Chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nổi bật với cây lúa, thủy sản, mà ngành chăn nuôi cũng đang từng bước khẳng định vai trò trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Từ mô hình nhỏ lẻ, truyền thống, chăn nuôi đang chuyển sang quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, tuân thủ quy trình an toàn sinh học, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe thị trường.

Mô hình chăn nuôi bò sữa theo quy trình khép kín của ông Sơn Đức tại phường Mỹ Xuyên, thành phố Cần Thơ.
Mô hình chăn nuôi bò sữa theo quy trình khép kín của ông Sơn Đức tại phường Mỹ Xuyên, thành phố Cần Thơ.

Do chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây gây nhiều rủi ro về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, ngành chức năng các địa phương đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người dân chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi tập trung, khép kín, bảo đảm vệ sinh và hiệu quả kinh tế cao.

NHIỀU ĐIỂN HÌNH HIỆU QUẢ

Tại xã Vĩnh Thuận Đông (thành phố Cần Thơ), ông Thái Thành Lập là một trong những nông dân tiêu biểu tham gia mô hình nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi và truy xuất nguồn gốc. Từ tháng 8/2022, ông Lập nuôi thử 200 con gà Ai Cập. Sau bốn tháng, đàn gà cho sản lượng trứng cao, ổn định, khoảng 170-180 trứng mỗi ngày, cao hơn 30% so với nuôi thả truyền thống.

Do hiệu quả tích cực, ông Lập tiếp tục đầu tư ba lò ấp trứng, chọn lọc gà mái lấy trứng giống, vừa bán trứng vừa cung cấp khoảng 1.000 con gà giống mỗi tháng cho các hộ chăn nuôi, thu lãi hơn 16 triệu đồng. Ông chia sẻ, nuôi theo phương pháp cũ dễ khiến gà mắc bệnh đường hô hấp và tiêu hóa, đồng thời phân thải không được xử lý tốt gây ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng đệm lót sinh học đã giúp giảm mùi hôi, hạn chế dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tại xã Trường Thành (thành phố Cần Thơ), trại heo Dũng Nhung với hơn 50 heo nái và 350 heo thịt, mỗi năm xuất chuồng hơn 1.200 heo con. Chủ trại, ông Dương Hoàng Dũng, đã chuyển sang chăn nuôi bằng thức ăn sạch, không kháng sinh, nhằm đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn của người tiêu dùng. Ông Dũng cho biết: “Tôi nghiên cứu nuôi bằng tấm, cám, ngô trộn với sản phẩm Taca (chiết xuất từ than bùn) giúp heo tăng sức đề kháng, hạn chế bệnh tật. Thịt heo sạch có chất lượng cao, khi nấu săn chắc, thơm và dai hơn”. Ngoài ra, ông Dũng đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt.

Một mô hình chăn nuôi bền vững khác là trại bò sữa hơn 20 con của ông Sơn Đức tại phường Mỹ Xuyên (thành phố Cần Thơ). Năm 2012, ông Đức quyết định chuyển đổi sang nuôi bò sữa, tận dụng lợi thế đồng cỏ rộng, nguồn rơm rạ từ trồng lúa và điểm thu mua sữa gần nhà. Từ 4 con bò ban đầu, ông đã mở rộng lên 22 con, trong đó 10 con đang cho sữa. Trung bình mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Được hỗ trợ từ các dự án phát triển chăn nuôi, ông Đức đầu tư chuồng trại kiên cố, tiếp cận nguồn vốn vay không lãi suất để mua máy băm cỏ, con giống và xây kho dự trữ thức ăn. “Tôi còn học thêm nghề thú y để biết cách phòng, chữa bệnh cơ bản cho bò, chủ động trong chăn nuôi”, ông chia sẻ.

HƯỚNG ĐI MỚI

Để bảo đảm đầu ra bền vững, các địa phương trong vùng đã đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết giữa hộ chăn nuôi với doanh nghiệp, hợp tác xã và các kênh phân phối. Mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” đang phát huy hiệu quả, vừa bảo đảm truy xuất nguồn gốc, vừa nâng cao giá trị thương hiệu.

Thực tế cho thấy chăn nuôi an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, yếu tố then chốt là việc tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín, có kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh và không sử dụng chất cấm hoặc kháng sinh bừa bãi.

Ông Dũng nhận định: “Heo ăn thức ăn tự nhiên không chỉ khỏe mạnh mà còn cho chất lượng thịt ngon, dễ tiêu thụ. Nếu nuôi đúng cách, không dùng chất kháng sinh, thì mùi hôi chuồng cũng giảm đáng kể. Đây là hướng đi cần thiết cho phát triển bền vững”.

Bên cạnh kỹ thuật nuôi và kiểm soát dịch bệnh, các hộ còn tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có. Như mô hình nuôi gà của ông Thái Thành Lập đã tận dụng chất độn đệm lót qua sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Đệm lót sinh học sử dụng nền trấu, chế phẩm sinh học giúp phân hủy phân gà, giảm mùi hôi, giữ chuồng trại khô thoáng và an toàn dịch bệnh.

Ông Lập chia sẻ thêm, nhờ chăn nuôi khoa học, chuồng trại sạch sẽ, việc chăm sóc gà đơn giản hơn. Mỗi tuần, ông phun thuốc khử trùng chung quanh chuồng và vệ sinh máng ăn, uống nhằm bảo đảm sức khỏe của đàn gà.

Chăn nuôi theo hướng an toàn, khép kín không còn là xu hướng mà đang là giải pháp thiết yếu, bảo đảm sinh kế cho nông dân và gìn giữ môi trường sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những mô hình như của ông Lập, ông Dũng, ông Đức đã cho thấy, khi người nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật, biết liên kết sản xuất và tiêu thụ, thì hoàn toàn có thể vượt qua thách thức để phát triển bền vững.

Với sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và sự chủ động của người dân, ngành chăn nuôi tại Đồng bằng sông Cửu Long đang đi đúng hướng: hiện đại hóa, nâng cao giá trị gia tăng, và từng bước chinh phục các thị trường có yêu cầu cao trong và ngoài nước.

Có thể bạn quan tâm

back to top