Xu hướng và giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới

Sau hơn 30 năm đổi mới, văn học, nghệ thuật nước ta đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức thể hiện, đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện sáng tác, lý luận, phê bình, sản xuất, trình diễn, quảng bá tác phẩm…

Xuất hiện nhiều xu hướng ở nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật với những tín hiệu tích cực cũng như biểu hiện tiêu cực cần được nhận diện, phân tích, đánh giá; từ đó tìm ra các giải pháp thúc đẩy văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục phát triển.

Bức tranh văn học, nghệ thuật nước ta hiện nay khá sôi động, đa dạng trên cả bình diện sáng tác, tiếp nhận tác phẩm lẫn nghiên cứu, lý luận, phê bình, làm phong phú đời sống tinh thần, văn hóa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tiếp nhận ngày càng cao của đại bộ phận nhân dân. Tuy nhiên, dưới tác động của kinh tế thị trường, của chủ trương xã hội hóa, của công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế, đã có thêm nhiều loại hình văn học, nghệ thuật mới ra đời, tác động đến các xu hướng vận động văn học, nghệ thuật hiện nay. Bên cạnh những xu hướng tích cực, đã xuất hiện không ít những vấn đề, hiện tượng phức tạp cần được phân tích, lý giải như: xu hướng thương mại; xu hướng bạo lực, giật gân, câu khách; xu hướng tập trung phê phán cái xấu, cái ác; xu hướng thể nghiệm, cách tân hình thức, cải biên; xu hướng nghệ thuật đại chúng; xu hướng hậu hiện đại… Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vừa tổ chức tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã chỉ ra một số xu hướng nổi bật trong đời sống văn học, nghệ thuật đương đại.

Có thể khẳng định, xu hướng tiếp nối, đổi mới, cách tân trên nền tảng truyền thống vẫn đang đóng vai trò chủ đạo mà dòng chủ lưu là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, phản ánh chân thực cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân. Dù viết về đề tài lịch sử, chiến tranh hay cuộc sống đương đại, các tác giả đã dựa trên nền tảng mỹ học truyền thống để lý giải và tìm câu trả lời cho những vấn đề của dân tộc, nhân sinh, góp phần đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái lạc hậu, thấp hèn, vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội, trong đó con người giữ vị trí trung tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó cũng xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại, đó là thái độ dễ dãi, lệch lạc, xuyên tạc lịch sử; thổi phồng những mặt tiêu cực, đen tối của cuộc sống hiện tại vì những mục đích ngoài văn chương.

Xu hướng cách tân hình thức ngày càng được các tác giả (trong đó có nhiều tác giả trẻ) tìm tòi, thể nghiệm, thể hiện sự nhạy bén với cái mới, tìm những phương thức biểu đạt mới như là đòi hỏi tất yếu của sáng tạo và bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong xu hướng này cũng xuất hiện những tác phẩm chỉ cốt “lạ hóa”, khác người, sao chép hình thức hời hợt, cho thấy sự tiếp thu không đến nơi đến chốn, thiếu chọn lọc các trào lưu văn học, nghệ thuật từ bên ngoài.

Đáng chú ý, xu hướng thị trường ngày càng tác động đến đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay. Sự tác động của cơ chế thị trường và quy luật thị trường đối với đời sống xã hội mang tính tất yếu và không có gì là xấu. Mặt tích cực của nó là tạo ra các nguồn lực và động lực cho văn học, nghệ thuật phát triển. Tuy nhiên, với mục đích tạo ra lợi nhuận cao nhất có thể và khuynh hướng thương mại hóa đã dẫn đến việc sáng tác, quảng bá tác phẩm chiều theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng để cho ra đời những sản phẩm giật gân, câu khách, bạo lực…, gây tác động bất lợi cho đời sống văn học, nghệ thuật và văn hóa xã hội.

Hiện, thị hiếu tiếp nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật của công chúng có xu hướng ngày càng phân hóa mạnh mẽ; xuất hiện sự đan xen phức tạp giữa thị hiếu lành mạnh, tiến bộ với xu hướng hiếu kỳ, a dua, lệch lạc.

Nguyên nhân và các yếu tố tác động đến những xu hướng vận động nêu trên đã được phân tích, làm rõ tại Hội thảo, đó là: sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật; tác động của nền kinh tế thị trường; tác động của quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế; ảnh hưởng to lớn của cuộc cách mạng công nghệ thông tin toàn cầu đối với văn học, nghệ thuật... Bên cạnh đó, các tham luận tại Hội thảo cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan thuộc về bản lĩnh, tài năng, ý thức trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ; những hạn chế nhất định trong tư duy, phong cách lãnh đạo, quản lý của Nhà nước với văn học, nghệ thuật. Văn hóa được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế - xã hội, trong đó văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa nhưng nhận thức và hành động của nhiều cấp ủy, chính quyền còn bất cập, chưa có sự quan tâm đúng mức…

Từ những phân tích trên, các nhà văn, nhà khoa học, nghiên cứu đã kiến nghị bốn nhóm giải pháp cho sự phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tư duy, phong cách lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Đề nghị Nhà nước tiếp tục thể chế hóa mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Cần khẩn trương xây dựng cơ chế tham vấn chuyên gia trước những hiện tượng văn học, nghệ thuật mới nảy sinh, tránh xử lý vội vàng, áp đặt; khẳng định niềm tin, bảo đảm quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Thứ hai, thúc đẩy sự phát triển của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Cùng với việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, cần triển khai các giải pháp cụ thể nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phê bình, trong đó tập trung nâng cao ý thức nghề nghiệp của người làm công tác này; tạo đột phá trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Thứ ba, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật, nhất là những tài năng trẻ. Đối với những người sáng tác trẻ có triển vọng, cần có những hình thức riêng phù hợp để tài năng được phát huy. Bên cạnh đó, cần tạo đột phá về cơ chế, chính sách để thu hút, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường văn hóa, nghệ thuật; đổi mới giáo trình; có chính sách ưu đãi tuyển sinh, đào tạo và giải quyết đầu ra cho sinh viên ngành văn học, nghệ thuật… Thứ tư, bồi dưỡng, định hướng, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ. Cần có chương trình cụ thể, hấp dẫn để dạy cho các em học sinh biết phân biệt cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật, biết thưởng thức các giá trị văn học, nghệ thuật; nâng cao chất lượng sách giáo khoa, các chương trình văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng; khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà phê bình, văn nghệ sĩ tham gia vào việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng.