Bảo đảm an toàn trên không gian mạng
Cuối tháng 3/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát động phong trào này và Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ triển khai trong tháng 5/2025.
Là thành phố năng động, sáng tạo được đánh giá là trung tâm về khoa học, công nghệ của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi về chuyển đổi số. Tuy nhiên trên thực tế, để phong trào “Bình dân học vụ số” đi vào từng khu phố, từng gia đình, tất cả mọi tầng lớp nhân dân thì không đơn giản. Với một bộ phận không nhỏ người lớn tuổi, công nhân, tiểu thương…, khái niệm “chuyển đổi số” hay “kỹ năng số” vẫn còn rất mơ hồ, thậm chí gây lo lắng.
Bà Nguyễn Ngọc Phương Trà, Phó Ban Tuyên giáo-Chính sách Luật pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cho rằng: Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay, song cần tuyên truyền làm sao để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng. Thành phố cần có sự khảo sát và có lộ trình rõ ràng cho người cao tuổi, đặc biệt hướng dẫn cụ thể vấn đề bảo mật tài khoản. Thêm nữa, “Bình dân học vụ số” tất yếu phải có internet, do đó, thành phố cần quan tâm tới wifi công cộng cũng như các nhà mạng cần hỗ trợ các gói dịch vụ internet bảo đảm chất lượng đường truyền tốt với giá ưu đãi.
Hiện nay, có quá nhiều ứng dụng và mỗi ứng dụng lại có những yêu cầu riêng, thậm chí có cả bằng tiếng Anh, khiến người dân gặp khó khăn. Bà Trà cho rằng: Nên chăng tích hợp tất cả vào một ứng dụng, Việt hóa để người dân dễ dàng sử dụng. “Thành phố cần có lộ trình, mục tiêu rõ ràng để có cơ sở đánh giá cụ thể hiệu quả trong quá trình triển khai. Đặc biệt, cần có hướng dẫn cụ thể cho người dân kỹ năng sử dụng an toàn trên không gian mạng cho từng nhóm đối tượng”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Du Sanh, Phó Chủ tịch Hội ngành nghề nông nghiệp thành phố, thành viên Hội đồng tư vấn về khoa học, kỹ thuật, môi trường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố chia sẻ: Người lớn tuổi thường khó nhớ, mau quên, thành phố cần điều tra về sự hiểu biết, về hạ tầng của người dân để từ đó đặt ra chỉ tiêu phù hợp.
Tuổi trẻ thành phố sẵn sàng đi đầu
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Trương Minh Tước Nguyên cho biết: Thành đoàn xác định tuổi trẻ thành phố cần đi đầu lan tỏa tri thức số.
Thời gian qua, Thành đoàn đã tiên phong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và phong trào “Bình dân học vụ số” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai; tích cực tham gia nâng cao năng lực số cho cộng đồng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng “Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh”, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng số, xây dựng các không gian giới thiệu, kết nối công cụ, phương tiện, ứng dụng chuyển đổi số.
Theo Bí thư Đoàn phường 5, quận Bình Thạnh Nguyễn Thanh Huy, thời gian qua, Đoàn phường đã phối hợp các ngân hàng, tổ chức các buổi hỗ trợ, hướng dẫn người dân truy cập, sử dụng một số dịch vụ tiện ích trực tuyến. Phường cũng đẩy mạnh chuyển đổi số tại khu phố, xây dựng các nhóm Zalo giúp người dân dễ dàng phản ánh thông tin đến lãnh đạo phường.
Thực tế hiện nay là các cô, chú lớn tuổi còn e dè do sợ bị lộ lọt thông tin cá nhân. Do đó, thành phố cũng cần tổ chức thêm các lớp bồi dưỡng về AI (trí tuệ nhân tạo) để tạo điều kiện cho thanh niên học tập. Công tác phòng chống tội phạm trên không gian mạng cũng cần các cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lâm Đình Thắng cho rằng: Chuyển đổi số đang được ứng dụng rộng rãi và đa lĩnh vực trong đời sống xã hội. Sắp tới thành phố sẽ tổ chức lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, ra mắt đội tình nguyện công nghệ số cộng đồng.