50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Lịch sử hào hùng trên trang báo năm xưa

LTS: Trên những trang báo nhuốm màu thời gian, không khí, bối cảnh lịch sử của một dấu mốc không thể nào quên phần nào được tái hiện sinh động sau tròn nửa thế kỷ. Ông Nguyễn Phi Dũng, người gây dựng kho tàng báo chí đặc biệt đã được ghi nhận kỷ lục Việt Nam chia sẻ về tư liệu trên những trang báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân quý giá. Thời Nay xin được giới thiệu cùng bạn đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh Sài Gòn mừng chiến thắng trên báo Quân đội nhân dân ngày 5/5/1975. Tư liệu do nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng lưu giữ.
Hình ảnh Sài Gòn mừng chiến thắng trên báo Quân đội nhân dân ngày 5/5/1975. Tư liệu do nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng lưu giữ.

Trên trang nhất Báo Nhân Dân phát hành ngày 1/5/1975 là dòng chữ lớn mầu đỏ Hoan hô Sài Gòn giải phóng. Phía dưới là những dòng tít dồn dập: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sáng qua, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. 11 giờ 30, cờ cách mạng tung bay trên phủ tổng thống ngụy. Đồng bào thành phố Hồ Chí Minh nổi dậy nô nức xuống đường cùng bộ đội giải phóng giành quyền làm chủ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp mừng chiến thắng. Hà Nội tưng bừng, dạt dào niềm vui thắng lợi.

Trong số này, bài Xã luận gợi những suy ngẫm và niềm hân hoan sau ngày non sông thống nhất:

… Từ nay nước Việt Nam ta hoàn toàn độc lập, tự do. Nhân dân ta hoàn toàn làm chủ đất nước và cuộc sống của mình. Lịch sử dân tộc ta và cách mạng Việt Nam đang viết sang chương mới. Một giai đoạn phát triển rực rỡ của dân tộc ta đã bắt đầu. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã thực hiện trọn vẹn Di chúc của Bác Hồ kính yêu, làm cho nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do…

… Thắng lợi của miền Nam cũng là thắng lợi của quân đội và nhân dân cả nước ta, của miền Bắc, hậu phương lớn và miền Nam, tiền tuyến lớn. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh hùng, của quân đội vô địch của nhân dân ta, Đảng Lao động Việt Nam vĩ đại và quang vinh.

Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2/5/1975 in dòng tít đậm Cuộc tổng tiến công, tổng khởi nghĩa đã toàn thắng, sáng 1-5, cả miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Bài Sự phát triển kỳ diệu của cuộc tổng tiến công ở mục Bình luận quân sự có những đúc kết, đánh giá về dấu mốc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước:

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam nổ ra từ đầu tháng 3-1975 đến nay đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lịch sử chiến tranh giải phóng của dân tộc ta, lịch sử chiến tranh thế giới, như một trong những cuộc tiến công rất đặc sắc, và cũng có thể nói là hiếm có.

… Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta là dựa vào cơ sở cách mạng, lực lượng quần chúng mạnh ở khắp nơi, cả ở nông thôn và thành thị. Chúng ta có hậu phương hùng mạnh, có tiền tuyến kiên cường, có lực lượng chính trị và lực lượng quân sự gồm 3 thứ quân hùng hậu, có những đội dự bị rất cơ động và mạnh, có lực lượng tại chỗ dày dạn kinh nghiệm, có đội ngũ cán bộ tài giỏi.

… Cuộc tổng tiến công là sự nỗ lực phi thường của nhân dân ta và các lực lượng vũ trang cách mạng nước ta. Đây không phải chỉ là sức mạnh của một cục bộ nào, mà là sức mạnh của cả nước đã ra sức chi viện mọi mặt cho tiền tuyến giành toàn thắng về ta.

Báo Quân đội nhân dân ngày 14/5/1975 tiếp tục có bài lớn, tổng hợp Diễn biến cuộc tổng tấn công và nổi dậy đại thắng mùa xuân 1975: 55 ngày đêm, tiến hành 3 chiến dịch lớn, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bài báo kết lại với đoạn:

Như vậy, qua 55 ngày đêm tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1 triệu 10 vạn quân địch (có gần 70 vạn quân chính quy), làm tan rã toàn bộ lực lượng phòng vệ, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ 4 quân đoàn ngụy gồm 13 sư đoàn bộ binh, lính nhảy dù, lính thủy đánh bộ, 6 sư đoàn không quân, 22 sư đoàn hải quân, toàn bộ lực lượng pháo binh, thiết giáp; thu toàn bộ vũ khí, cơ sở thiết vị và phương tiện chiến tranh của địch. Quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân sự, xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam nước ta.

Lịch sử hào hùng trên trang báo năm xưa ảnh 1

Trang nhất Báo Nhân Dân ra ngày 7/5/1975. Tư liệu do nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng lưu giữ.

