50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Thầy thuốc nơi tuyến lửa

Trong ký ức của những người lính từng băng qua chiến trường miền nam, giữa tiếng bom rơi, đạn nổ, giữa rừng già hun hút và những trận đánh ác liệt, luôn có hình bóng một lực lượng đặc biệt. Họ không cầm súng nhưng cũng chiến đấu kiên cường, không ra trận nhưng cũng đổ máu hy sinh. Đó là các y, bác sĩ, dược sĩ, cán bộ y tế đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các y, bác sĩ trong chuyến về thăm Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh).
Các y, bác sĩ trong chuyến về thăm Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh).

Đặt nền móng cho y tế cách mạng

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, đầu quý II năm 1964, Ban Dân y miền nam ra đời gánh vác sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, cán bộ và nhân dân vùng giải phóng. Những người đầu tiên đặt nền móng cho Ban dân y miền nam phải kể đến bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Trần Hữu Nghiệp và Dương Quỳnh Hoa. Mỗi người đều mang trong mình những câu chuyện đặc biệt về sự hy sinh, lòng dũng cảm và nhiệt huyết cách mạng. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã dành cả cuộc đời cho việc xây dựng mạng lưới y tế cách mạng tại miền nam. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ trực tiếp chỉ huy Ban trong những năm tháng ác liệt nhất, không ngại hiểm nguy, trực tiếp cứu chữa thương binh tại các trận địa nóng bỏng nhất. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một trí thức lớn, luôn tận tụy đào tạo đội ngũ y tế ngay giữa rừng già bom đạn. Còn bác sĩ Dương Quỳnh Hoa là một tấm gương từ bỏ cuộc sống an nhàn để hòa mình vào cuộc chiến với quyết tâm cứu chữa đồng bào, chiến sĩ ruột thịt.

Để xây dựng hệ thống y tế cách mạng, hàng nghìn bác sĩ, dược sĩ, y tá miền bắc đã lên đường vào nam. PGS, TS Nguyễn Văn Kình, Trưởng ban liên lạc Ban Dân y miền nam tại khu vực phía bắc, một trong những người đặt nền móng cho chuyên ngành gen trị liệu Việt Nam nhớ lại: Chúng tôi đi bộ suốt 6 tháng, vượt Trường Sơn, băng rừng qua nước bạn Lào, Campuchia, lần theo từng vệt lá giao liên bẻ sẵn. Leo dốc đá, nhịn đói, ngủ rừng, cái chết lúc nào cũng chực chờ. Đoàn chúng tôi đi có 60 người thì 25 người đã ngã xuống. Nhưng giữa lằn ranh sinh tử, ý chí quyết tâm vẫn lớn hơn tất thảy bởi miền nam đang chờ. Thời điểm này, Ban Dân y miền nam tập trung cứu chữa thương bệnh binh và chống sốt rét - căn bệnh làm suy giảm lực lượng rất lớn. Bộ máy dân y được tổ chức chặt chẽ, từ điều trị, phòng bệnh, tuyên truyền, đào tạo, đến chăm sóc sức khỏe cơ sở. Khi vùng giải phóng mở rộng, lực lượng dân y càng gánh thêm nhiều trọng trách phát triển hệ thống y tế và phòng, chống dịch bệnh quy mô lớn.

Nhớ lại những năm tháng đi giữa đạn bom để giữ mạch sống chiến trường, bác sĩ Nguyễn Đức Doanh - nguyên Giám đốc Sở Y tế Thái Bình chậm rãi kể: Cuối năm 1967, tôi cùng đồng đội đi vào chiến trường phục vụ chiến dịch Mậu Thân. Vào đấy chỉ mang theo một lòng vì Tổ quốc. Chúng tôi vừa điều trị, chăm sóc thương binh, vừa sản xuất, làm hậu cần, có lúc làm cả giao liên. Bệnh viện dã chiến liên tục di chuyển, ẩn mình trong lòng đất, giữa rừng sâu. Nhiều đồng chí bị bắt, có người hy sinh. Nhưng chính trong gian khổ ấy, ý chí chiến đấu và niềm tin chiến thắng trong chúng tôi càng được tôi luyện bền bỉ”.

