Điều cốt lõi hiện nay không nằm ở sự thống nhất hành chính, mà là làm thế nào để sau sáp nhập, vùng đất này phát triển bền vững, toàn diện, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
DẤU ẤN LỊCH SỬ
Vùng đất nằm giữa hai dòng sông Tiền và Hậu từng có nền văn hóa rực rỡ từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nhưng biến đổi địa lý-sinh thái, đặc biệt là hiện tượng “biển tiến” vào thế kỷ VII khiến cả vùng rộng lớn bị ngập mặn, hoang hóa. Phải đến thế kỷ XVII, những lớp cư dân mới từ khắp nơi lại tìm về khai phá, dựng làng, lập ấp, tạo nên một vùng trù phú mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước.
Năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Trú thiết lập đơn vị hành chính mới - dinh Long Hồ - đóng tại Cái Bè (nay thuộc Tiền Giang). Đến năm 1757, dinh Long Hồ được chuyển về vùng đất Tầm Bào, tức địa phận TP Vĩnh Long ngày nay. Vùng đất này lúc đó bao gồm cả các địa phương Trà Vinh, Bến Tre, An Giang và Vĩnh Long hiện nay.
Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, địa giới, từ dinh Long Hồ đến Hoằng Trấn, rồi Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh… và đến năm 1875, thực dân Pháp bắt đầu chia tách tỉnh Vĩnh Long thành các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi tái thiết đất nước, các tỉnh tiếp tục có những lần hợp-tách theo yêu cầu của từng giai đoạn. Gần nhất, năm 1992, tỉnh Cửu Long được tách thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Giờ đây, với định hướng sáp nhập mới, vùng đất Long Hồ xưa có cơ hội tái hiện vị thế trung tâm, đóng vai trò kết nối chiến lược giữa hai dòng sông lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vĩnh Long mở rộng hôm nay vẫn nằm trọn trong “vòng tay” của sông ngòi chằng chịt. Lợi thế lớn nhất cũng là thách thức lớn nhất: nước. Nước sinh hoạt, nước sản xuất, nước cho vườn cây, cho chăn nuôi - tất cả đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn kéo dài. Trà Vinh hiện có 112 trạm cấp nước sạch, công suất khoảng 1.200 m³/ ngày đêm. Bến Tre có 67 nhà máy nước, công suất khoảng 2.500 m³/ngày đêm. Tuy nhiên, vào mùa khô, nước mặn lấn sâu, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu vào. Hệ thống đường ống vẫn chưa phủ kín các vùng sâu, vùng xa, khiến hàng chục nghìn hộ dân phải “gồng mình” chống hạn hằng năm.
Với sản xuất nông nghiệp, bài toán nước ngọt cũng vô cùng cấp thiết. Địa hình chia cắt bởi ba con sông lớn, vùng này chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước biển dâng. Nông nghiệp vì thế phải thích ứng linh hoạt, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng-vật nuôi, từng bước áp dụng mô hình canh tác thông minh.
ĐÒN BẨY ĐỂ PHÁT TRIỂN
Muốn kết nối, phải có hạ tầng. Trong quy hoạch chung vùng, có ba tuyến đường cao tốc đi qua Vĩnh Long. Cùng với đó là các cây cầu vượt sông - một phần giải tỏa nỗi lo giao thông cách trở vốn tồn tại hàng thế kỷ. Tuy nhiên, để tận dụng được “xương sống” cao tốc, tỉnh cần phát triển hệ thống “xương cá”: mở rộng các tuyến đường nhánh, cải tạo đường liên xã, mở thêm trục ngang kết nối từ các trung tâm kinh tế đến cửa khẩu, cảng sông, cảng biển, xây thêm cầu.
Cảng sông, cảng biển cũng cần được đầu tư mạnh mẽ. Đây là lợi thế rõ ràng mà Vĩnh Long mở rộng cần phát huy. Việc hoàn thiện hệ thống logistics, kết nối vận tải đường thủy-bộ sẽ mở ra chuỗi giá trị mới cho ngành hàng nông sản, thủy sản.
Vĩnh Long vốn nổi tiếng với du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch văn hóa tâm linh, các di tích lịch sử, đền chùa, đình làng và đặc biệt là các nhân vật nổi tiếng như cụ Phan Văn Trị, Trần Đại Nghĩa… Những mô hình như “homestay miệt vườn”, “du lịch trải nghiệm nông nghiệp” đã tạo tiếng vang, nhưng chưa đủ sức giữ chân du khách dài ngày.
Trong khi đó, lợi thế du lịch biển vẫn là “kho báu chưa khai thác”. Dọc tuyến ven biển Bến Tre, Trà Vinh có nhiều tiềm năng du lịch biển kết hợp năng lượng tái tạo. Có thể nghĩ tới những tổ hợp du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng-trải nghiệm: kết hợp điện gió ngoài khơi với các bè nuôi hải sản, hệ thống nhà hàng nổi, khách sạn nổi.
Nếu được quy hoạch bài bản, đồng bộ với hạ tầng kết nối đường bộ và cảng biển, du lịch biển sẽ tạo thêm sản phẩm mới và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
Tái hợp sau hơn một thế kỷ chia tách, ba vùng đất nay không chỉ nhập lại về mặt hành chính mà còn là cơ hội để cộng hưởng về văn hóa, kinh tế, xã hội. Sự gắn bó của người dân nơi đây chưa từng bị chia cắt - cùng ăn con cá, trái cây từ miệt vườn; cùng nói tiếng nói của dòng Cửu Long; cùng chung khát vọng dựng xây quê hương trù phú, nghĩa tình.
Tất nhiên, ban đầu không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong vận hành bộ máy, trong quy hoạch vùng, trong phân bổ nguồn lực. Nhưng như một cỗ máy mới khởi động, sau vài vòng chạy, sẽ dần trơn tru, vận hành đồng bộ. Điều quan trọng là bảo đảm nguyên tắc “thuận lòng dân”, tôn trọng bản sắc, đồng hành cùng nguyện vọng của từng địa phương.
Cần xác định rõ: phát triển sau sáp nhập không thể chỉ là cộng gộp dân số hay diện tích hành chính, mà phải là sự hợp lực về chiến lược, tầm nhìn và quyết tâm chính trị. Phải lấy thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung cho nhau, tạo nên sức bật mới của vùng đất Vĩnh Long mở rộng.
Một miền đất từng là trung tâm của Long Hồ, hôm nay có cơ hội trở lại vị thế chiến lược trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với nền tảng lịch sử-văn hóa bền vững, với lòng dân đồng thuận, với sự đầu tư đúng hướng vào hạ tầng, nước sạch, nông nghiệp, logistics và du lịch, Vĩnh Long mở rộng hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu về phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa sông nước và biển khơi, giữa kinh tế và văn hóa.