Những tháng ngày trong bóng tối
Chúng tôi có mặt tại làng Canh Tiến vào một buổi chiều muộn, khi ánh nắng vàng vọt chiếu lên những ngôi nhà sàn nằm nép mình giữa núi rừng. Tiếng trẻ con nô đùa vang vọng trên con đường đất bụi mờ. Nhưng chỉ sau vài giờ nữa, mọi âm thanh ấy sẽ lặng đi, chìm vào bóng tối, bởi ở đây, điện vẫn còn là giấc mơ xa vời.
Dường như nơi đây đêm tối đến nhanh hơn bình thường. Khi mặt trời khuất sau những rặng núi, mọi sinh hoạt gần như chấm dứt. Không có điện, các gia đình nghèo phải thắp đèn dầu, một số nhà đốt củi để có chút ánh sáng. Nhưng ánh sáng yếu ớt ấy không đủ để duy trì cuộc sống một cách bình thường. Cái nghèo ở Canh Tiến không chỉ đến từ địa hình cách trở, mà còn từ sự thiếu vắng nền tảng cơ bản để phát triển. Không điện nghĩa là không có cơ hội, không có cách nào để vượt qua vòng lặp thiếu thốn đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ.
Bà Đinh Sa (75 tuổi), người đã dành phần lớn cuộc đời sống trong cảnh thiếu điện kể lại, trước đây khi trời tối, mọi người chỉ quanh quẩn trong nhà. Bước ra ngoài thì tối đen như mực. Tôi đi đâu cũng phải mang theo đèn pin. Trẻ con học bài cũng chỉ có thể ngồi sát vào ngọn đèn dầu leo lét, mà nhiều khi cũng chẳng đủ dầu để thắp.
Trời tối, làng rơi vào sự tĩnh lặng kỳ lạ, không phải vì người dân muốn nghỉ ngơi, mà vì không có lựa chọn nào khác. Trẻ em học bài khó khăn, người già không dám đi lại vì sợ vấp ngã, mọi hoạt động gần như "đóng băng" sau hoàng hôn. Không có điện, người dân cũng chỉ có thể làm nông nghiệp theo cách truyền thống. Họ làm nương rẫy, nuôi vài con gà, trồng lúa một vụ/năm và phụ thuộc vào "nước trời". Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay, không có máy móc hỗ trợ. Anh Đinh Văn Hà, người dân làng tâm sự, ngoài kia người ta dùng máy bơm nước, máy xay lúa, còn chúng tôi thì làm tất cả bằng tay. Mỗi lần cần nước, tôi phải gánh từng gánh lên rẫy. Không có điện, tôi không thể mở rộng chăn nuôi, cũng không thể có một cuộc sống tốt hơn.
Không có điện cũng đồng nghĩa với việc không có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Thịt, cá, rau củ chỉ có thể tiêu thụ trong ngày. Muốn bán hàng cũng không được vì chợ xa quá, giao thông khó khăn, lại không thể giữ thực phẩm lâu ngày. Không có điện cũng đồng nghĩa với việc học sinh không thể tiếp cận tri thức như những nơi khác. Em Đinh Thị Mận (học sinh lớp 6) ngập ngừng nói, có những hôm con không đủ dầu để học bài. Mỗi lần phải viết chữ dưới ánh sáng yếu, con rất mỏi mắt. Con chỉ ước lớp học của mình có điện, có máy chiếu như trường học ngoài thành phố.
![]() |
Nhân viên điện lực thao tác đấu nối điện cho dân làng. |
Cuộc sống sang trang mới
Ngày 26/4/2025, làng Canh Tiến chính thức hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Điện về mang theo sự đổi thay chưa từng có. Trưởng thôn Đinh Văn Tào phấn khởi, từ nay, điều kiện sinh hoạt và sản xuất sẽ cải thiện đáng kể, mở ra cơ hội phát triển mới. Đặc biệt, cùng với điện lưới quốc gia, hạ tầng giao thông được nâng cấp sẽ giúp bà con thuận lợi hơn trong mọi mặt đời sống và phát triển kinh tế.
Chia sẻ về sự kiện mang tính lịch sử với người dân Canh Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết: Việc hoàn thành dự án không chỉ có ý nghĩa với riêng làng Canh Tiến mà còn mở ra một bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Từ nay, người dân đã có điện lưới quốc gia ổn định, chất lượng cao, phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, học tập… thay cho việc phải sống nhờ vào điện mặt trời hay máy phát điện diesel không ổn định, chi phí cao. Tới đây, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hạ tầng viễn thông cùng đường giao thông kết nối, tạo nền tảng vững chắc cho Canh Tiến phát triển.
Chúng tôi rời Canh Tiến khi mặt trời bắt đầu lặn, nhưng lần này không phải trong bóng tối mà trong ánh sáng của ánh đèn chiếu rọi trên những ngôi nhà sàn. Trẻ em chạy trên đường làng, vẫy tay chào khách bằng những nụ cười háo hức. Ngày hôm nay, làng Canh Tiến không còn là vùng đất khuất lấp giữa núi rừng mà đã khởi động những bước đi hòa nhập vào sự phát triển của khu vực.