Thầy thuốc nơi tuyến lửa ảnh 1

PGS, TS Nguyễn Văn Kình trong chiến trường Đông Nam Bộ năm 1969.

Những điều phi thường trong gian khó

Giữa chiến trường khốc liệt, những ca phẫu thuật diễn ra trong điều kiện ánh sáng chỉ có ngọn đèn dầu leo lét hoặc ánh lửa lập lòe. Dao kéo đơn sơ, có khi phải hơ trên lửa để tiệt trùng. Mọi thao tác mổ xẻ, cầm máu đều dựa vào kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn. Bên ngoài, quân thù lùng sục, từng trận càn quét không ngừng nghỉ, nhưng bên trong sự sống vẫn được giành giật khỏi tay thần chết bằng ý chí kiên cường của những chiến sĩ áo trắng. Hoạt động dưới sự bao vây của cả quân Mỹ và Ngụy, có giai đoạn các bệnh xá của Ban Dân y miền nam phải tránh sang Campuchia, Lào.

Bác sĩ Lê Anh Đào nghẹn ngào kể lại: “Không có đủ bông băng, chúng tôi dùng lá rừng để cầm máu. Không có thuốc kháng sinh, chúng tôi sắc cây thuốc nam, vừa cứu chữa vừa cầu nguyện cho bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Lúc bấy giờ cả một bệnh viện hàng nghìn thương binh không có một kỹ thuật xét nghiệm. Một y sĩ điều trị hàng trăm bệnh nhân. Một bác sĩ vừa điều trị, vừa mổ xẻ suốt ngày đêm... Nhưng đau thương nhất là khi đêm xuống, tiếng bom ngừng lại, chúng tôi lặng lẽ đi chôn cất đồng đội đã hy sinh.

Có một hình ảnh xúc động mà đến hôm nay bà Đặng Thị Vân, y tá bệnh xá Trung đoàn 592, Đoàn 559 Trường Sơn vẫn không thể nào quên. Đó là đêm cấp cứu thương binh, bà mệt lả, ngủ thiếp trên chiếc chân vừa cưa của một thương binh.“Khi tỉnh dậy thấy máu còn thấm ướt cả khuôn mặt mình. Những ký ức ấy không bao giờ quên được. Nó nhắc tôi mãi về tình đồng chí, đồng đội sâu sắc giữa lằn ranh sinh tử của chiến tranh”, bà Vân xúc động kể lại.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, mạng lưới y tế cách mạng nhanh chóng lan rộng, hình thành các bệnh viện dã chiến, trạm xá sơ cứu tại hầu hết các mặt trận quan trọng. Trong điều kiện khốc liệt của cuộc kháng chiến, nhiều điều phi thường về mặt y học đã được tạo nên từ những con người bé nhỏ, bình thường. Một trong những số đó phải kể đến việc sản xuất vaccine. Công tác tại Phòng Vi trùng C4 - nơi được ví như một “Viện vệ sinh dịch tễ thu nhỏ” của Ban Dân y miền nam, bác sĩ Phạm Vân Thu kể: Nhiệm vụ của C4 trải rộng từ sản xuất vaccine, bảo quản chủng vi khuẩn, đến phát triển các tổ hóa học, tổ môi trường phục vụ nghiên cứu. Thời điểm đó, vaccine đậu mùa là quan trọng nhất. Chúng tôi phải dựng phòng vô trùng bằng nylon, dùng đèn dầu để sấy tủ, mua trâu về tắm rửa sạch sẽ, sát khuẩn rồi cạo cạnh sườn để nuôi cấy virus. Sau khoảng ba ngày, khi đậu mùa mọc lên bắt đầu thu hoạch.

