50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Hạnh phúc ngày giải phóng Cần Thơ

Nhìn lá cờ nửa xanh, nửa đỏ bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng, tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc có mặt trong ngày toàn thắng. Trên đường kháng chiến đã có biết bao đồng chí, đồng bào, bạn bè đã ngã xuống, trong đó có đồng đội tôi hy sinh chỉ cách ngày chiến thắng có vài giờ!
0:00 / 0:00
0:00
Một số hình ảnh giải phóng các tỉnh vùng cực Tây Nam của Tổ quốc trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh chụp lại: QUANG HƯNG
Một số hình ảnh giải phóng các tỉnh vùng cực Tây Nam của Tổ quốc trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh chụp lại: QUANG HƯNG

Đập tan Lộ Vòng Cung

TP Cần Thơ, thủ phủ của tỉnh Cần Thơ và còn là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây từng là nơi đặt sở chỉ huy quân đoàn 4 và vùng 4 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn - nơi bố thí các căn cứ quân sự, hậu quần, kỹ thuật, sân bay, bến cảng... bảo đảm chỉ huy và tăng cường toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây, địch cũng sẵn sàng chi viện cho Sài Gòn hoặc co cụm cố thủ nếu Sài Gòn thất thủ. Vì thế, tỉnh Cần Thơ nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, được địch bảo vệ rất chắc chắn.

Thời điểm tháng 4/1975, lực lượng của địch ở Cần Thơ khá mạnh. Cùng với hệ thống gần 400 đồn bốt, 11 chi khu, địch bố trí nơi đây: 1 trung đoàn lính bảo an; sư đoàn không quân số 4; 2 giang đoàn; 3 chi đoàn xe bọc thép... Sân bay Trà Nóc, ngoài một sư đoàn không quân tại chỗ, còn tiếp nhận thêm máy bay phản lực A37 và nhiều máy bay trực thăng từ Tân Sơn Nhất và Biên Hòa tới. Địch bố trí thành 4 tuyến phòng thủ quanh thành phố Cần Thơ.

Lộ Vòng Cung là tuyến vững chắc nhất trong bốn tuyến phòng thủ bảo vệ TP Cần Thơ của địch. Con lộ hình vòng cung, chạy dọc sông Cần Thơ, có chiều dài hơn 30 km, từ chân cầu Cái Răng, qua huyện Phong Điền và kết thúc ở ngã ba Lộ Tẻ - Ba Xe (huyện Ô Môn). Ngoài hệ thống hơn 100 đồn bốt được xây dựng dọc trên tuyến Lộ Vòng Cung và một trung đoàn lính bảo an chốt giữ, trước tháng 4 năm 1975, địch tăng cường về đây 3 trung đoàn bộ binh thuộc sư đoàn 21; 2 thiết đoạn xe bọc thép M113, 2 giang đoàn. Không những vậy, chúng thường mở các đợt càn phía ngoài tuyến Lộ Vòng Cung tạo thành “vành đai trắng” hòng ngăn chặn lực lượng ta.

Tháng 3/1975, sư đoàn 4 - đơn vị chủ lực quân giải phóng của Tây Nam Bộ (gồm 3 trung đoàn 2, 10 và 20) tiến đánh các tuyến phòng thủ chung quanh TP Cần Thơ, đánh chiếm sân bay Trà Nóc, kho bom Bình Thủy và sân bay Lộ Tẻ (Phi trường 31), chớp thời cơ đánh thẳng vào nội đô đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, Bộ Tư lệnh quân đoàn 4 và Bộ Tư lệnh vùng IV chiến thuật của địch, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Ngày 26/4/1975, phối hợp chiến dịch Hồ Chí Minh, các đơn vị của sư đoàn 4 đã cùng lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ nổ súng đánh địch ở Lộ Vòng Cung.

Trước sự tiến công như vũ bão của quân giải phóng trên khắp các chiến trường miền nam, lực lượng địch ở Cần Thơ bắt đầu hoang mang, dao động. Tuy nhiên, bọn sĩ quan chỉ huy dựa vào ưu thế của vũ khí, trang bị, đốc thúc binh sĩ “tử thủ” nên nhiều trận đánh giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt. Ta và địch giành nhau từng góc vườn, bờ kênh... Ban ngày địch dùng máy bay và pháo binh bắn phá dữ dội, rồi bộ binh núp sau những chiếc xe bọc thép M113 đánh vào đội hình của ta. Ban đêm, máy bay C130 bay ở tầm cao bắn đạn 20 ly xuống, ở tầng thấp, trực thăng rọi đèn pha, phóng “rốc két” vào những nơi chúng nghi ngờ có quân giải phóng.

Mặc dù bị tổn thất không nhỏ về lực lượng (có đại đội của ta chỉ còn một nửa quân số) nhưng với ý chí quyết tâm trước trận đánh lịch sử, sự gương mẫu của các cán bộ, đảng viên nên cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn vẫn kiên cường chiến đấu. Đêm 29 rạng 30/4, các đơn vị của trung đoàn 20 đã mở toang đoạn lộ từ Đôi Ngãi đến Ba Xe trên Lộ Vòng Cung, rồi chiếm lĩnh hai bên ngọn kênh Trà Nóc. Cùng lúc, các đơn vị của trung đoàn 10 làm chủ đoạn lộ từ Rạch Nóp đến Đôi Ngãi trên Lộ Vòng Cung. Một bộ phận vượt qua Lộ Vòng Cung, phát triển về Rạch Bình Thủy.

