Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Đồng bằng sông Cửu Long (*)

Bài 2: Tạo sinh kế giúp xóa nghèo bền vững

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đạt những kết quả rõ rệt, bước đầu giúp người dân có nơi ở ổn định, yên tâm làm ăn. Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải trao quà tặng người dân tại lễ bàn giao nhà đại đoàn kết trong chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”. (Ảnh QUỐC TRINH)
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải trao quà tặng người dân tại lễ bàn giao nhà đại đoàn kết trong chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”. (Ảnh QUỐC TRINH)

AN CƯ, CHƯA LẠC NGHIỆP

Bà Neang Sà Gom, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (cũ) chia sẻ, từ khi được cấp nhà mới, gia đình chú tâm chăn nuôi. Hai con trâu được cấp năm 2023 nay đã sinh thêm, tổng đàn tăng lên bốn con. Cả gia đình được cấp bảo hiểm y tế, hai con nhỏ học trường công lập không tốn học phí.

Cùng có nhà mới được hỗ trợ từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng với gia đình bà Thạch Thị Sa Tụm (ấp Bình Minh, xã Song Lộc, tỉnh Vĩnh Long) vẫn còn nhiều nỗi lo. Hỏi ra mới biết, bà Tụm gần đây bị tai biến, không ra chợ Sâm Bua (xã Lương Hòa) mua bán nhỏ được như trước, chi tiêu của gia đình đều phụ thuộc vào công việc phụ hồ bấp bênh của người chồng. Bà Tụm ước mong: “Tôi muốn có tiền chữa khỏi bệnh, rồi thêm ít vốn để buôn bán như ngày trước phụ chồng nuôi con, chứ thu nhập của cả nhà bấp bênh quá”.

Trong hơn 1,2 triệu dân của tỉnh Trà Vinh cũ, có gần 32% là hộ đồng bào Khmer. Tỉnh còn gần 2.500 hộ nghèo (khoảng 0,87%) và hơn 5.300 hộ cận nghèo (khoảng 1,84%). Trong đó, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer đến 1,46% và cận nghèo đến 2,7%.

Tương tự tại xã Thủy Liễu, nơi có hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc Khmer (chiếm gần 50% dân số của xã), sau nhiều nỗ lực, từ năm 2015 đến nay mới giảm được hộ nghèo từ hơn 10% xuống còn dưới 1,8%. “Địa phương đang tiếp tục rà soát, tìm hiểu nguyện vọng của từng hộ gia đình để kiến nghị có thêm hỗ trợ mô hình phù hợp, giúp bà con vùng đồng bào Khmer cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững” - bà Trương Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thủy Liễu, trăn trở.

CẦN SINH KẾ GIÚP HỘ YẾU THẾ

Những căn nhà mới sẽ khó bền vững nếu người dân không có sinh kế. Các địa phương đang hướng tới những giải pháp lâu dài, tập trung vào hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nâng cao năng lực tự chủ kinh tế cho các hộ dân yếu thế.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang (mới), cho biết: “Ngoài việc tiếp tục rà soát để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn mới phát sinh, địa phương đang tiếp tục nghiên cứu để có thêm chính sách mới hỗ trợ cho nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là sinh kế, tạo việc làm theo từng đối tượng, ngành nghề để giúp người dân thoát nghèo bền vững”.

Tại hội nghị tổng kết Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vào giữa tháng 6 năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải thay mặt lãnh đạo tỉnh phát động chương trình thực hiện Đề án hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025-2027. Đây cũng là động thái vào cuộc quyết liệt của tỉnh Cà Mau trong công tác giảm nghèo bền vững, giúp dân “an cư, lạc nghiệp”, từng bước làm giàu chính đáng.

Qua rà soát từ ngành chức năng tỉnh Cà Mau, đến giữa tháng 5/2025 vừa qua, trong hơn 6.950 hộ có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh đã được hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ sinh kế từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và các hỗ trợ khác, hiện tại còn hơn 5.950 trường hợp hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang có nhu cầu hỗ trợ sinh kế để ổn định cuộc sống.

Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, đề án của tỉnh chia thành nhiều nhóm hỗ trợ khác nhau theo nhu cầu thực tế của người dân, như: Nhóm hộ có nhu cầu hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật (mô hình sản xuất); nhóm hộ có nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nhóm hộ có nhu cầu hỗ trợ công cụ, phương tiện sản xuất; nhóm hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất; nhóm hộ có nhu cầu hỗ trợ về vốn để sản xuất, kinh doanh…

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Cà Mau (cũ) là đến cuối năm 2027, toàn tỉnh không còn hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; ít nhất 70% số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng hỗ trợ theo đề án này thoát nghèo bền vững. Trong đó, chỉ riêng nguồn kinh phí dự kiến thực hiện từ nay đến hết năm 2026 là hơn 326 tỷ đồng.

Đề án sẽ được hoàn thiện sau khi hoàn thành hợp nhất tỉnh Cà Mau nhằm cập nhật thêm nhu cầu của người dân ở tỉnh vừa sáp nhập để triển khai trên diện rộng, mở ra cánh cửa mới cho nhóm đối tượng yếu thế.

Hầu hết lãnh đạo các tỉnh, thành phố khi được chúng tôi phỏng vấn đều cho biết đã kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo hướng tích hợp đồng bộ với các chương trình sinh kế, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và giảm nghèo bền vững; đồng thời thể chế hóa thành các tiêu chí bắt buộc trong các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng vùng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, mỗi địa phương cần quản lý chặt chẽ, cập nhật thường xuyên danh sách hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng yếu thế có nguy cơ tái nghèo thông qua hệ thống số hóa, có sự giám sát từ nhiều cấp; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong huy động nguồn lực xã hội hóa, lan tỏa tinh thần nhân ái, tăng cường sự gắn kết giữa người dân và chính quyền địa phương.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 26/6/2025.

Có thể bạn quan tâm

back to top