Ai “theo dõi” bánh kẹo trôi nổi!

Buổi chiều gần cổng trường, hai phụ huynh vừa đợi đón con vừa kể về những mối lo quanh câu chuyện bánh kẹo không rõ nguồn gốc.
0:00 / 0:00
0:00

Một người nói về việc gây xôn xao cộng đồng gần đây: Hàng tấn bánh kẹo bị bỏ lại trong một bãi rác ở làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Số bánh kẹo này, mặc dù vẫn còn nguyên vẹn trong bao bì nhưng lại không rõ nguồn gốc thế nào…

Thật đáng lo ngại - phụ huynh thứ nhất lên tiếng - cả đống bánh kẹo đó có thể là những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, có thể gây hại cho sức khỏe. Làm sao chúng ta biết được liệu con mình có thể vô tình ăn phải những thứ như vậy không?

Phụ huynh còn lại gật đầu đồng tình: Mỗi ngày tôi đều thấy các hàng tạp hóa quanh trường bày bán đủ loại bánh kẹo với giá rẻ, bao bì đẹp mắt, thu hút trẻ em. Nhưng làm sao có thể yên tâm rằng chúng an toàn? Đặc biệt là khi không thấy ghi thông tin rõ ràng về nguồn gốc, thành phần hay hạn sử dụng…

Câu chuyện ấy làm tôi không khỏi băn khoăn. Dường như, cuộc sống hiện đại và nhịp sống gấp gáp đang tạo cơ hội cho những sản phẩm không rõ “lý lịch” xâm nhập vào thị trường, khiến cho các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng về những món ăn vặt mà con em họ rất dễ tìm mua hằng ngày. Các loại bánh kẹo này không chỉ ở hàng tạp hóa, mà còn được bán ngay tại các cổng trường học. Sự việc ở La Phù chỉ là một trong nhiều thí dụ về những nguy cơ tiềm ẩn từ sản phẩm không rõ nguồn gốc. Trẻ em, với sự tò mò và hứng thú ăn vặt, trong khi lại thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm, rất dễ bị cuốn hút vào những sản phẩm này mà không hề hay biết.

Đáng lo ngại nữa là các cơ sở sản xuất bánh kẹo giả mạo, kém chất lượng thường dùng những bao bì bắt mắt, dễ thu hút trẻ em và bán với giá cực kỳ rẻ. Đứng trước mối nguy hiểm này, việc cảnh giác và chủ động bảo vệ sức khỏe cho con em là trách nhiệm của mỗi phụ huynh. Đầu tiên, cần phải nâng cao nhận thức về nguy cơ từ các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Cha mẹ, người lớn trong gia đình cần tìm hiểu kỹ về các sản phẩm mà con em mình sử dụng, đòi mua. Cần giải thích rõ để trẻ em không ăn những sản phẩm có bao bì không rõ ràng, không có nhãn mác đầy đủ, không rõ nguồn gốc. Tốt nhất là không cho con mang theo tiền khi đi học. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là ở những khu vực gần trường học, nơi mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của trẻ em rất lớn. Việc xử lý nghiêm các hành vi buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Câu chuyện về đống bánh kẹo bị bỏ lại trong bãi rác tại xã La Phù không chỉ là một sự việc đơn lẻ mà còn là lời cảnh báo nghiêm túc về sự bùng nổ của các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.