Sinh năm 1942, là người dân tộc Tày của quê hương Bạch Thông, từ nhỏ ông Tấn đã ham học, thích mày mò tìm hiểu. Năm 1965, khi đang là kế toán của Hợp tác xã tại địa phương, ông Tấn tình nguyện xin nhập ngũ. Nhắc về thời điểm ấy, ông Tấn trầm ngâm: Quyết tâm lắm đấy vì lúc đấy đời sống khó khăn, vợ còn trẻ, hai con nhỏ thằng 5 tuổi, thằng 2 tuổi, tôi đi là ở nhà sẽ gian nan nhiều hơn.
Qua ba tháng huấn luyện tại Bắc Kạn, ông Tấn theo đơn vị được phân công bảo vệ cầu An Phú (tỉnh Thái Nguyên). Năm 1967, ông Tấn được cử đi học Trung cao cơ điện, khi ra trường được phân công công tác tại Cục quản lý xe Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng, sau đó về đơn vị T201, phục vụ sửa chữa xe đặc chủng. Từ đây, ông luôn đồng hành cùng các đơn vị tại nhiều chiến trường để sửa chữa xe đặc chủng và hỗ trợ chiến đấu. “Thời ấy thiếu thốn đủ thứ, vũ khí, máy móc mỗi cái đều hết sức quý giá, chúng tôi mà chưa sửa được là áy náy nên ai cũng suy nghĩ, thức đêm, thức hôm để làm. Nhờ có những gian nan đầu tiên ấy mà sau này gặp cái khó là tôi giữ bình tĩnh được, cứ từ từ làm, kiểu gì cũng ra, sửa chữa máy móc là phải linh hoạt, sáng tạo”, ông Tấn bồi hồi nhớ lại.
Ông cười bảo: “Nói ra có khi lớp trẻ hiện nay không tin, nhưng ngày ấy thiếu đến mức không có cả giẻ lau. Mà cái nghề sửa chữa như tôi, dầu máy lem nhem, người bẩn thì được chứ máy có lúc vẫn phải lau mới lắp vào được. Thế là hai bên ống tay áo và ống quần cứ ngắn dần, cắt ra để lau đấy. Sửa được một thứ là vui lắm, vì đồng đội mình lại có vũ khí, có xe để đi. Có lần chúng tôi đi thu hồi xe của địch, bị hỏng thì đem về sửa. Những chiếc bị hỏng nặng quá, tôi thay, ghép, kết hợp với nhau để sử dụng tiếp”.
“Quân địch mạnh lắm, vũ khí tối tân và rất hiện đại. Năm 1971, tôi còn chưa biết cây nhiệt đới của địch ra sao nên đã suýt chết hụt. Lần ấy, tôi cùng đơn vị đi thu hồi xe, đi qua cây nhiệt đới, rồi đến một rừng kín thì cho anh, em dừng lại nghỉ. Ai ngờ đâu máy bay địch theo định vị chỉ vài phút sau là kéo đến, chúng thả bom xuống. May mắn làm sao bên cạnh chỗ chúng tôi dừng là vực sâu, bom lại rơi và nổ ở đấy nên không ai bị thương”, ông Tấn kể lại.
Năm 1972, khi đơn vị ông đang phục vụ sửa xe, lúc ấy nhiều xe hỏng phải dùng cẩu để đưa xe lên. Đúng lúc ấy máy bay B52 của địch ném bom, một người hy sinh. Thương đồng đội, anh em đi nhặt những chiếc hòm đạn để đóng lại thành quan tài. Đến khi làm sắp xong, thì một ông cụ người Vân Kiều đi qua, bảo rằng con trai có chuẩn bị cho ông một chiếc bằng gỗ tốt để sau này, nhưng giờ cụ cho để chôn cất bộ đội. Cả đơn vị ai cũng rơm rớm nước mắt.
Tạm biệt căn nhà rợp bóng cây, chúng tôi đi qua cánh đồng mênh mông, gặp những em bé đeo khăn quàng đỏ rộn rã đi học về. Lời kể bồi hồi của người anh hùng vẫn văng vẳng: “Ngày 30/4/1975, chúng tôi đang ở Biên Hòa để sửa chữa, biết tin chiến thắng, ai nấy vui đến mức hò hét suốt đêm…”.
Từ năm 1967 đến năm 1973, ông liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng. Năm 1973, khi đơn vị công tác ở tỉnh Quảng Bình, ông Tấn được tuyên dương và nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND.