duy trì mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính và Nâng cao chất lượng dân số.
Thời gian gần đây, nhiều chính sách cũng đang được chỉnh sửa để khuyến khích sinh thêm con. Đơn cử, Bộ Chính trị yêu cầu không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3. Trong Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, Bộ Y tế đã đề xuất, mỗi cặp vợ chồng cá nhân có thể quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Ngay tại Dự thảo Luật Dân số đang xây dựng, thời gian nghỉ thai sản sẽ là 7 tháng đối với con thứ 2. Phụ nữ sinh 2 con ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp sẽ được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội. Những nội dung này đang được người lao động rất quan tâm.
Chị Nguyễn Thị Lan (28 tuổi), công nhân Công ty May Hưng Yên chia sẻ: “Trong phân xưởng của tôi, đã có nhiều trường hợp người mẹ phải nghỉ một năm sau sinh, trong đó có 6 tháng chấp nhận nghỉ không lương để chăm sóc con tốt hơn. Bởi vậy, nhiều công nhân nữ rất phấn khởi trước đề xuất khuyến khích phụ nữ sinh con thứ 2 của Bộ Y tế. Chúng tôi đến đây làm việc chủ yếu xa gia đình, nên nếu không có người thân giúp đỡ, sau khi sinh con, công nhân nữ đều phải xin nghỉ thêm!”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Chính sách khuyến khích sinh hiện nay rất cần thiết trong ngành cần nhiều lao động nữ như chúng tôi, cho dù hơi muộn. Sự thiếu hụt lao động dự báo không còn xa. Lao động nữ thường kéo dài thêm thời gian nghỉ thai sản, nên có sự thiếu hụt lao động, nhất là trong giai đoạn tăng tốc hoàn thiện đơn hàng. Tuy nhiên, khi đưa ra lựa chọn quyết định sinh thêm con, gia đình mỗi công nhân đã phải cân nhắc nhiều mặt, nên rất mong chính sách khuyến khích sinh con của Nhà nước đi kèm với việc tạo điều kiện về nhà ở, học tập của trẻ em, chăm sóc y tế…”.
Năm 2024, tỷ lệ sinh của Việt Nam là 1,91 con/phụ nữ. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp mức sinh của Việt Nam giảm dưới mức sinh thay thế (tức là dưới mức 2,1 con). Đây là mức sinh không bảo đảm duy trì nòi giống. Với mức sinh này, Việt Nam đang có tỷ lệ sinh con thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Theo dự báo kịch bản mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng và đến năm 2069, dân số bước vào giai đoạn tăng trưởng âm.
Đề xuất phụ nữ sinh đủ 2 con ở các KCN, KCX của các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp sẽ được thuê, mua nhà ở xã hội đang nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Truyền thông và Giáo dục (Bộ Y tế), đối tượng nữ làm ở khối sản xuất rất cần được quan tâm. Nhưng để làm được việc này, chúng ta phải cân nhắc cả ba khía cạnh: “Thứ nhất, chính sách phải có tính hấp dẫn. Thứ hai, cân đối quỹ lương và thai sản. Thứ ba, kết nối chính sách thai sản với chính sách khuyến sinh tổng thể”.
![]() |
Những em bé được sinh ra bằng hỗ trợ sinh sản tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội (Học viện Quân y). Ảnh: MINH TÂM |
Rào cản điều trị vô sinh
Nói đến tăng tỷ lệ sinh thì tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn cũng đang đặt ra thách thức về dân số. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng có nhiều nguyên nhân. Ở nam giới là do bất thường về chất lượng và số lượng tinh trùng; thiếu hụt nội tiết do suy tuyến sinh dục; xuất tinh sớm; xuất tinh ngược dòng. Còn ở nữ giới thường do tổn thương vòi trứng; nhiễm trùng vùng chậu; dinh dưỡng kém; lớn tuổi; rối loạn rụng trứng hay không rụng trứng; lạc nội mạc tử cung; khối u buồng trứng. Lối sống, môi trường, yếu tố di truyền... dẫn đến tỷ lệ vô sinh tăng. Bên cạnh các yếu tố bệnh lý, những thói quen xấu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, như lối sống thiếu lành mạnh, thường xuyên sử dụng các chất kích thích, lạm dụng bia, rượu, hút thuốc lá, ăn uống không khoa học...
Cùng với đó là môi trường làm việc áp lực, thường xuyên bị căng thẳng, công việc phải tiếp cận với bức xạ, sóng điện tử cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh, quá trình nuôi dưỡng tinh trùng, chất lượng buồng trứng. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục không lành mạnh, không an toàn, quan hệ tình dục khi còn quá trẻ cũng gây ra những tổn thương cho cơ thể và các cơ quan sinh sản, dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn.
