Tài sản của cựu điệp viên

Cựu điệp viên, cựu phi công Hồ Duy Hùng khởi đầu là chiến sĩ Ban Quân báo Quân khu Sài Gòn - Gia Định, được Việt Nam Cộng hòa đào tạo học lái máy bay ở Mỹ. Ông sống trong lớp vỏ bọc phi công ngụy, hoạt động ngầm trong Không lực Việt Nam Cộng hòa. Phi công không được bay thì khác nào “gãy cánh”. Vậy mà trong đời, hai lần ông gãy cánh, rời buồng lái.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu điệp viên, cựu phi công, cựu Giám đốc Hồ Duy Hùng. Ảnh: MỸ DUNG
Cựu điệp viên, cựu phi công, cựu Giám đốc Hồ Duy Hùng. Ảnh: MỸ DUNG

Cuối cùng, với hàm Đại úy, ông rời quân ngũ thành doanh nhân. Lĩnh vực nào ông cũng có dấu ấn, nhưng cũng gần như trượt khỏi những cuộc điểm danh thành tích.

Những điều chưa nói

Người ta nói nhiều về Hồ Duy Hùng, với tư cách là “thủ phạm” của vụ “tản thất quân dụng” gây rúng động Việt Nam Cộng hòa ngày 7/11/1973. Ông đã đánh cắp thành công chiếc UH-1 của Không lực Việt Nam Cộng hòa ở Đà Lạt và đưa về Dầu Tiếng (Bình Dương bây giờ), rồi sau đó lại đề xuất tháo máy bay, đưa lên xe tải chở về miền bắc. Người ta cũng nói đến mấy lần cất cánh, hạ cánh trần ai của ông để đưa được chiếc máy bay về vùng an toàn, mấy lần suýt chết vì mây mù, và cả vì bị phòng không ta tưởng là địch.

Nhưng ông kể, lẽ ra đánh cắp máy bay chỉ là một phần “xuất quỷ” thôi. Ban Quân báo đã đề xuất một điệp vụ “nhập thần” khác. Đấy là dùng chiếc trực thăng mới lấy được chở chất nổ vào Dinh Tổng thống, ông Hùng sẽ tự lái trực thăng và thả thuốc nổ, dự tính vào sáng 1/1/1974. Quyết tâm của ông Hùng là “đổi mạng” với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đòi lại món nợ cho Quân báo, Biệt động đã hy sinh trong Tết Mậu Thân 1968. Khi đề xuất không được cấp trên đồng ý, ông bày tỏ, “cực khổ mới lấy được chiếc trực thăng về mà không được đánh”.

Nhiều năm sau, ông lại thấy đó là ý đồ chiến lược của những người lãnh đạo có tầm nhìn xa. Chiếc máy bay lấy được không mang nhiệm vụ ném bom, mà được chính ông mang ra Hà Nội theo đường Trường Sơn.

Về sau, lẽ ra ông Hùng đã có thêm một điệp vụ nữa trọn vẹn hơn. Ấy là vào thời điểm tháng 4/1975, sau khi phi công Nguyễn Thành Trung ném bom thành công Dinh Độc Lập và bắt đầu được giao nhiệm vụ mới: Dẫn đầu Phi đội Quyết thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Một biên đội trực thăng UH-1 cũng được thành lập, với ý định thực hiện điệp vụ “nhập thần” năm trước chưa thành.

Cuối tháng 4/1975, phi công Hồ Duy Hùng được gọi xuống sân bay Phù Cát để cùng các phi công đã bay được UH-1 thành lập một đội UH-1 vũ trang tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, trên đường đi, chiếc xe chở ông Hùng bị lật ở gần núi Chư Cúc (Buôn Ma Thuột), ông Hùng bị thương nặng phải ra miền bắc điều trị dài ngày, còn đội UH-1 không có người hướng dẫn lắp và bắn rocket, nên cũng lỡ cơ hội làm nhiệm vụ. Sau này, ông Năm Hà (Lê Nam Hà), Phó Ban Quân báo cũng tỏ ý tiếc nuối: “Điệp vụ xuất quỷ nhập thần có lẽ sẽ hoàn hảo nếu cậu không bị thương”. Nhưng sau tất cả, những người lính cười xòa với nhau: “Cũng lời chán, bao nhiêu chi phí đào tạo Mỹ trả hết, còn tặng cho chiếc máy bay”, ông Năm Hà nói với ông Hùng.