11 giờ 30/4/1975, khi các binh đoàn chủ lực đồng loạt tiến công giải phóng Sài Gòn và Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc toàn thắng, thì ở Cần Thơ, trung đoàn 20 đánh chiếm và làm chủ sân bay Trà Nóc, tiếp nhận đầu hàng của trung đoàn 33 địch. Trung đoàn 10 tiếp nhận đầu hàng của 4 tiểu đoàn địch, sau đó phát triển dọc theo lộ Sống Lươn đánh chiếm kho bom Bình Thủy và sân bay Lộ Tẻ.

Hạnh phúc ngày giải phóng Cần Thơ ảnh 1

Cầu Quang Trung, thành phố Cần Thơ. Ảnh: NAM NGUYỄN

Đột phá làm chủ nội đô

12 giờ ngày 30/4, phối hợp với các đơn vị chủ lực của quân khu, lực lượng vũ trang Cần Thơ đã chia làm ba mũi, vượt qua Lộ Vòng Cung đánh thẳng vào các mục tiêu đã được xác định ở nội đô thành phố.

Mũi một, gồm tiểu đoàn Tây Đô 3, phối hợp với quân chủ lực quân khu tiến về Châu Thành A, lên Lộ Vòng Cung, qua Trà Niền và Nhơn Ái.

Mũi hai, gồm tiểu đoàn Tây Đô 2, phối hợp với tiểu đoàn 303 (trung đoàn 1 U Minh) từ Vĩnh Long vượt sông Hậu từ đêm hôm trước, tiến vào Châu Thành B rồi phát triển về xóm Chài (phường Hưng Phú) và huyện Cái Răng. Mũi này do một tỉnh đội phó chỉ huy.

Mũi thứ ba là mũi chủ yếu, gồm tiểu đoàn Tây Đô 1, đội biệt động thành phố Cần Thơ, do đồng chí Lê Thanh Sơn, Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy. Cùng đi với mũi này có đồng chí Trần Minh Sơn (Bảy Mạnh), Phó Bí thư tỉnh ủy. Mũi này đánh thẳng lên Rạch Sung, vượt sông qua An Bình. Đồng chí Lê Thanh Sơn kể lại: Khoảng 12 giờ ngày 30/4/1975, khi chúng tôi đến mé sông Cần Thơ (ở đoạn Rạch Sung) thì thấy bên kia sông có nhiều lính đi lại nhốn nháo. Mấy chiếc xe tăng chạy qua, chạy lại. Tôi nói với cậu chiến sĩ thông tin hãy dùng máy bộ đàm PCR25 liên lạc với địch để nói chuyện.

Khi hắn lên máy, tôi nói: Tôi là chỉ huy quân giải phóng đang áp sát các ông! Các ông có nghe chỉ huy của các ông ra lệnh ở đâu ở tại chỗ đó không? Tên chỉ huy nói: Dạ thưa, có! - Vậy ông hãy cho quân giãn ra hai bên để chúng tôi qua sông. Mọi hành động chống đối đều bị tiêu diệt ngay tức khắc! - Dạ vâng!

Đơn vị chúng tôi tiến theo đại lộ Hòa Bình vào chiếm cơ quan tham mưu vùng IV chiến thuật. Một bộ phận của hai trung đoàn 10 và 20 tiến về nội ô, kết hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ chiếm Dinh Tỉnh trưởng, Bộ Tư lệnh quân đoàn 4 và vùng IV chiến thuật của địch. Lúc đó là 18 giờ ngày 30/4/1975. 17 giờ ngày 30/4/1975, trong lúc hai trung đoàn 10 và 20 đánh chiếm các mục tiêu đã được xác định thì trung đoàn 2 - lực lượng dự bị của sư đoàn 4 đã vòng lên phía Tây Bắc, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương giải phóng hai huyện Châu Thành và Ô Môn. 18 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, TP Cần Thơ - trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được giải phóng.

Hạnh phúc phút giây toàn thắng

Phải đến 21 giờ ngày 30/4, những phóng viên báo “Quân giải phóng Tây Nam Bộ” mới gặp lại nhau tại Sở Chỉ huy tiền phương của Quân khu sau mấy tháng đi theo các mũi tiến công của quân giải phóng. Chúng tôi ôm nhau nhảy cẫng lên, hò reo trong giàn giụa nước mắt, trong vui sướng tột cùng của ngày toàn thắng! Trừ hai người là Lê Thế Thành và Phan Nguyên Hồng bị thương nhẹ, còn chúng tôi đều lành lặn.

Lúc này, lực lượng vũ trang, tự vệ nội thành đã nhanh chóng chiếm giữ các mục tiêu đã được phân công. Bà con ở các phường trong nội đô bao năm sống trong sự o ép, kiểm soát gắt gao của địch, nay được tự do đã phối hợp với quân giải phóng, nổi dậy giành chính quyền. Bà con hòa vào dòng người từ các ngả đường đổ về trung tâm thành phố. Hàng nghìn người reo vui, vừa đi vừa hô vang những khẩu hiệu chúc mừng quân giải phóng, chào mừng ngày toàn thắng.

Nhìn lá cờ nửa xanh, nửa đỏ bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng, tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc có mặt trong ngày toàn thắng. Trên đường kháng chiến đã có biết bao đồng chí, đồng bào, bạn bè đã ngã xuống, trong đó có đồng đội tôi hy sinh chỉ cách ngày chiến thắng có vài giờ!

Tổ quốc, nhân dân ta sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn và nguyện sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh xương máu và tính mạng của họ.

Ngoài lực lượng đông đảo người dân ở nội đô, rất đông bà con từ các huyện Ô Môn, Phụng Hiệp, Châu Thành, thậm chí là ở tận Long Mỹ... được tin thành phố Cần Thơ giải phóng, đã dùng mọi phương tiện giao thông náo nức đi về trung tâm thành phố. Bà con mang đến rất nhiều quà bánh, trái cây và nước uống cho bộ đội.