Gìn giữ tình cảm, trách nhiệm ấy, chính quyền và nhân dân thị xã Đức Phổ nỗ lực vươn lên đưa quê hương ngày càng phát triển vững mạnh hơn.
Ký ức về người lãnh đạo giản dị
Ông Phạm Văn Nuôi, 73 tuổi, ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, ngậm ngùi, thương tiếc khi biết tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương qua đời. Từng là du kích xã rồi bị thương nặng, ngày đất nước thống nhất ông về nhà với vết thương gắn với phần đời còn lại.
Trong tâm tưởng của ông Nuôi và bà con làng xã Phổ Khánh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo lớn của Đảng, Nhà nước nhưng thật bình dị, không có khoảng cách trong những lần trở về quê nhà.
“Bác Lương về thăm quê, bà con làng xóm và thường đến thăm các gia đình chính sách. Tôi nhớ lúc mới giải phóng bác đến nhà tôi thăm hỏi và thấy hoàn cảnh nhà cửa khó khăn. Sau đó bác nói xã, huyện quan tâm rồi tôi được hỗ trợ có nhà, có nơi ở ổn định”, ông Phạm Văn Nuôi ngậm ngùi.
![]() |
Đối với ông Phạm Văn Nuôi, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo giản dị, gần gũi. |
Sinh thời, những ngày về thăm quê, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm người già, gia đình chính sách và thăm hỏi cán bộ xã. “Cán bộ trẻ phải gần dân, sát dân, chăm lo cho đời sống nhân dân…”, những lời dặn dò của ông luôn được cán bộ cơ sở ghi nhớ để làm việc, phục vụ người dân tốt hơn. "Tôi ở gần nhà bác Lương. Nhiều lần được gặp, trò chuyện bác rất gần gũi, thân tình với bà con hàng xóm. Mỗi lần bác về quê đều đi thăm người già, gia đình khó khăn trong thôn", bà Trần Thị Giang ở xã Phổ Khánh chia sẻ.
Trong ký ức của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo giản dị, quan tâm đến đời sống, sản xuất của nông dân. Dù gánh vác trọng trách ở Trung ương nhưng ông luôn nghĩ về quê hương.
Điều đau đáu của người lãnh đạo khi Quảng Ngãi là tỉnh khó, bị tàn phá trong chiến tranh, vì vậy, luôn nhắc nhở lãnh đạo, cán bộ của tỉnh đoàn kết, phải có trách nhiệm, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần để người dân sống tốt hơn.
“Tấm gương đạo đức, quá trình phấn đấu trưởng thành của bác Lương là bài học tâm đắc với chúng tôi và các thế hệ sau này. Những lần về thăm tỉnh, bác họp rất ít, mà ưu tiên đi thăm công trình, sản xuất của bà con và công tác xây dựng tổ chức hệ thống chính trị luôn được quan tâm, nhắc nhở. Bác quan tâm đến phát triển kinh tế, nhắc nhở lãnh đạo tỉnh phải có trách nhiệm với đời sống người dân, đưa tỉnh Quảng Ngãi từng bước đi lên cùng với các tỉnh, thành trong khu vực cũng như cả nước”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối nhớ lại.
An nghỉ bên chân núi Dông Bồ, nhìn về đầm An Khê, trong không gian văn hóa Sa Huỳnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trở về quê hương cùng tấm lòng quý trọng của người làng dành cho người lãnh đạo giản dị.
Xây dựng quê hương Sa Huỳnh phát triển hơn nữa
Về với thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cũng là về với con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh nghìn năm. Đầm nước ngọt An Khê, đồng muối Sa Huỳnh, Hồ Liệt Sơn, các mỏm núi, vũng vịnh tạo nên cảnh quan nguyên sơ tuyệt đẹp, đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế là mục tiêu xuyên suốt của lãnh đạo thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ.
Để phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp ở xứ biển Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư, xây dựng hồ, đập lớn bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Các hồ chứa nước Núi Ngang, Liệt Sơn, hệ thống thủy lợi hơn 150km dẫn nước về các cánh đồng xã Phổ Cường, Phổ Khánh… phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nhân dân.
“Vùng này cao nên thường thiếu nước, đồng ruộng bỏ hoang nếu không có hồ chứa, kênh mương. Mấy năm qua khi địa phương sửa chữa, nâng cấp hồ thì sản xuất, trồng cây cũng hiệu quả hơn”, ông Phạm Văn Lợi ở xã Phổ Cường cho biết.
![]() |
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và cán bộ tỉnh Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ. |
Ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp gắn với bà con nông dân, thị xã Đức Phổ cũng tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông-lâm nghiệp sang thương mại, dịch vụ. Đến nay, thị xã có bốn cụm công nghiệp với tổng diện tích 44,8ha, cùng 16 dự án hoạt động, nộp ngân sách nhà nước 28-30 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tập trung phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm làm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh được chính quyền địa phương đẩy mạnh trong những năm qua. Năm 2024, tổng thu ngân sách 205 tỷ đồng; thu nhập bình quân từ 55-59 triệu mỗi năm; hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,2%.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế vùng biển gắn liền với di sản văn hóa Sa Huỳnh, trong những năm tới, thị xã Đức Phổ tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế biển, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Ưu tiên xã hội hóa để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp; hình thành dịch vụ hậu cần nghề cá, thu hút đầu tư sửa chữa tàu thuyền, phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm thực chất, hiệu quả hơn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa OCOP của địa phương.
![]() |
Đầm An Khê cùng di sản Sa Huỳnh là thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch của thị xã Đức Phổ và tỉnh Quảng Ngãi. |
“Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án có quy mô, sự lan tỏa nhằm đáp ứng nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thị xã theo hướng hiện đại, bền vững. Giải quyết các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội cho nhân dân”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Bùi Văn Lý khẳng định.