Xuất khẩu hàng hóa đứng trước nhiều thách thức

Kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội những tháng gần đây có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu do các doanh nghiệp tăng tốc trong thời hạn 90 ngày hoãn thuế đối ứng của Hoa Kỳ, dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (Hanoi Plastics - HPC). (Ảnh SƠN TÙNG)
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (Hanoi Plastics - HPC). (Ảnh SƠN TÙNG)

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính chung 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp khu vực kinh tế trong nước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,5 tỷ USD, tăng 18%. Kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng có tăng trưởng cao, chủ yếu thuộc các doanh nghiệp FDI, như: máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 34,1%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,074 tỷ USD, tăng 5,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 26,4%; hàng dệt may 899 triệu USD, tăng 13,7%... Ông Nguyễn Hoàng Tùng, chuyên gia cao cấp Bộ phận Phân tích kinh tế và thị trường tài chính Ngân hàng Techcombank nhận định, hiện doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu các đơn hàng trong thời gian đàm phán mức thuế quan với Hoa Kỳ. Vì vậy, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng đột biến những tháng gần đây, nhất là trong tháng 5/2025 để có thể vận chuyển đường biển kịp thời hạn. Nhìn nhận về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) Nguyễn Công Cường cho biết: Kinh tế, chính trị toàn cầu tiếp tục có nhiều biến động, “cơn bão thương mại” lan rộng, thuế quan leo thang… đặt ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. Chưa kể, các nền kinh tế lớn tiếp tục đưa ra nhiều quy chế giám sát khắt khe về xuất xứ, tiêu chuẩn môi trường… Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều lúng túng. Đại diện Phòng Xuất nhập khẩu-Thị trường và thương nhân nước ngoài (Sở Công thương Hà Nội) nhận định, hoạt động xuất khẩu còn có nhiều yếu tố bất lợi như bất ổn chính trị và xung đột vũ trang giữa các nước diễn biến khó lường; thiên tai, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa ổn định chuỗi cung ứng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, gây áp lực lên giá hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt gần đây, Chính phủ Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam và nhiều quốc gia, gây tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường lớn nhất của Việt Nam cũng như Hà Nội.

Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đạt 7% trở lên trong năm 2025, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến, thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia, nhất là các nước lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như diễn biến các cuộc xung đột thương mại để kịp thời tham mưu biện pháp ứng phó phù hợp. Sở cũng tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại xuất khẩu bằng nhiều hình thức như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp xuất khẩu, định hướng xuất khẩu trên địa bàn thành phố. Tích cực tư vấn cho doanh nghiệp phổ biến về các FTA nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hiểu rõ về các quy định và cam kết trong từng lĩnh vực. Qua đó, khai thác hiệu quả, tận dụng ưu đãi từ FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để giảm giá thành so với các nước khác nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Ngành công thương Hà Nội sẽ tích cực tổ chức các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại trong nước để định hướng xuất khẩu; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm tại các nước nhằm tìm kiếm đối tác, bạn hàng và nắm bắt xu thế của thế giới.

Trưởng phòng Xuất nhập khẩu-Thị trường và thương nhân nước ngoài (Sở Công thương Hà Nội) Trần Thị Thanh Hoa cho biết thêm, bên cạnh nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu vẫn có nhiều thuận lợi. Thời gian gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành bốn nghị quyết quan trọng về phát triển khoa học-công nghệ, xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế trong tình hình mới, được xem như “Bộ tứ trụ cột” thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, còn có Nghị quyết số 198/2025/QH15 về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ba năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Đây là những chính sách nhằm hỗ trợ, đồng hành, do đó các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận để tận dụng tốt nhất sự hỗ trợ này

Có thể bạn quan tâm

back to top