Trong lịch sử gần nghìn năm của mình, chưa bao giờ Hà Nội vui như hôm nay là câu mở đầu bài viết Hà Nội chung niềm vui lớn với Sài Gòn trên Báo Nhân Dân số ra ngày 1/5/1975, biểu trưng cho cảm xúc của cả dân tộc, khi bắc nam về chung một nhà:

Hàng trăm người có mặt đã hò reo như sấm dậy khi một cán bộ tay cầm bút run run tô màu đỏ lên vùng Sài Gòn trên tấm bản đồ miền Nam treo trước câu lạc bộ Thống Nhất. Tiếng pháo cùng một lúc nổ dậy khắp thành phố. Khói pháo từ các phố Hàng Trống, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng… bay tím khắp mặt hồ Hoàn Kiếm. Cả Hà Nội xuống đường. Các phố chật cứng người, xe cộ trong phút chốc bị ứ lại ở nhiều ngã tư, ngã ba. Đâu đâu chúng tôi cũng gặp những đoàn tuần hành, những đoàn xe rực rỡ cờ hoa, những đoàn múa lân. Tiếng loa truyền tin chiến thắng hòa với tiếng nhạc Giải phóng miền Nam, tiếng trống chiêng, tiếng hò reo không lúc nào dứt…

… Một cuộc mít tinh mừng Sài Gòn hoàn toàn giải phóng đã được tổ chức ngay tại đài kỷ niệm những người đã hy sinh trong trận máy bay B.52 của giặc Mỹ giội bom xuống đường phố Khâm Thiên trong đêm 26-12-1972. Trên hai vạn học sinh và giáo viên các trường đại học và phổ thông mặc quần áo đẹp với những lá cờ đỏ sao vàng, cờ Chính phủ cách mạng miền Nam, chân dung Bác Hồ cùng các khẩu hiệu: “Hoan hô Sài Gòn giải phóng”, “Tổ quốc Việt Nam anh hùng muôn năm” đã diễu hành trên các phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng và quanh hồ Hoàn Kiếm.

Hình ảnh Sài Gòn sau ngày giải phóng hiện lên chân thực, nao nức niềm vui, hừng hực khí thế trong những dòng mô tả trong bài Những nét ghi nhanh đầu tiên từ Sài Gòn giải phóng gửi ra trên Báo Nhân Dân số ra ngày 2/5/1975:

Dòng thác người cuồn cuộn trên các ngả đường phố Sài Gòn cuốn chúng tôi đi, giữa một ngày hội lớn huy hoàng của đất nước. Hàng chục vạn đồng bào reo mừng chào đón chúng tôi, vây quanh xe, nắm lấy tay thăm hỏi, mang quà bánh tặng các chiến sĩ Quân giải phóng. Một má tuổi đã cao, mang nước chạy theo xe, cố nài chúng tôi uống. Má vừa chạy vừa reo: “Hoan hô bộ đội chiến thắng trở về với nhân dân”.

Trong mạch ghi nhanh Sài Gòn ngày đầu giải phóng, có tin Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng và đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn giải phóng bắt đầu hoạt động, và Điện, nước vẫn chạy đều.

Trong đêm giải phóng đầu tiên, cả thành phố Sài Gòn bao la vẫn sáng ánh điện. Ở mỗi nhà, mỗi đường phố, nước mát vẫn chảy. Sở chữa cháy thành phố sẵn sàng hoạt động ngày đêm. Một vụ cháy nhỏ ở bệnh viện Nhi Đồng đã kịp thời được dập tắt. Tại bệnh viện Từ Dũ, 45 cháu cất tiếng khóc chào đời trong ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng.

Ngày 15/5/1975 trở thành ngày hội lớn trên cả nước đón mừng đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Sự kiện này được tái hiện sinh động bằng những câu trần thuật trong bài Cả nước vui mừng trong ngày hội lớn. 70 vạn nhân dân Hà Nội họp mít tinh, diễu hành mừng chiến thắng vĩ đại của cách mạng nước ta. Diễu binh lớn ở Sài Gòn, hàng triệu nhân dân xuống đường trên trang nhất Báo Nhân Dân số ra ngày 16/5/1975:

… Hôm qua 15/5, cả nước ta từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau tưng bừng mở hội mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Việt Nam Tổ quốc ta từ nay sạch bóng quân thù. Niềm vui lớn tràn ngập non sông đất nước. Hà Nội rực rỡ cờ hoa, ảnh Bác Hồ, và giòn giã tiếng pháo mừng thắng lợi.

… Ôi những phút giây mừng rơi nước mắt! / Suốt đời Người chỉ có một hôm nay… (thơ đồng chí Lê Đức Thọ)

Trong không khí tưng bừng của ngày hội, xúc cảm cũng có những khoảnh khắc lắng xuống khi hình ảnh người mẹ liệt sĩ xuất hiện. Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời, hy sinh niềm yêu thương lớn nhất là những người con cho phút giây độc lập, thống nhất của non sông Tổ quốc:

Cái phút giây lịch sử ấy khiến mẹ Phạm Thị Nghiêm, ở phố Trần Nhân Tông, Hà Nội cũng xuống đường. Bà là mẹ của hai liệt sĩ Bùi Ngọc Dương và Bùi Đức Lưu đã hy sinh trên mặt trận đường 9, Khe Sanh, mẹ của hai con mới đây đã được tham gia trận đánh cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Hòa vào đoàn người xuống đường mừng chiến thắng, mắt mẹ ánh lên niềm tự hào chân chính. Niềm vui lớn của cả dân tộc, đã bù đắp lại nỗi đau thương, mất mát cho mỗi người, mỗi gia đình.

Những gì Thời Nay trích dẫn chỉ là một góc rất nhỏ của hàng trăm bài báo sau ngày 30/4/1975, lại càng nhỏ bé hơn trong kho tàng báo chí đồ sộ hơn 400 nghìn tờ, nặng hơn 22 tấn của nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng. Tuy vậy, những tư liệu ghi dấu lịch sử này vô cùng quý giá để chúng ta, nhất là thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm trân trọng công lao của cha ông và giá trị của hòa bình. Để từ đó tiếp nối khát vọng, lý tưởng bảo vệ, xây dựng Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình hôm nay.