150 ngày giành giật sự sống cho bệnh nhân nhiễm trùng màng tim

NDO - Trải qua 150 ngày căng thẳng, các bác sĩ đã giành giật sự sống cho người bệnh 63 tuổi, nhiều lần đối mặt với “cửa tử” do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng dẫn đến xuất huyết não, suy tim, suy thận.
Bệnh nhân hồi phục sức khỏe.
Bệnh nhân hồi phục sức khỏe.

Bệnh nhân N.T.L đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 5 trong tình trạng sốt 38 độ, người lạnh run từng cơn, không đáp ứng thuốc hạ sốt sau 20 ngày tự điều trị tại nhà. Siêu âm tim phát hiện hở, hẹp van động mạch chủ nặng, van động mạch chủ hai mảnh, hở van hai lá trung bình, giãn động mạch chủ lên, tăng áp phổi, giãn thân động mạch phổi.

Kết quả cấy máu xác định ông L. bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (nhiễm trùng màng trong tim) do vi khuẩn Enterococcus Gallinarum.

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là tình trạng van tim hoặc các van bị viêm do vi khuẩn xâm nhập vào máu đến tim. Bệnh không điều trị kịp thời gây ra các biến chứng hở van cấp tính, giãn buồng tim, rung nhĩ, áp xe trong tim. Trường hợp các mảnh sùi lớn di chuyển, làm tắc nghẽn mạch máu trong não có thể gây đột quỵ não, triệu chứng gồm nói khó, nói đớ, liệt, yếu hoặc tê một bên người.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc, khoa Nội Tim mạch, cho biết, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng do E.Gallinarum rất hiếm gặp, y văn thế giới hiện ghi nhận hai trường hợp trong đó một người đã tử vong. Diễn tiến bệnh phức tạp, biến cố xảy ra liên tiếp, bệnh nhân nhiều lần đối diện nguy cơ tử vong, cứu sống được là kỳ tích.

Phác đồ điều trị ban đầu là dùng kháng sinh kiểm soát tình trạng bệnh. Sau gần một tháng đáp ứng thuốc, bệnh nhân đột ngột mất tri giác, khó thở, suy hô hấp lúc nửa đêm. Bác sĩ Ngọc cùng ê-kíp cấp cứu, đặt nội khí quản, chụp MRI xác định bệnh nhân xuất huyết não, lập tức chuyển vào phòng hồi sức tích cực (ICU).

Ông L. phải thở máy, nhưng tình trạng nhiễm trùng không cải thiện. Ê-kíp buộc phải đổi phác đồ do vi khuẩn kháng thuốc. Vấn đề khó khăn lớn nhất lúc đó là liệu rằng việc đổi kháng sinh có điều trị được trường hợp viêm nội tâm mạc nhiễm trùng do E.Gallinarum không đáp ứng thuốc không. Nhóm chuyên gia nghiên cứu các tài liệu và khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội Tim mạch châu Âu. Sau khi đổi phác đồ, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, bệnh nhân cai thở máy.

Tình trạng bệnh diễn tiến tích cực trong khoảng một tháng, song ông L. lại có dấu hiệu khó thở, yếu liệt một bên người. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não lần hai trên một vùng khác, kèm suy hô hấp do viêm phổi, đưa vào phòng hồi sức tim mạch (CCU), tiếp tục thở máy. May mắn người bệnh vẫn đáp ứng phác đồ điều trị, lần thứ hai vượt qua “cửa tử”.

Tuy nhiên, kết thúc đợt điều trị 35 ngày bằng kháng sinh phổ rộng, ông Lâm lại khó thở. Triệu chứng trở nên nghiêm trọng, ông chỉ ngồi thở, không thể ngủ nằm. Bác sĩ xác định nguyên nhân do vi khuẩn tấn công van tim, làm cho tổn thương van tim ngày càng nặng hơn, dẫn đến suy tim, suy thận.

150 ngày giành giật sự sống cho bệnh nhân nhiễm trùng màng tim ảnh 1

Bệnh nhân tập phục hồi chức năng.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thúc Khang, Phó khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm Tim mạch cho biết, nếu không mổ, bệnh nhân sẽ tử vong do suy tim nặng độ 4, đột quỵ và nhiễm trùng có thể tái diễn, suy thận tiến triển.

Khi người bệnh được điều trị đủ liệu trình kháng sinh, tình trạng nhiễm trùng tạm thời được kiểm soát, tình trạng nhồi máu não tạm ổn, bệnh nhân được đưa vào phẫu thuật.

Sau nhiều lần hội chẩn nội bộ, hai lần hội chẩn đỏ toàn viện và liên viện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, thống nhất phẫu thuật tim cứu bệnh nhân. Chiến lược ca mổ phải “hết sức nhanh chóng, chính xác”.

Ê-kíp với sự tham gia của Tiến sĩ, bác sĩ Văn Hùng Dũng, Phó khoa Ngoại, Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, lên kế hoạch chi tiết, dự phòng tình huống xấu nhất.

Kíp mổ thay van động mạch chủ bằng van sinh học, sửa van hai lá. Do tình trạng của bệnh nhân nặng, suy tim, suy thận nặng, chúng tôi cố gắng thực hiện cuộc mổ nhanh nhất, nhằm rút ngắn thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể. Ca mổ nằm trong dự liệu, kết thúc sớm hơn dự kiến.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân về phòng hồi sức với các thông số huyết động tạm ổn, không có biến chứng ngoại khoa như chảy máu, tràn dịch màng tim, rò quanh van… Chức năng co bóp của tim cải thiện, van nhân tạo hoạt động tốt, van hai lá sửa tốt. Về hoạt động của thận, bệnh nhân đã được chuẩn bị lọc thận ngay sau mổ, tuy nhiên chức năng thận phục hồi khá tốt nên các biện pháp hỗ trợ chưa cần đến. Ông Lâm tiếp tục được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng theo phác đồ sau mổ 4 tuần.

Bác sĩ Khang đánh giá ca mổ thành công nhờ điều trị nội khoa tích cực trước và sau mổ, phối hợp nội-ngoại khoa, gây mê, hồi sức tim sau mổ, trang thiết bị hồi sức đầy đủ, sẵn sàng.

Hiện bệnh nhân tập vật lý trị liệu, sức khỏe dần phục hồi, đủ điều kiện xuất viện. Sau xuất viện tái khám tuần một lần, kéo dài ba tháng sau phẫu thuật.