Hiện đại hóa hệ sinh thái giao thông công cộng thông minh

Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, lấy người dân làm trung tâm; đồng thời, đẩy mạnh xu thế phát triển giao thông thông minh theo đúng định hướng chuyển đổi số.
0:00 / 0:00
0:00
Sử dụng thẻ thanh toán liên thông trên các phương tiện giao thông công cộng là xu hướng quản lý giao thông đô thị thông minh.
Sử dụng thẻ thanh toán liên thông trên các phương tiện giao thông công cộng là xu hướng quản lý giao thông đô thị thông minh.

Sau vài ngày Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng ứng dụng MultiGo trên thiết bị điện thoại, đã có hơn 200.000 lượt người tải về sử dụng để tra cứu các thông tin các tuyến xe buýt, lịch trình, giờ đến của xe tại các điểm dừng. MultiGo còn hỗ trợ người dùng tìm kiếm hành trình tối ưu trong lộ trình di chuyển kết hợp giữa xe buýt, hệ thống đường sắt đô thị (metro), xe đạp công cộng và xe công nghệ.

Em Nguyễn Thanh Chương, sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật chia sẻ: Ứng dụng MultiGo dễ thao tác và tra cứu, nhất là tìm kiếm lộ trình và điểm đến. Theo đó, người dùng chỉ cần nhập điểm đi và điểm đến, ứng dụng sẽ gợi ý lộ trình tối ưu, kèm theo hướng dẫn chi tiết tuyến xe buýt cần đi, điểm lên hay xuống và thời gian dự kiến. Điều này, giúp tiết kiệm thời gian cho hành khách đi lại, nhất là chủ động theo dõi thời gian xe buýt đến trạm tránh chờ đợi quá lâu.

Nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mới đây, Sở Xây dựng đã phát hành thẻ MultiPass dùng thanh toán liên thông cho các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, metro, buýt đường sông. Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Nguyễn Thị Dạ Thảo chia sẻ: Tính năng thanh toán không tiền mặt trên ứng dụng MultiGo cho phép hành khách đăng ký mở thẻ MultiPass phi vật lý ngay trong ứng dụng. Do đó, MultiPass hơn cả một phương thức thanh toán, giúp kết nối và số hóa hành trình di chuyển trong đô thị.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, hiện hệ thống thẻ vé điện tử được triển khai lắp đặt, vận hành trên tuyến Metro số 1 và 1.000 phương tiện thuộc 62/108 tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố. Mục tiêu quý II/2025, thành phố sẽ triển khai đồng bộ thanh toán điện tử trong giao thông công cộng. Thành phố thực hiện các loại hình thanh toán điện tử trên tuyến Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên, tiến tới loại bỏ hoàn toàn tiền mặt thanh toán trong giao thông công cộng.

Hiện nay, hệ thống xe buýt của thành phố đang khai thác 138 tuyến, gồm 108 tuyến có trợ giá và 30 tuyến không trợ giá, với hơn 2.200 phương tiện hoạt động, thực hiện khoảng 14.000 chuyến/ngày, vận chuyển trung bình gần 300.000 lượt hành khách.

Để quản lý hiệu quả dữ liệu và nâng cao công tác điều hành vận tải hành khách công cộng, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố đang duy trì hoạt động hiệu quả của Trung tâm điều hành trực tuyến. Trung tâm này sử dụng dữ liệu từ hệ thống GPS và camera giám sát trên xe để theo dõi trực tuyến khoảng 14.000 chuyến xe mỗi ngày. Đồng thời, hệ thống còn được hỗ trợ bởi màn hình tường giám sát tổng thể và đường dây nóng 1022 nhằm kịp thời cung cấp thông tin, hỗ trợ hành khách. Tất cả xe buýt đều được trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình GPS, camera giám sát và hệ thống ra trạm tự động nhằm hỗ trợ thông tin cho hành khách theo đúng quy định.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Lê Hoàn: Hệ thống quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (BMS) đóng vai trò trung tâm trong việc số hóa và điều phối hoạt động của toàn bộ 138 tuyến xe buýt, gần 4.500 điểm dừng và khoảng hơn 2.000 phương tiện thuộc các tuyến buýt có trợ giá. Hằng ngày, hệ thống tiếp nhận và đối soát dữ liệu giám sát hành trình của khoảng 14.000 lượt chuyến, phục vụ công tác kiểm tra và bảo đảm chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, trung tâm còn triển khai hệ thống kiểm soát và xác nhận chuyến xe thông qua công nghệ RFID, được lắp đặt tại các điểm đầu và cuối tuyến. Hệ thống này hiện đang thực hiện xác nhận hơn 900 chuyến xe buýt mỗi ngày trên bốn tuyến có trợ giá gồm: tuyến số 4, 27, 33 và 65. “Trung tâm đã phát triển phần mềm số hóa công tác kiểm tra hoạt động xe buýt hằng ngày, cho phép kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm tra và thống kê chi tiết kết quả làm việc. Ứng dụng công nghệ giúp tăng cường tính minh bạch, phòng ngừa các hành vi tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ nhân viên”, ông Hoàn chia sẻ.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2025-2030, sở và trung tâm đặt mục tiêu triển khai lệnh vận chuyển điện tử, thay thế hoàn toàn quy trình giấy tờ thủ công, rút ngắn thời gian và tăng khả năng giám sát lộ trình vận hành. Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) sẽ giúp dự báo nhu cầu hành khách, phát hiện sớm các bất thường và đề xuất điều chỉnh tần suất, lộ trình xe buýt theo thời gian thực. Trong tương lai gần, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tích hợp thanh toán điện tử liên thông toàn hệ thống, từ xe buýt, metro đến bãi đỗ xe và các phương tiện kết nối khác, hình thành hệ sinh thái giao thông công cộng thông minh, toàn diện.

Với định hướng chiến lược này, Thành phố Hồ Chí Minh rất nỗ lực và quyết tâm thay đổi bộ mặt giao thông công cộng. Trong đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong công tác quản lý và vận hành để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.