Triệt phá hàng lậu, Thực phẩm “bẩn”
Chi cục Hải quan khu vực II (trước đây là Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết:
Ngay từ đầu năm 2025, toàn đơn vị đã tăng cường tuần tra, kiểm soát tất cả các tuyến, địa bàn trọng điểm; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới.
Kết quả, bốn tháng đầu năm 2025 đã phát hiện, bắt giữ 595 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính hơn 4.298 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 64 tỷ đồng; khởi tố hình sự một vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố sáu vụ.
Điển hình, vừa phát hiện Công ty TNHH xuất, nhập khẩu thương mại dịch vụ vận tải An Khang (địa chỉ ở 29/16 Lê Đức Thọ, Phường 7, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) xuất lậu qua cảng Cát Lái hai container thuốc lá điếu, trị giá gần 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi cục đã chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ sáu vụ vi phạm về ma túy qua tuyến đường hàng không, bưu chính. Theo Sở Công thương thành phố, tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp.
Đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp như tăng cường kiểm tra đột xuất tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại và kho chứa hàng hóa phát hiện nhiều vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu: kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng nguyên liệu hết hạn hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng để chế biến; vi phạm về nhãn hàng hóa và điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong hai tháng gần đây, lực lượng Quản lý thị trường thành phố phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, tiêu biểu như: Tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc trị giá gần 4,5 tỷ đồng tại thành phố Thủ Đức, xử phạt 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm; phát hiện gần bảy tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại Quận 12…
Ngoài ra, qua theo dõi trên mạng xã hội, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn một tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép, xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ.
Mới đây, ngày 14/5, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện một điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây (Quận 6) bày bán hàng chục hộp yến sào tinh chế tổng trị giá gần 60 triệu đồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại Quận 8, một điểm kinh doanh khác cũng bị phát hiện hơn 100 gói bột thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ được giới thiệu và rao bán trên một website thương mại điện tử.
Đáng chú ý, ngày 19/5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên (27 tuổi, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều đối tượng liên quan khác để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng.
Đây là hoạt động nằm trong chuyên án điều tra vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm (kẹo rau củ Kera) và lừa dối người tiêu dùng liên quan đến Công ty cổ phần Asia Life và Công ty cổ phần Chị Em Rọt.
Tăng cường mở đợt truy quét hàng gian, hàng giả
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về mở đợt cao điểm đấu tranh, truy quét và ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ (từ 15/5 đến 15/6/2025), Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Nguyễn Quang Huy cho biết: Chi cục đã và đang tăng cường mở đợt truy quét, đẩy lùi nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, không rõ xuất xứ…
Để kiểm soát tình trạng này, lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh kiểm tra đột xuất tại các khu vực nổi cộm, như: chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và kho chứa hàng hóa…
Cùng với đó, xây dựng giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam…
Để tăng hiệu quả quản lý và răn đe, Chi cục Quản lý thị trường đề xuất công khai danh tính cơ sở vi phạm, tăng mức xử phạt tiền, chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu nghiêm trọng, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động và xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm liên ngành.
Ngày 15/5 vừa qua, Chi cục Hải quan khu vực II ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát và kiểm soát chống chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch, chi cục áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan nhằm kiên quyết ngăn chặn tình trạng chống gian lận, giả mạo xuất xứ. Tập trung kiểm tra các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng gia công (nếu là gia công cho thương nhân nước ngoài) hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, vật tư trong nước (nếu mua trong nước)…
Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra thực tế dây chuyền sản xuất, số lượng nguyên vật liệu đầu vào, thành phẩm đầu ra, máy móc, số lượng nhân công, lượng tiêu hao điện và nước trong quá trình sản xuất, kho chứa hàng sản xuất...
Trường hợp cần điều tra mở rộng các đối tác cung cấp đầu vào, nguyên vật liệu sản xuất cho nhà xuất khẩu, đoàn kiểm tra báo cáo các cấp có liên quan để kịp thời chỉ đạo tiếp tục quá trình điều tra.