Trong gần ba năm qua, em Trần Minh Anh, sinh viên năm thứ ba, thường xuyên đón xe buýt 47B từ nhà ở Thạch Bàn, quận Long Biên đến Trường đại học Kinh tế quốc dân. Đang ngồi trò chuyện, Minh Anh vui vẻ chia sẻ: “Em thấy đi xe buýt điện hiện nay vừa sạch, vừa an toàn, lại thêm nhân viên rất thân thiện”.
Tại một điểm chờ xe buýt ở bến xe Long Biên, quận Ba Đình, chị Nguyễn Thị Minh Ngọc đang đợi nối chuyến để đi đến công ty. Chị Ngọc cho biết: “Nhà chờ bây giờ đã khang trang hơn, các tuyến xe chạy đúng giờ. Tôi cũng hay dùng ứng dụng tra cứu tuyến xe, rất thuận tiện và người dân mong thành phố Hà Nội đầu tư nhiều tuyến xe buýt điện hơn”.
Những ấn tượng tốt đẹp từ bạn Minh Anh hay chị Ngọc là số ít trong rất nhiều lý do khiến người dân Thủ đô ngày càng tin tưởng và lựa chọn xe buýt.
Không những vậy, với chính sách giá vé tháng ưu đãi chỉ 70.000 đồng cho một tuyến và 140.000 đồng cho liên tuyến đã giúp phương tiện xe buýt trở thành một lựa chọn vừa tiết kiệm, vừa thuận tiện cho học sinh, sinh viên. Riêng chính sách ưu đãi cho những hành khách trên 60 tuổi, giá vé là miễn phí. Thêm vào đó, từ tháng 2/2025 đến tháng 1/2026, các tuyến xe điện VinBus từ E01 đến E10 còn được hỗ trợ 50% giá vé tháng đơn tuyến cho tất cả hành khách.
Trong thời gian vừa qua, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho đội ngũ lái và phụ xe.
Anh Nguyễn Văn Hùng, phụ xe hơn 10 năm nay chia sẻ: "Tôi thấy ngày càng có nhiều học sinh, người đi làm và người cao tuổi lựa chọn xe buýt vì sự tiện nghi và thuận lợi cho hành khách đi lại. Không còn cảnh chen lấn, nói chuyện lớn tiếng hay thiếu kiên nhẫn, mà thay vào đó, hành khách ngày càng thể hiện sự văn minh và thân thiện hơn".
![]() |
Đa dạng loại hình xe buýt phục vụ hành khách Thủ đô. |
Năm 2025, Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành 15 tuyến xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, với tổng cộng 226 xe điện và 139 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG), chiếm 19,7% tổng số xe buýt đang hoạt động trên toàn thành phố.
Vừa qua, VinFast cũng giới thiệu mẫu xe buýt điện cỡ nhỏ EB 6, với hai phiên bản: xe buýt điện đô thị (30 chỗ) và xe chuyên chở học sinh (20 chỗ), tích hợp các công nghệ giám sát hiện đại, bao gồm hệ thống điểm danh tự động, camera giám sát và dây an toàn cho từng ghế, góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa tình trạng bỏ quên trẻ em trên xe.
Không chỉ tập trung vào việc đầu tư phương tiện mới, Hà Nội còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác tổ chức, quản lý và vận hành hệ thống xe buýt. Cùng với đó hệ thống vé điện tử đã được triển khai liên thông, phục vụ hơn 20 triệu lượt khách chỉ trong ba tháng đầu năm, mang lại doanh thu hơn 200 tỷ đồng.
Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết: “Tính đến hết quý I/2025, tổng số tuyến buýt thí điểm áp dụng thẻ vé điện tử liên thông trên toàn mạng lưới là 28 tuyến, tăng 3 tuyến so năm 2024, chiếm 22,2% tổng số tuyến. Ngoài ra, hệ thống xe buýt Thủ đô đã vận chuyển được 54 triệu lượt hành khách... Đây là một cơ sở quan trọng để nhân rộng ra toàn bộ mạng lưới vào cuối năm 2025”.
![]() |
Xe buýt điện sạch sẽ, hiện đại. |
Hạ tầng giao thông thông minh (ITS) và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang được tích hợp vào công tác giám sát và điều hành hệ thống xe buýt. Công nghệ hiện đại không chỉ cải thiện độ chính xác và độ tin cậy của dịch vụ, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và trải nghiệm của hành khách.
Ngoài ra các đơn vị chức năng đã xử lý hơn 32.000 phản hồi từ người dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và trải nghiệm của hành khách.
Tuy nhiên, xe buýt Hà Nội vẫn gặp phải những thách thức như chi phí vận hành xe điện cao và tình trạng ùn tắc tại một số khu vực nội thành, nhất là vào giờ cao điểm, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.
Để tháo gỡ những khó khăn đó, Transerco đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tối ưu lộ trình và đầu tư hạ tầng. Đồng thời, Transerco cũng điều chỉnh 37 lộ trình, chiếm 29,3% tổng số tuyến hiện có, với mục tiêu rút ngắn thời gian di chuyển và giảm ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, ứng dụng tra cứu thời gian xe đến và lộ trình giúp hành khách chủ động đến điểm chờ, tạo tâm lý thoải mái...
![]() |
Nhà chờ xe buýt được đầu tư khang trang, sạch sẽ. |
Trong giai đoạn 2025-2026, Hà Nội dự kiến đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây dựng mới và nâng cấp các nhà chờ, điểm dừng xe buýt hiện có. Ngoài ra, việc lắp đặt các trạm sạc năng lượng tại các bến xe và bãi đỗ đang được tiến hành khẩn trương để phục vụ cho sự phát triển của đội xe điện.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, để xanh hóa đoàn phương tiện xe buýt thì vai trò tiên phong của đơn vị quản lý lĩnh vực, cụ thể là Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố, Sở Xây dựng và các doanh nghiệp vô cùng quan trọng.

Tăng tốc “xanh hóa” hệ thống xe buýt
Để thực hiện mục tiêu này, Transerco đang nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng để đầu tư, đổi mới phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Transerco, cho biết: “Việc ngân hàng cam kết cấp tín dụng với chi phí lãi vay ưu đãi cho các dự án đầu tư phương tiện sử dụng năng lượng xanh của Transerco giúp chúng tôi có thể sớm hiện thực hóa lộ trình chuyển đổi sang xe buýt điện”.
Từ việc mạnh dạn đầu tư vào các phương tiện sử dụng điện, ứng dụng công nghệ số vào quản lý và vận hành, đến việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và làm hài lòng trải nghiệm của hành khách, Hà Nội đang cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ trong việc kiến tạo một mạng lưới giao thông công cộng văn minh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu di chuyển của người dân và đóng góp vào mục tiêu phát triển đô thị bền vững của Thủ đô.