Tại các bệnh viện lớn như Phụ sản T.Ư, Từ Dũ, Phụ sản Hà Nội, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội (Học viện Quân y), Đa khoa Tâm Anh… mỗi ngày tiếp nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm cặp vợ chồng đến khám và điều trị vô sinh. “Khát khao có con” khiến họ chấp nhận tiêu tốn nhiều tài sản để chạy chữa. Trường hợp của anh H, chị K là một thí dụ khi họ đã có 21 năm ròng “tìm con”. Chị được chẩn đoán suy buồng trứng, anh không có tinh trùng. “Có bệnh thì vái tứ phương”, anh chị đã từng 7 lần lặn lội vào nam, ra bắc đến các cơ sở điều trị vô sinh có tiếng để chữa trị. Mỗi lần như vậy, vừa tiền ăn ở, chi phí đi lại, chi phí điều trị đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Cuối cùng, tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội (Học viện Quân y), với kỹ thuật tiên tiến là “Tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn”, cặp vợ chồng đã có cái kết đẹp, em bé khỏe mạnh ra đời trong niềm hạnh phúc của đại gia đình.
Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng có được may mắn đó. Nhiều cặp vợ chồng dù đã nhiều lần thực hiện hỗ trợ sinh sản nhưng khi kinh tế cạn kiệt, họ không thể tiếp tục theo đuổi. Hoặc nhiều trường hợp mong muốn có con nhưng kinh tế không cho phép nên không biết bấu víu vào đâu.
So với tỷ lệ vô sinh, số ca được điều trị của nước ta còn rất thấp, phần lớn là từ rào cản chi phí điều trị, với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng một ca. GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cho biết: “Kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam phát triển rất nhanh. Nước ta có hơn 50 trung tâm có thể thụ tinh trong ống nghiệm, đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn. Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam đạt mức thành công cao, tới 60% số ca chu kỳ có thai lâm sàng. Tuy nhiên, giá dịch vụ của các kỹ thuật này cao so với thu nhập của hầu hết người dân. Quỹ Bảo hiểm y tế lại không chi trả cho dịch vụ này, nên nhiều gia đình khao khát có con mà lực bất tòng tâm”.
Do đó, GS, TS Nguyễn Viết Tiến đề xuất cần có chính sách bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị vô sinh, hiếm muộn: “Việc này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai do Quỹ Bảo hiểm y tế chỉ có mức độ. Vì vậy, nên làm từng bước. Đơn cử, các cặp vô sinh, hiếm muộn có bệnh liên quan như mổ u xơ tử cung, u buồng trứng hay các bệnh lý bất thường nhưng chưa cần can thiệp kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì bảo hiểm y tế có thể thanh toán. Khi quỹ bảo hiểm đạt mức tốt hơn thì thanh toán cả những kỹ thuật điều trị vô sinh”.
![]() |
Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ khi nhận kết quả xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Ảnh: HẢI NAM |
Nâng cao chất lượng dân số
Cùng với sự điều chỉnh những chính sách gia tăng dân số, theo các chuyên gia, cần chú trọng nâng cao chất lượng dân số bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để thực hiện thành công mục tiêu nâng cao chất lượng dân số theo yêu cầu của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
Ngày nay y học phát triển, nhiều bệnh di truyền đã được phát hiện. Theo thống kê, bệnh di truyền có tỷ lệ mắc cao nhất là tan máu bẩm sinh (thalassemia) với gần 10% dân số mang gen. Hiện nay, ở nước ta có khoảng hơn 12 triệu người mang gen bệnh và có hơn 20 nghìn người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Một người bệnh mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống. Mỗi năm, cả nước cần có hơn 2 nghìn tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị tối thiểu và cần có khoảng 500 nghìn đơn vị máu an toàn.
Để hạn chế các bệnh di truyền, một trong những chính sách được đề cập trong Dự thảo Luật Dân số là kịp thời phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu đời thông qua tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát trước sinh và sơ sinh để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.
Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội (Học viện Quân y) là đơn vị tiên phong trên cả nước phát triển kỹ thuật tiên tiến, nhiều năm qua đã thực hiện sàng lọc di truyền, điều trị hỗ trợ sinh sản cho hàng nghìn trường hợp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Từ năm 2016, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu quy trình chẩn đoán một số bệnh di truyền trước chuyển phôi để sàng lọc phôi thụ tinh trong ống nghiệm”. Cũng từ đó, Viện bắt đầu triển khai kỹ thuật sàng lọc di truyền trước làm tổ bệnh đơn gen (PGTm). Thời gian đầu, Viện chỉ sàng lọc được một vài bệnh như tan máu bẩm sinh, rối loạn đông máu di truyền, teo cơ tủy, nhưng hiện nay đã sàng lọc được khoảng 400 bệnh đơn gen. Trong đó, Viện đi đầu phát triển nhiều kỹ thuật về sàng lọc di truyền trong hỗ trợ sinh sản để giúp những gia đình mang gen bệnh không sinh ra những đứa con mang gen đó. “Cha mẹ được sàng lọc sẽ sinh ra những em bé khỏe mạnh không mang gen bệnh, không bị các bất thường di truyền. Như vậy, không chỉ làm tổng tỷ suất sinh tăng lên mà kỹ thuật hỗ trợ sinh sản còn giúp nâng cao chất lượng dân số”, Đại tá, PGS, TS, TTƯT Trịnh Thế Sơn, Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y khẳng định.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm, Việt Nam có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo, vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3 ở thế kỷ 21, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch.