Nhờ những phương pháp thô sơ mà đầy sáng tạo, lực lượng dân y đã sản xuất được vaccine đậu mùa, tả, thương hàn… để phục vụ bộ đội trên khắp các chiến trường. Ngoài ra, BS Thu còn cùng với đồng nghiệp mày mò nghiên cứu cô đặc nước mắm để làm dung dịch truyền, sản xuất tinh chất nghệ điều trị vết thương. Không có mẫu thử, các bác sĩ tự thử trên chính cơ thể mình trước khi đưa ra chiến trường.

Giữ mãi tinh thần người lính

Bên cạnh cứu chữa thương binh, Ban Dân y miền nam còn là chỗ dựa y tế duy nhất cho nhân dân vùng giải phóng. Trong các cuộc càn quét, giặc không chỉ tàn sát chiến sĩ mà còn gây thương vong lớn cho người dân vô tội. Những em nhỏ bị bom đạn giật mất chân tay, những người mẹ mất con, những cụ già hoảng loạn trong lửa khói... đều tìm đến bệnh xá dã chiến của Ban Dân y như nơi cứu rỗi cuối cùng. Có những lúc, chỉ trong một đêm, hàng chục người dân bị trúng pháo được đưa đến, máu loang đỏ cả sàn đất. Bác sĩ và y tá phải làm việc suốt nhiều giờ liền không nghỉ, cố gắng giành giật lại từng sinh mạng. Tuy nhiên, bản thân họ cũng phải đối mặt với sống chết nơi chiến trường.

Dược sĩ Nguyễn Thu Hà, từng công tác tại Tổng kho dược C83 Ban Dân y miền nam, cửa hàng trưởng dược Samát (Tây Ninh) và Lộc Ninh (Bình Phước) xúc động chia sẻ: “Chúng tôi đối mặt với muôn vàn thiếu thốn. Thiếu lương thực, thiếu thuốc men, thiếu phương tiện, thiếu cả kỹ thuật. Chiến tranh mà, dù về vùng giải phóng để dựng nên những cửa hàng dược, chúng tôi vẫn không tránh khỏi bom rơi đạn lạc. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã ra đi mãi mãi, nằm lại nơi chiến trường khốc liệt ấy”.

Nhắc đến Ban Dân y miền nam, không thể không nhớ tới bác sĩ Đặng Thùy Trâm - người con gái Hà Nội đã để lại những trang nhật ký bất tử. Nhưng còn đó biết bao câu chuyện chưa kể, những mảnh đời thầm lặng với tinh thần “lương y như từ mẫu” nơi chiến trường. Lật giở những trang nhật ký riêng mình, dược sĩ Nguyễn Ánh Tuyết chia sẻ: “Đây là cuốn sổ được Chi đoàn tặng thưởng năm 1972, ghi dấu sự phấn đấu không ngừng của tôi khi công tác tại Ban Dân y miền nam. Tôi dành cuốn sổ này để viết những tình cảm, vần thơ tự sáng tác, sưu tầm những câu nói của các danh nhân thể hiện lý tưởng cách mạng và cả những dòng lưu bút của các đồng chí thương binh đang điều trị. Thỉnh thoảng đọc lại, như tự tiếp thêm sức mạnh cho mình”.

Bước ra từ bom đạn, những chiến sĩ áo trắng vẫn tiếp tục phát triển nền y tế hiện đại trong hòa bình. Họ mãi là những tượng đài sống động, truyền ngọn lửa lý tưởng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nửa thế kỷ trôi qua, các y, bác sĩ năm xưa nay tóc đã bạc, mắt đã mờ, người trẻ nhất cũng đã ngoài 70 tuổi. Vừa trở về từ chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, PGS, TS Nguyễn Văn Kình kể: “Chúng tôi vẫn lạc quan, còn hẹn sẽ gặp lại nhau vào dịp kỷ niệm 100 năm giải phóng miền nam!”. Câu nói giản dị mà thấm đẫm nghĩa tình ấy như một lời hẹn ước, tiếp nối những ký ức đẹp đẽ không bao giờ lùi tắt.