Bảo đảm đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia chính sách
Ngày 15/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn chủ trì hội nghị.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn quốc có 18,958 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 247 nghìn người so với năm 2024 và tăng 652 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17,061 triệu người, tăng 382 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,897 triệu người, tăng 270 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 15,354 triệu người, tăng 388,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; bảo hiểm y tế đạt 91,254 triệu người tham gia.

Công tác giải quyết và thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời đến từng người tham gia, thụ hưởng, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động.
Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho 61.673 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng; 585.504 người hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần; hơn 4,4 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức. Ngoài ra, toàn hệ thống đã tiếp nhận 389.247 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và 8.014 quyết định hỗ trợ học nghề.
Về chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát chi phí, tối ưu hiệu quả sử dụng quỹ trong điều kiện nguồn lực hạn chế, bảo đảm chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Sáu tháng qua, cả nước có 95,59 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ước chi gần 76.100 tỷ đồng, tăng gần 10 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2024.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Sáu tháng qua, cả nước có 95,59 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ước chi gần 76.100 tỷ đồng, tăng gần 10 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, trước bối cảnh Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 51/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các dự thảo nghị định, thông tư để triển khai hiệu quả chính sách, bảo đảm quyền lợi của người dân, người lao động.
Công tác truyền thông chính sách được triển khai đa dạng, linh hoạt, tận dụng tối đa các nền tảng số và nắm bắt tối đa nhu cầu cần được hỗ trợ về chính sách của người dân và doanh nghiệp.
Các điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 được phổ biến rộng rãi, giúp người dân dễ tiếp cận, hiểu rõ quyền và lợi ích, an tâm tham gia chính sách.
Đồng bộ các giải pháp khi thực hiện chính quyền 2 cấp
Thông tin từ hội nghị cho biết, ngay sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động, linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm hoạt động được duy trì thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn.
Các địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tăng cường tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua hội nghị khách hàng, các cuộc tuyên truyền nhóm nhỏ tại khu dân cư nhằm mở rộng diện bao phủ,…
Đồng thời, các địa phương cũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời hỗ trợ giải pháp phù hợp trong công tác thu, phát triển người tham gia và tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua đó, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Ngay sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động, linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm hoạt động được duy trì thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn.
Để hoàn thành chỉ tiêu công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, theo Trưởng ban Quản lý thu và phát triển người tham gia Phan Văn Mến, bảo hiểm xã hội các địa phương cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia phù hợp với quy mô dân số, điều kiện kinh tế-xã hội của địa bàn mới sau sắp xếp, có lộ trình thực hiện nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Đảng.
Ông Phan Văn Mến nêu rõ, cần đẩy mạnh công tác đôn đốc, khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng; theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời xây dựng phương án xử lý đối với đơn vị giải thể, sáp nhập; tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại, tuyên truyền chính sách tới người sử dụng lao động; hoàn thiện kịch bản, giải pháp phát triển người tham gia theo từng nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội các địa phương cần nâng cao hiệu quả phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu; chủ động phòng, chống trục lợi; phân công cán bộ bám sát địa bàn, thực hiện công tác thu đúng, thu đủ, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Dương Tuấn Đức cho biết, Nghị định số 188/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.
Ông Dương Tuấn Đức đề nghị bảo hiểm xã hội các địa phương tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các nội dung của Nghị định; tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; kịp thời tổ chức thực hiện các điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế năm 2024; chủ động phối hợp cơ sở y tế trong việc bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế, giao dự toán sớm cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
Cùng với đó, cần xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí cảnh báo chi vượt dự toán, góp phần kiểm soát hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm đầy đủ, kịp thời quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, toàn hệ thống tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình mới, cùng những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và biến động xã hội.
Để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.
Trước hết, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và định hướng, mục tiêu, kế hoạch của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kịp thời ổn định tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền hai cấp; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản điều hành phù hợp bối cảnh mới.
Bảo hiểm xã hội các địa phương cần chủ động tham mưu đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng diện bao phủ, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người dân và người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kịp thời các nội dung mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 51/2024/QH15, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, đặc biệt chú trọng đối với đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách và hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đa dạng hóa, hiện đại hóa phương thức truyền thông, nội dung truyền thông bám sát các chính sách mới, mang tính thời sự, đặc biệt là những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 51/2024/QH15; tận dụng hiệu quả các nền tảng số và mạng xã hội trong công tác truyền thông;...
Song song với đó, tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát rủi ro, xử lý nghiêm vi phạm; bảo đảm chi trả đúng, đủ, kịp thời chế độ, chính sách; tăng cường quản lý tài chính, tài sản, thực hiện đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đúng quy định, gắn với sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
Tập trung rà soát, đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính; kịp thời bám sát, tháo gỡ khó khăn của bảo hiểm xã hội địa phương trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính khi triển khai chính quyền địa phương 2 cấp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các mặt công tác, triển khai nhiệm vụ của toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam; nghiên cứu, triển khai kết nối, liên thông hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan phù hợp với mô hình, tổ chức bộ máy mới.