Ông Hùng bảo, nếu tiếc thì tiếc mình không được góp mặt vào trận cuối, chứ phi đội trực thăng ngày đó không tham gia cũng không ảnh hưởng gì: “Đến ngày đó quân địch đã tận số rồi”. Ngày nghe tin chiến thắng, từ miền bắc, ông Hùng đang ở trong bệnh xá lao ra ngoài sân, nước mắt cứ chảy ra.

Ngoại giao là tài sản

Hòa bình, ông Hồ Duy Hùng từ Quân báo chuyển sang Không quân. Mấy năm đất nước không yên nơi biên giới, ông cũng có mặt: từ biên giới Tây Nam tới chiến trường Lạng Sơn 1979, rồi đánh Fulro ở Tây Nguyên, khảo sát cắm mốc ở Trường Sa. Mải miết, có lúc chỉ kịp tranh thủ xin thủ trưởng khi máy bay ghé qua gần quê nhà Quảng Nam, được hạ thấp độ cao thả một gói quà cho gia đình.

Năm 1982, ông ra quân, chuyển sang công tác tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ vị trí nhân viên Văn phòng Quận ủy, rồi lên Phó Chánh Văn phòng, Chánh Văn phòng kiêm Bí thư Chi bộ. Năm 1989, ông được điều chuyển làm Phó Giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ Chi nhánh Dịch vụ du lịch Quận 11, một đơn vị kinh tế mới tách ra từ công ty ăn uống của quận. Cơ ngơi khi ấy chỉ là một khách sạn vài chục phòng và một nhà hàng nhỏ trong khu Đầm Sen.

Đầm Sen, một trong những công viên lớn được quy hoạch sau giải phóng, lúc đó hoang sơ, lộn xộn. Hai phần ba diện tích đã được giải tỏa, còn lại là mấy khu nghĩa trang vừa di dời, vài ba cây xanh, một ít đường nội bộ bằng đất. Trước đó, khu vực này được giao cho một công ty dịch vụ văn hóa và các cơ sở của xí nghiệp nuôi trồng để nuôi cá, heo, dê, nhưng hoạt động kém hiệu quả. “Để biến nó thành công viên hoặc một khu du lịch hút khách quả thật quá khó”, ông Hùng viết trong hồi ký.

Để biến Đầm Sen thành một điểm đến hấp dẫn cần có tiền: “Muốn vay được vốn ngân hàng, điều đầu tiên là công ty phải có tư cách pháp nhân, phải có con dấu”. Thành phố tạo điều kiện cho mọi thứ, chỉ trừ tiền: “Thành phố bảo: Không có tiền đâu, anh tự lo đi!”, ông Hùng nhớ lại lời một cán bộ cao cấp, nụ cười thoáng chút hóm hỉnh. Những ngày đầu, Đầm Sen không có tài sản thế chấp, cũng chẳng ai đứng ra bảo lãnh, ông từng tìm đến các lãnh đạo ngân hàng, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Nhưng tinh thần người lính khiến ông không dễ dàng từ bỏ. Ban Giám đốc Đầm Sen bắt đầu từ những việc nhỏ: cho thuê vài gian nhà, mở dịch vụ ăn uống, tổ chức tiệc tại khách sạn: “Làm nhỏ nhỏ thôi, miễn là có dòng tiền để duy trì”.

Nhờ những bước đi thận trọng, chi nhánh dịch vụ du lịch dần có doanh thu. Đó là bước đà để tạo niềm tin với cán bộ, đối tác và cả thành phố, mở đường cho những kế hoạch lớn hơn.

Từ một khu đất hoang sơ, Đầm Sen dần thành hình dưới bàn tay của mấy ông giám đốc, phó giám đốc tay ngang, ngày đêm vò đầu bứt tai nghĩ cách kinh doanh hiệu quả. Không có đầu tư từ ngân sách, mọi thứ đều phải “tự thu - tự chi - tự nuôi mình”. Họ mày mò từng ý tưởng, từ nhỏ đến lớn, để biến Đầm Sen thành một điểm đến hấp dẫn. “Cái gì lạ là làm”, ông nói. Đầm Sen là nơi đầu tiên trong thành phố có dịch vụ đạp vịt trên hồ, rồi đến câu cá giải trí, khu trò chơi nước, trở thành nơi đầu tiên bắn pháo hoa vào mỗi cuối tuần.

