Lo chuyện văn, thể, mỹ cho trẻ em

Một số định hướng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước gần đây liên quan đến giáo dục phổ thông có những điểm mới tích cực, nhân văn rất đáng ghi nhận và cần nghiên cứu thực hiện, dù biết rằng, để chuyển đổi, điều chỉnh cũng không phải đơn giản.
0:00 / 0:00
0:00

Thí dụ như cho trẻ học 2 buổi/ngày miễn phí; hỗ trợ bữa trưa cho các cháu; tăng cường giáo dục lịch sử, văn hóa nghệ thuật để học sinh quan tâm hơn đến truyền thống, hiểu biết hơn về cha ông, có cơ hội phát triển năng khiếu, biết thưởng thức nghệ thuật…

Dư luận cũng rất quan tâm đến những vấn đề này và đã có nhiều ý kiến trao đổi, gợi mở. Có những băn khoăn, trăn trở, bàn cách làm thế nào để thúc đẩy các điều kiện thuận lợi, tạo thêm được những cơ hội tốt nhất cho thế hệ tương lai.

Với thực tế học tập của trẻ được dư luận, báo chí phản ánh, bình luận lâu nay, có thể thấy một số vấn đề mấu chốt cần được chính quyền các địa phương, ngành giáo dục, nhà trường… quan tâm xử lý khi triển khai đổi mới, bổ sung các hình thức hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục cho trẻ. Trong đó, rất cụ thể, để tăng thời gian ở trường cho trẻ và kèm theo đó một bữa ăn trưa hay ăn nhẹ thì phải bảo đảm về không gian, cơ sở vật chất cho trẻ vui chơi, ngủ nghỉ, bảo đảm nguồn kinh phí để tổ chức nhà bếp, mua thực phẩm, thuê nhân công đun nấu, phục vụ. Để tăng cường giáo dục lịch sử, cần có nhiều hơn các hoạt động dã ngoại, tham quan di tích, danh thắng, bảo tàng; thậm chí “đưa” bảo tàng, di tích, sử liệu… đến trường, lớp thông qua sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ hay các phương tiện, thiết bị sáng tạo. Hoặc, để trang bị nhiều loại kỹ năng cho các cháu liên quan đến phòng, chống các nguy cơ hỏa hoạn, động đất, bị quấy rối, bị đe dọa, tấn công hay đối mặt nhiều nguy cơ trên không gian mạng…, cũng phải cần các hoạt động chuyên môn có sự hỗ trợ của chuyên gia, đơn vị chức năng, phương tiện kỹ thuật… Cũng như vậy, giáo dục nghệ thuật như cho trẻ chọn lựa học đàn, hát, vẽ, nhảy múa, biểu diễn hoặc theo các môn thể thao, phải có một lực lượng không ít các thầy, cô giáo có chuyên môn hay như một số gợi mở là các ca sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ, vận động viên… nhằm hướng dẫn cho các cháu.

Bao quát tất cả các đòi hỏi trên, rất cần sự khoa học, hợp lý của công tác tổ chức, phát triển và quản trị cơ sở vật chất trong nhà trường. Cũng như xuyên suốt, “truyền lực” để khởi sự và duy trì hiệu quả thì phải có nguồn tài chính. Ngân sách nhà nước, địa phương, chi phí từ gia đình, nguồn xã hội hóa… là những nguồn lực mà ngành giáo dục, các nhà trường rất cần nghiên cứu, tính toán phù hợp. Nhưng để làm được những cái mới thiết thực cho trẻ mà không đội chi phí của không ít gia đình vốn đã nhọc nhằn về việc học hành của con em, là cả một bài toán lớn. Phải chăng trong xu thế đòi hỏi, thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố, thì trách nhiệm chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng của các địa phương phải được đề cao hơn nhiều nữa! Và các sở, ngành giáo dục nên phát huy vai trò hạt nhân trong việc tranh thủ, huy động các nguồn lực liên quan để “tiếp sức”, vì sự bồi bổ văn, thể, mỹ… cho học sinh vốn vẫn còn những bất cập lâu nay.