Dưới góc độ xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng dân số còn đòi hỏi một đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh cần có điều kiện tốt để phát triển thể chất, học tập và có cơ hội phát triển. Thực tế đã tồn tại nghịch lý, khi có chính sách khuyến sinh thì những đối tượng sinh đẻ nhiều nhất lại rơi vào những hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người dân sinh sống ở các vùng đặc biệt khó khăn nên họ không có khả năng nuôi con, chăm sóc con cũng như cho con được học hành đến nơi, đến chốn. Tức là chất lượng dân số không bảo đảm. Điều này dẫn đến hệ quả, những đứa trẻ không có điều kiện phát triển tốt, có nguy cơ dễ vướng vào tệ nạn xã hội.
Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Truyền thông và Giáo dục (Bộ Y tế) để thực hiện việc khuyến sinh đồng thời với nâng cao chất lượng dân số cần có những chính sách đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa như gia đình đông con phải bảo đảm có chỗ ở, phát triển nhà công lập và để hệ thống đó nằm trong cùng khuôn viên với KCN để việc đưa đón con, chăm sóc con thuận lợi. Những đứa trẻ sinh ra được bảo đảm về y tế với các chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cụ thể. Tạo điều kiện về việc làm cho bố mẹ để có thu nhập nuôi dưỡng con cái. Nâng cao hệ thống giáo dục và chăm sóc trẻ em (hiện nay mới có chủ trương miễn giảm học phí cho học sinh ở bậc phổ thông, cần tiến tới miễn học phí cả ở bậc học mầm non). Ở các cấp học, cần đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình thể dục - thể thao, nâng cao sức khỏe; dinh dưỡng, sữa học đường nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc cho trẻ em trên địa bàn. Đối với người cao tuổi, cần phát triển mạng lưới chăm sóc người cao tuổi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng theo các cấp độ khác nhau…
“Phải có truyền thông thay đổi nhận thức xã hội, trong đó chống định kiến về sinh con, thúc đẩy bình đẳng giới hay chính sách dành riêng cho nhóm đối tượng đặc biệt. Thí dụ, khuyến khích sinh con với những nhóm có khả năng sinh sản tốt cũng như nhóm có kiến thức và tài chính để nuôi dạy con tốt như những người trẻ tuổi, trí thức, doanh nhân… hay từng giai đoạn, sẽ khuyến khích sinh ở thành thị hay nông thôn… tức là chính sách phải linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện tại từng khu vực một sẽ dần hóa giải được áp lực tăng trưởng âm cũng như chuyển sang giai đoạn dân số già”, bác sĩ Phương khuyến cáo.
Trong dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng gồm ba nhóm chính sách: Duy trì mức sinh thay thế, Giảm thiểu mất cân bằng giới tính, Nâng cao chất lượng dân số. Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, cần phải triển khai đồng bộ cả ba nhóm chính sách vì các nhóm này có quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời được. Nếu chú trọng chính sách nào thì sẽ ảnh hưởng đến bình diện chung. Tuy nhiên, phải triển khai theo từng giai đoạn, giai đoạn 2025-2030, ưu tiên khuyến sinh, sau đó, kiểm soát mất cân bằng giới tính rồi đặt nền móng nâng cao chất lượng dân số. Giai đoạn 2030-2040, duy trì mức sinh thay thế theo dõi sát mức sinh ở từng địa phương. Giai đoạn 2040-2060, chuyển trọng tâm sang giảm thiểu mất cân bằng giới tính và nâng cao chất lượng dân số khi mức sinh đã ổn định. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra hệ dân số vàng mới: có trí tuệ, có sức khỏe, có kỹ năng lao động tốt.
“Với trường hợp gia đình có tiền sử bệnh di truyền hay có nguy cơ như một người nào đó khi đi làm xét nghiệm máu thấy hồng cầu, huyết sắc tố giảm theo đặc trưng của bệnh tan máu bẩm sinh thì nên đi kiểm tra ngay. Đối với bệnh tan máu bẩm sinh, các cặp vợ chồng cần đi khám tiền hôn nhân để phát hiện gen bệnh. Cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân biết, Việt Nam đã có thể sàng lọc được 400 bệnh di truyền, góp phần hỗ trợ các gia đình sinh ra những em bé khỏe mạnh. Không nên ngẫu nhiên sinh ra những em bé mang gen bệnh, bởi điều này mang lại gánh nặng cho cả gia đình và xã hội”, PGS, TS, TTƯT Trịnh Thế Sơn khuyến cáo.