Nhạc nước và sân khấu nước là một trong những sáng tạo nổi bật của Đầm Sen. Ông Hùng tuyển các kỹ sư cơ khí, điện tử, kiến trúc, toàn nhân lực có trình độ, mục đích để tạo ra các sản phẩm hợp thị hiếu, mà phải đi đầu. “Nhạc nước, sân khấu nước là anh em nghĩ ra, tự thiết kế, lắp đặt rồi cải tiến”, ông Hùng chia sẻ. Khu nhạc nước của Đầm Sen là sản phẩm “made in Đầm Sen” từ A-Z. Năm 1996, công trình nhận Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

“Mình nói với nhân viên là làm sao Đầm Sen ngày thường cũng đông như lễ, Tết”, ông kể. Đầm Sen giảm giá cho đoàn đông, tặng vé để giữ khách: “Quan điểm của chúng tôi là mất ít người còn hơn mất cả đoàn”. Ông cũng dựa vào nhu cầu thực tế của người dân để triển khai dịch vụ. “Không ai dạy mình cách quản lý. Mình tự học, tự làm, dựa vào nhu cầu thật của nhân dân. Cái gì thu hút dân là mình triển khai”, ông nói.

Trong 10 năm ông Hùng làm Phó Giám đốc, 9 năm làm Giám đốc, từ một đơn vị nhỏ, công ty mở rộng với nhiều nhà hàng, khu vui chơi, dịch vụ xe du lịch, hình thành một hệ thống khép kín. Có đợt lễ 2/9, khách tới phải đến hơn 100 nghìn người, nhân viên xé vé không kịp, Phó Giám đốc và Giám đốc phải cầm hai bao tải, ai tới đưa tiền bỏ vào bao tải rồi vào, không cần vé nữa. Đến năm 2008, khi ông Hùng nghỉ hưu, bàn giao hơn 100 tỷ đồng tiền mặt cho công ty.

Dù sau này thương hiệu Đầm Sen đối mặt với thách thức từ cạnh tranh và thay đổi kỹ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều điểm đến mới hơn, nhưng đây vẫn là một điểm đến ghi dấu ấn văn hóa của thành phố, cũng ghi dấu ấn của một cựu điệp viên luôn tự nhận mình “gãy cánh”.

Trong câu chuyện với ông Hồ Duy Hùng, ông bảo làm lính hay làm doanh nghiệp, dân thường gì cũng được, nhưng đời lính vẫn là điều gắn bó hơn cả.

Tinh thần lính giúp ông xử lý nhiều tình huống khó khăn. Kỹ năng thời làm điệp viên cũng giúp ông trong việc xây dựng mối quan hệ. “Ngoại giao là tài sản”, cựu điệp viên cười tủm tỉm. Công viên Văn hóa Đầm Sen nhờ thế được sự hỗ trợ của rất nhiều bên, và cũng nhận được cơ chế “cởi trói” từ nhiều phía. Chẳng hạn như Kiến trúc sư trưởng thành phố Lê Văn Năm bật đèn xanh cho Đầm Sen đầu tư trong phạm vi quy hoạch thì không cần phải xin phép, Quận 11 “phá rào” bảo lãnh cho công ty đi vay vốn…

Đại tá Từ Đễ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thành viên Phi đội Quyết thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, nói ông Hùng có nhiều cái không như ý, nhưng ông là người Quảng Nam, mà chất Quảng Nam thì kiên cường, gan góc, không chịu lùi bước trước bất cứ cái gì. Từng ấy năm, ông Hồ Duy Hùng đã có một cuộc đời đầy biến động, những câu chuyện bất ngờ. Ở vị trí nào ông cũng sống trọn vẹn mọi cung bậc của một người đi từ khói lửa tới hòa bình.

Mấy ngày này, ông Hùng bận. Ngồi với ông một lúc, thấy điện thoại ông đều đặn có những cuộc gọi rủ gặp mặt. Họ là những gương mặt từng chiến đấu vì Sài Gòn, giờ mỗi dịp kỷ niệm gặp nhau hàn huyên. Lễ lạt là việc của lễ lạt, còn họ đơn giản là những người bình thường, gặp nhau kể chuyện cũ. “Mười mấy năm kinh doanh, tôi không có nhiều bạn bằng quãng thời gian trong quân ngũ”, ông Hùng kể. Họ ngồi với nhau, ôn chuyện cũ, lai rai một bữa, như những người lính thuở nào.